Ngày 18/11, tại TPHCM đã diễn ra Diễn dàn thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ năm 2020 với chủ đề “25 năm quan hệ kinh tế, thương mại và con đường phía trước”. Diễn đàn do Bộ Công Thương phối hợp với UBND TPHCM và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham Vietnam), Hội đồng Kinh doanh ASEAN-Hoa Kỳ (USABC) tổ chức.
Đây là sự kiện thường niên, giúp cung cấp thông tin, cập nhật về định hướng xây dựng chính sách phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư của Việt Nam và Hoa Kỳ, cũng là cơ hội quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp (DN) hai nước tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh cho giai đoạn sắp tới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, thời gian qua, quan hệ thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ đạt tốc độ phát triển hết sức ấn tượng. Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 12 của Hoa Kỳ.
Thành công này đạt được là nhờ Chính phủ và cộng đồng DN hai nước đã nỗ lực phối hợp, tập trung giải quyết kịp thời và hiệu quả vấn đề thương mại ưu tiên, bao gồm việc mở cửa thị trường cho nông sản, hàng công nghiệp, hàng hóa và dịch vụ công nghệ thông tin, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy ký kết nhiều dự án, hợp đồng thương mại lớn.
Hai nước cũng đang triển khai có hiệu quả hoạt động hợp tác thông qua cơ chế đối thoại của Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA) để xử lý các vấn đề tồn tại trên tinh thần hợp tác, xây dựng, công bằng, đáp ứng lợi ích chính đáng của mỗi bên.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư cùng có lợi với Hoa Kỳ và cùng nước này nghiên cứu, khuyến khích các DN thiết lập chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, kết nối thị trường hai nước.
Tăng cường hợp tác với DN Hoa Kỳ đẩy mạnh phát triển kinh tế số
Bà Marie Christine Damour, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM cho rằng, hiện nay Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng và năng lượng - những lĩnh vực thế mạnh của DN Hoa Kỳ, do đó DN hai nước có thể đẩy mạnh hợp tác. Các DN Hoa Kỳ cũng quan tâm tới phát triển kinh tế số tại Việt Nam, như thương mại điện tử (TMĐT), trí tuệ nhân tạo, đô thị thông minh, hay hợp tác trong ngành hàng không, nông nghiệp và giáo dục.
Chia sẻ tại diễn đàn, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam nhấn mạnh, kinh tế số ở Việt Nam ngày càng phát triển, do đó vấn đề an toàn, an ninh mạng rất quan trọng và đây sẽ là lĩnh vực hợp tác rất triển vọng giữa Việt Nam với các DN Hoa Kỳ.
TPHCM đang định hướng phát triển là trung tâm tài chính khu vực theo hướng kết nối fintech với đô thị sáng tạo, đồng thời muốn phát triển thị trường giao dịch hàng hóa để Việt Nam kết nối gần hơn với thị trường hàng hóa thế giới. Đây cũng là một trong những lĩnh vực quan trọng mà DN hai nước có thể mở rộng hợp tác.
Ông Bùi Huy Sơn, Tham tán công sứ, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, kinh tế Hoa Kỳ hồi phục mạnh trong quý III/2020 do nền kinh tế mở cửa trở lại. Mặc dù thu nhập của người dân giảm, nhưng chi tiêu, tiêu dùng vẫn tăng, điều này cho thấy tín hiệu phục hồi tốt.
Ông Bùi Huy Sơn dự báo, năm 2021, kinh tế Hoa Kỳ sẽ hồi phục mạnh mẽ và là thị trường nhập khẩu hàng hoá lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, yêu cầu thị trường sẽ cạnh tranh hơn, chú tâm tới các tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa. Các biện pháp phòng vệ thương mại đối với Việt Nam có thể được phía Hoa Kỳ nhấn mạnh hơn.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 25 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Hoa Kỳ đã tăng gấp 168 lần, từ 450 triệu USD vào năm 1995 khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao, lên mức 1,5 tỷ USD năm 2001 khi hai nước ký hiệp định thương mại song phương và lên gần 75,7 tỷ USD năm 2019.
10 tháng năm 2020, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ đạt 73,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 62,3 tỷ USD, nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 11,6 tỷ USD.
Tính lũy kế đến tháng 9/2020, Hoa Kỳ xếp thứ 11/138 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam với 1.063 dự án và tổng vốn đăng ký là 9,4 tỷ USD.
|