BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Bảy, 28/12/2024
Tin dự án
Đồng Nai ưu tiên các dòng vốn FDI chất lượng
Thứ Sáu, 20/11/2020 10:46

Đồng Nai là một trong những địa phương dẫn đầu Đông Nam Bộ về phát triển công nghiệp, với 32 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Theo các chuyên gia kinh tế, trong giai đoạn tới, Đồng Nai sẽ là nơi hấp dẫn nhiều nhà đầu tư FDI vì có lợi thế về hạ tầng giao thông, khí hậu, đất đai.

Trong bối cảnh hội nhập, phát triển của cả nước và vùng kinh tế trọng điểm phía nam, với vị trí thuận lợi, có hệ thống cảng biển nhóm 5, Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ hoàn thiện trong tương lai gần, kề trung tâm đô thị lớn, không gian mặt bằng, cơ sở công nghiệp hiện có, nguồn lao động dồi dào… Đồng Nai luôn sẵn sàng đón sóng đầu tư FDI hiệu quả.

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho TTXVN biết, tỉnh xác định, trong 5 năm tới sẽ huy động các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông trọng điểm, giao thông đô thị và giao thông kết nối.  

Để có thể phát huy hết hiệu quả của hệ thống quản lý và kết cấu hạ tầng này, đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển vượt bậc như mục tiêu đã đề ra, Đồng Nai xác định lựa chọn những dòng vốn chất lượng trong thu hút đầu tư.

Hơn 10 năm qua, Đồng Nai thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, nên kinh tế dịch chuyển đúng hướng. Trong đó, tỉnh ưu tiên lựa chọn các dự án công nghệ cao, công nghệ hiện đại, công nghiệp hỗ trợ, nên Đồng Nai trở thành nơi cung ứng sản phẩm đầu vào lớn cho ngành công nghiệp của cả nước và xuất khẩu. Thu hút đầu tư FDI có chọn lọc sớm nên tỉnh cũng là nơi đi đầu về xuất siêu, và xuất siêu mỗi năm đều tăng.

Các doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu cung ứng trong nước đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa để hưởng các ưu đãi về thuế khi xuất khẩu vào những nước Việt Nam đã có ký kết hiệp định thương mại tự do.

Từ năm 2015 đến nay, các doanh nghiệp FDI tại tỉnh đã thường xuyên nhập khẩu các loại máy móc mới hiện đại về để sản xuất, thay đổi dây chuyền sản xuất công nghệ cũ. Mục tiêu là để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm lao động và góp phần bảo vệ môi trường. Đây là yêu cầu cho hàng hóa xuất khẩu vào những thị trường lớn có đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc.

Theo đó, chuyển dịch cơ cấu theo ngành, theo thành phần và theo địa bàn diễn ra tích cực, đúng hướng. Giá trị sản xuất nhóm ngành công nghiệp công nghệ cao được nâng từ 1% vào năm 2015 lên hơn 5% vào năm 2020.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng thu hút đầu tư FDI vào nhiều lĩnh vực, nhưng sẽ có sự lựa chọn kỹ hơn. Mục tiêu hướng đến của tỉnh là phát triển bền vững, góp phần tăng trưởng ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn và tăng thu ngân sách.

Số lượt đọc: 358
Thông báo