BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Sáu, 27/12/2024
Tin dự án
WTO: Những vấn đề cần giải quyết sau chặng đường 25 năm
Chủ Nhật, 22/11/2020 11:40

Hệ thống thương mại thế giới dựa trên luật lệ tiếp tục đóng vai trò quan trọng, cải cách WTO phải là ưu tiên nhằm làm cho tổ chức này phù hợp với mục đích thúc đẩy thương mại trong thế kỷ 21.

Ban thư ký Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 19/11 tổ chức hội thảo trực tuyến với sự tham dự của một số đại diện cấp cao của các nước, các đại diện tổ chức quốc tế và giới doanh nghiệp, tổ chức xã hội và truyền thông để thảo luận về tác động của WTO trong 25 năm qua, những vấn đề mà WTO cần giải quyết trong những năm tới nhằm đảm bảo một hệ thống thương mại bình đẳng.

Tại hội thảo, các diễn giả đều nhấn mạnh hệ thống thương mại thế giới dựa trên luật lệ tiếp tục đóng vai trò quan trọng, thể hiện ở vai trò then chốt của thương mại quốc tế trong việc ứng phó đại dịch COVID-19, đồng thời cho rằng cải cách WTO phải là ưu tiên nhằm làm cho tổ chức này phù hợp với mục đích thúc đẩy thương mại trong thế kỷ 21.

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng thống Liên bang Thụy Sỹ Guy Parmelin nhấn mạnh vai trò quan trọng của WTO, đặc biệt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện nay, việc duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu và thị trường mở cửa có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo tiếp cận nhanh chóng với thuốc men và các nhu yếu phẩm cần thiết khác để chống đại dịch.

Theo ông Parmelin, thương mại quốc tế là một phần của giải pháp chứ không phải là một phần của vấn đề, thương mại và y tế có thể và cần hỗ trợ lẫn nhau. Các quy tắc của WTO đảm bảo duy trì các thị trường mở giúp phục hồi kinh tế nhanh chóng và bền vững sau khủng hoảng đại dịch.

Ông cũng nhấn mạnh, hãy tận dụng cuộc khủng hoảng này để đưa tổ chức WTO trở lại hoạt động trong phần còn lại của thế kỷ 21.

Chủ tịch Đại hội đồng WTO, Đại sứ New Zealand David Walker cho rằng có rất nhiều điều chúng ta có thể tự hào về lịch sử 25 năm của WTO và mặc dù có những lời chỉ trích, WTO đã đóng một vai trò trung tâm trong việc hỗ trợ sức mạnh và sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu.

Thế giới ngày nay khác xa so với năm 1995, vì vậy khả năng cập nhật, điều chỉnh quy định của WTO trước những thay đổi về điều kiện thương mại là cách duy nhất để giữ cho WTO phù hợp với nền kinh tế của chúng ta và thúc đẩy quan hệ thương mại.

Ông Walker nhấn mạnh, WTO đã chứng kiến việc ký kết Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại và kết quả lịch sử về xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu nông sản.

Thời gian qua, WTO “có nhiều vấn đề hơn,” nhưng điều đó không nên dẫn đến kết luận rằng các thành viên không thể cùng nhau tiếp tục duy trì WTO hoạt động đúng mục đích.

Ông Walker nói: “Các thành viên WTO cần thấy rằng tuổi 25 của WTO là đủ lớn để đến lúc phải thay đổi và đủ trẻ để làm điều gì đó.”

Phó Tổng giám đốc WTO Alan Wolff nhấn mạnh mục đích chung của WTO là hình thành một hệ thống thương mại đa phương tốt hơn, một liên minh hoàn hảo hơn của các quốc gia có chủ quyền nhằm cải thiện cuộc sống của nhân loại thông qua thương mại cởi mở dựa trên các quy tắc đã được các quốc gia thống nhất.

Trong khi đối phó với các cuộc khủng hoảng hiện tại, WTO phải dự đoán được những cuộc khủng hoảng trong tương lai và thực hiện những thay đổi cần thiết cả về thực chất và về thể chế để thực hiện sứ mệnh của tổ chức. WTO có trách nhiệm chung đảm bảo rằng hệ thống thương mại thế giới luôn được duy trì và phát triển.

Với WTO, các quốc gia trên thế giới sẽ xích lại gần nhau trên tinh thần hợp tác quốc tế, thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương mạnh mẽ hơn, đáp ứng tốt hơn các mối quan tâm của nhân loại, phù hợp với mục đích của tổ chức, trong khi các thành viên WTO chiếm 98% thương mại thế giới.

Phó Tổng giám đốc WTO Alan Wolff cho rằng trọng tâm “cần phải hướng đến tương lai” và cần thực hiện các cải cách về thể chế và thực chất để thực hiện sứ mệnh của WTO.

WTO trong tương lai sẽ hiệu quả và linh hoạt hơn, với sự cải thiện quản trị của các thành viên, được phục vụ bởi một Ban thư ký độc lập, chủ động hoạt động với tư cách người bảo vệ hệ thống thương mại thế giới và có nhiệm vụ giám sát, cung cấp các phân tích, khởi xướng đề xuất và tăng cường trách nhiệm giải trình với các quy tắc của WTO.

Phó Tổng giám đốc WTO cũng cảnh báo, con đường phía trước không dễ dàng, tất cả các thành viên WTO cần đầu tư rất đáng kể về thời gian và năng lượng, nhận thức sâu sắc về mục đích chung.

Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Guy Ryder cho rằng WTO đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng và năng động của nền kinh tế toàn cầu, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho ILO thúc đẩy đạt được nhiều mục tiêu của mình, chẳng hạn như cung cấp cơ hội làm việc và giảm nghèo.

