Đây là hoạt động thường niên do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức nhằm tạo diễn đàn trao đổi thông tin giữa cơ quan điều phối và các chủ thể tham gia hoạt động xuất khẩu; nhận định các cơ hội, triển vọng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; kênh đối thoại chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu hiệu quả, đổi mới hình thức triển khai hoạt động xúc tiến thương mại nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu và khả năng chủ động của doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu.
Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2020 với chủ đề “Xúc tiến thương mại phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi EVFTA, CPTPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” không chỉ tập trung thảo luận những mục tiêu chiến lược mà còn thảo luận nhiều giải pháp có tính thực tiễn nhằm thích ứng với điều kiện kinh tế toàn cầu biến động khó lường do chiến tranh thương mại, thiên tai, dịch bệnh như hiện nay. Chương trình được tư vấn bởi Chương trình Xúc tiến Nhập khẩu Thụy Sĩ (triển khai bởi Tổ chức HELVETAS Swiss Việt Nam do Cục Kinh tế Liên Bang Thụy Sĩ SECO tài trợ).
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2020, với tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19, là một năm đầy khó khăn đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế trong đó có xuất khẩu nói chung và xúc tiến xuất khẩu nói riêng. Tuy nhiên, có thể nói hoạt động ngoại thương của Việt Nam vẫn đạt được kết quả đáng tự hào.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tính đến hết tháng 11 năm 2020 đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước tính đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3%; nhập khẩu đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5%. Trong 11 tháng đầu năm, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ước tính năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 267 tỷ USD, tăng khoảng 1%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt khoảng 260 tỷ USD, tăng khoảng 2,6% so với năm trước đó; thặng dư thương mại hàng hóa vào khoảng 7 tỷ USD. Trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, xuất khẩu đã trở thành điểm sáng và là tiền đề quan trọng để nền kinh tế vững bước vào năm 2021.
"Trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp, khó lường, Diễn đàn tổ chức năm nay là dịp để chúng ta tập trung rà soát, phân tích những khó khăn cũng như thảo luận về phương hướng và các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và phát triển thị trường, góp phần phát triển xuất khẩu bền vững, tận dụng hiệu quả những ưu thế khi thực thi các hiệp định thương mại tự do (như EVFTA, CPTPP, RCEP). Ngoài ra, Hội nghị cũng tập trung trao đổi về việc đổi mới các hình thức XTTM theo hướng đa dạng, linh hoạt, hiệu quả, huy động và lồng ghép các nguồn lực trong nước và quốc tế để đẩy mạnh hoạt động, tăng cường quảng bá năng lực sản xuất, thế mạnh của sản phẩm Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam - trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu có năng lực, đáng tin cậy và có uy tín" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương, với quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới hơn 500 tỉ USD, hoạt động xúc tiến xuất khẩu cần tương xứng hơn với giá trị xuất khẩu của Việt Nam trên thương trường, bởi thực tế hiện nay do nguồn lực có hạn nên quy mô hoạt động này vẫn còn hạn chế.
Tới đây Bộ Công thương sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó và chủ động trước dịch Covid -19, nâng cao và nâng tầm hình ảnh sản phẩm, thương hiệu sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử, đặc biệt trong dịch Covid-19 vừa qua thương mại điện tử tăng trưởng mạnh nhờ hoạt động hỗ trợ của Chính phủ định hướng, hướng dẫn đào tạo doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, Chương trình XTTM sẽ tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm để nâng giá trị cho sản phẩm. Đẩy mạnh tuyên truyền xuất khẩu, quảng bá ngành hàng, sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu của vùng, miền và tập trung thực hiện quảng bá sâu rộng tối thiểu mỗi năm 3-5 ngành hàng vào các thị trường trọng điểm.
Cục XTTM tiếp tục xây dựng networking với các tổ chức XTTM quốc tế và của các nước nhằm trao đổi thông tin XTTM, hợp tác triển khai hoạt động XTTM Việt Nam tại các nước và tại Việt Nam, tăng cường quảng bá sự kiện XTTM, đầu tư của Việt Nam nhằm thu hút các nhà nhập khẩu, nhà đầu tư tiềm năng của các nước.
Cũng tại diễn đàn, ông Ivo Sieber - Đại sứ Thuỵ Sỹ tại Việt Nam cho biết, trong bối cảnh hiện nay, việc mở rộng thị trường sẽ có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất trong nước cũng như thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường thế giới. Cộng đồng các nước EFTA (bao gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein) hiện đang đàm phán hiệp định thương mại với Việt Nam. Khi hiệp định này được hoàn tất và ký kết sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp của khối EFTA mở rộng giao thương. Thụy Sỹ hy vọng trong năm 2021, kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thuỵ Sỹ, hiệp định này sẽ được ký kết.
Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2020 đã thu hút sự tham gia chia sẻ về định hướng sản xuất và xúc tiến xuất khẩu bền vững của các ngành hàng Việt Nam có tính nội lực cao, có tiềm năng gia tăng quy mô và giá trị xuất khẩu cũng như đang nỗ lực hướng tới phát triển bền vững như: Thủy sản, Cao su, Dệt may, Chế biến gỗ... Hướng đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Diễn đàn cũng quy tụ được các tổ chức XTTM quốc tế mang tới các sáng kiến, chương trình hành động cụ thể để lồng ghép, kết hợp nguồn lực với Bộ Công Thương triển khai hiệu quả kế hoạch xúc tiến xuất khẩu giai đoạn 2020-2025, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước.
Những thông tin trao đổi tại Diễn đàn không chỉ hữu ích cho các doanh nghiệp Việt Nam để phát triển chiến lược kinh doanh, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu mà còn gợi mở nhiều định hướng, giải pháp cho chính quyền các địa phương, hiệp hội ngành hàng trong việc nâng cao khả năng cung cấp hoạt động hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển xuất khẩu bền vững.
Nguồn: Bocongthuong