Ông Ryder lưu ý ngày nay, các điều khoản về lao động được đưa vào nội dung của 50% các hiệp định thương mại được đàm phán trong thập kỷ qua, trong khi con số 10 năm trước là 20%. 1/3 các hiệp định thương mại khu vực được đàm phán và thông báo với WTO có các điều khoản về lao động.

Nhìn về tương lai, ông Ryder cho rằng ngày càng khó để các hiệp định thương mại được ký kết mà không chú ý đến các hệ quả của các hiệp định này về mặt xã hội, lao động và môi trường. Do đó, nên xem xét làm thế nào có thể điều chỉnh mối quan hệ giữa các tổ chức quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề mới nổi.

Giám đốc Điều hành của Viện Chính sách Môi trường châu Âu, bà Céline Charveriat nhấn mạnh thế giới cần tập trung vào loại hình thương mại nào cần hỗ trợ phục hồi để nó góp phần giúp các quốc gia trung hòa khí thải vào năm 2050.

WTO cần phải là một nơi có sự chia sẻ công bằng giữa lợi ích và rủi ro từ việc "xanh hóa" thương mại. WTO là nơi duy nhất có thể chấm dứt trợ cấp có hại cho môi trường.WTO: Nhung van de can giai quyet sau chang duong 25 nam hinh anh 2Giám đốc Điều hành của Viện Chính sách Môi trường châu Âu, bà Celine Charveriat. (Nguồn: ieep.eu)

Theo bà Charveriat, ba hành động ngay lập tức của WTO để giúp thế giới đạt được mức sống bền vững hơn cho tất cả mọi người hậu COVID-19. Thứ nhất, cuộc đối thoại về thương mại và sự bền vững môi trường, do 49 thành viên WTO khởi xướng, sẽ tập hợp tất cả các bên liên quan và các chính phủ để bắt đầu thảo luận về xanh hóa thương mại để bảo đảm phục hồi xanh. Thứ hai, tân Tổng giám đốc WTO nên tập trung vào vấn đề bền vững. Thứ ba, các thành viên WTO nên hoàn tất hiệp định về chống trợ cấp nguy hại trong lĩnh vực thủy sản.

Tổng thư ký Liên minh Nghị viện (IPU) Martin Chungong cũng cho rằng, việc ứng phó với những thách thức của WTO không thể tách rời nỗ lực giải quyết những thách thức mà chủ nghĩa đa phương đang phải đối mặt hiện nay. Đồng thời chia sẻ các đề xuất từ cộng đồng nghị viện toàn cầu tập trung vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng về hệ thống giải quyết tranh chấp, tranh thủ công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo ra tăng trưởng và phát triển bền vững.

Ông Chungong nhấn mạnh: "Chúng tôi cần xây dựng năng lực cho các thiết chế bao gồm cả quốc hội để đảm bảo rằng họ tham gia với WTO và hệ thống thương mại dựa trên quy tắc trên toàn cầu;" cần tạo môi trường thích hợp  để cho phép phụ nữ tham gia đầy đủ vào nền kinh tế.

Về vai trò của WTO trong tương lai, các diễn giả cũng đề cập đến việc WTO trở nên toàn cầu hơn với sự gia nhập của các thành viên mới cũng như tính đến quan tâm, lợi ích của tất cả các thành viên, trong đó có các thành viên đang phát triển, đặc biệt là các nước kém phát triển nhất.

WTO sẽ thúc đẩy hòa bình bằng cách tạo ra các điều kiện kinh tế mang lại sự ổn định hơn cho các vùng đất dễ bị ảnh hưởng bởi xung đột. WTO cũng sẽ thúc đẩy trách nhiệm chung bảo vệ Trái Đất, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, thông qua thúc đẩy giao thương hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường, cứu các đàn cá, hạn chế ô nhiễm rác thải nhựa, tăng cường vai trò giám sát của Ủy ban Thương mại và Môi trường của WTO.

Bên cạnh đó, việc tăng cường tham gia vào thương mại sẽ góp phần giảm bớt bất bình đẳng giữa các quốc gia và trong các quốc gia. WTO sẽ mang lại sự công bằng hơn, thông qua thúc đẩy quyền năng của phụ nữ trong thương mại, hỗ trợ và mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ, cung cấp các biện pháp phòng vệ thương mại, quản lý trợ cấp công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt đối với các nước kém phát triển nhất, tạo nhiều cơ hội cho giới trẻ.

WTO sẽ có ưu thế hơn các thỏa thuận thương mại ưu đãi, loại bỏ sự phân biệt đối xử, bảo đảm thực thi các nghĩa vụ thông qua tăng cường hiệu quả thủ tục giải quyết tranh chấp. Tổ chức này cũng sẽ mang lại sự minh bạch hóa hơn để nhìn rõ các biện pháp thúc đẩy thương mại và các biện pháp cản trở hoặc bóp méo thương mại.

WTO sẽ chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó với các cuộc khủng hoảng thông qua tầm nhìn chiến lược, trước tiên sử dụng thương mại để giúp khắc phục đại dịch COVID-19, và sau đó thúc đẩy sự phục hồi sau những thiệt hại kinh tế to lớn mà đại dịch gây ra.

Tổ chức này sẽ hoạt động hiệu quả và linh hoạt hơn với sự quản trị tốt hơn của các thành viên, được giúp việc bởi Ban thư ký độc lập, với tư cách bảo vệ hệ thống thương mại thế giới và có nhiệm vụ giám sát, cung cấp các phân tích, đưa ra các đề xuất và tăng cường trách nhiệm giải trình với các quy định của WTO.

Cuối cùng, các diễn giả đề xuất WTO nên có cơ chế tham vấn với các tổ chức quốc tế liên chính phủ khác và các tổ chức xã hội, khu vực tư nhân./.

Số lượt đọc: 531
Thông báo