BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Ba, 26/11/2024
Tin dự án
Tình hình thu hút FDI tại khu vực Tây Nguyên
Chủ Nhật, 28/06/2020 08:36

Tính lũy kế đến ngày 20/6/2020, trên địa bàn các địa phương khu vực Tây Nguyên hiện có 150 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 944,07 triệu USD

1. Tình hình thu hút FDI tại khu vực Tây Nguyên lũy kế đến tháng 6/2020

Theo thống kê từ Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài, tính lũy kế đến ngày 20/6/2020, trên địa bàn các địa phương khu vực Tây Nguyên hiện có 150 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 944,07 triệu USD, chiếm 0,002% tổng vốn đăng ký của cả nước. Quy mô vốn bình quân trên 1 dự án là 6,3 triệu USD, thấp hơn quy mô vốn bình quân của cả nước là khoảng 11,7 triệu USD.

Hiện nay, Lâm Đồng là tỉnh dẫn đầu về thu hút FDI của khu vực với 105 dự án và 528,41 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 56% tổng vốn đầu tư của toàn khu vực. Tỉnh Đăk Lăk xếp thứ hai với 17 dự án và 157,57 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư của toàn khu vực. Tiếp theo lần lượt là các tỉnh Đăk Nông, Kon Tum và Gia Lai (số liệu chi tiết trong bảng đính kèm).

Các nhà đầu tư nước ngoài hiện đã đầu tư vào 13 lĩnh vực kinh tế tại khu vực Tây Nguyên, trong đó dẫn đầu là ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 71 dự án, 392,83 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 41,6% tổng vốn đầu tư của toàn khu vực. Xếp thứ hai là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được 49 dự án, 288,68 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 30,6% tổng vốn đầu tư của toàn khu vực. Còn lại lần lượt là các lĩnh vực khác như sản xuất, phân phối điện, khí nước, điều hòa; hoạt động kinh doanh bất động sản;...

Hiện nay, có 25 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào Tây Nguyên, trong đó British Virgin Islands là nhà đầu tư lớn nhất với số vốn đầu tư đạt 158,58 triệu USD, chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư toàn khu vực. Đứng thứ hai là Hồng Kông với số vốn đầu tư là 129,34 triệu USD chiếm 13,7% tổng vốn đầu tư toàn khu vực. Tiếp theo lần lượt là Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore,...

2. Tình hình thu hút FDI tại khu vực Tây Nguyên 06 tháng đầu năm 2020

Trong 06 tháng đầu năm 2020, các địa phương khu vực Tây Nguyên đã thu hút được 03 dự án cấp mới với số vốn là 11,85 triệu USD, 39 lượt dự án góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đăng ký mới và vốn góp, mua cổ phần đạt 20,23 triệu USD, chiếm 0,001% tổng vốn đăng ký của cả nước và tăng 25% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong 06 tháng đầu năm, đầu tư FDI tại khu vực Tây Nguyên tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 8,55 triệu USD, chiếm 42,3% tổng vốn đăng ký của toàn khu vực. Tiếp theo là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;...

Tỉnh Lâm Đồng tiếp tục là địa phương dẫn đầu toàn khu vực về thu hút FDI với 14,88 triệu USD tổng vốn đăng ký, chiếm 73,5% tổng vốn đăng ký của toàn khu vực. Tiếp theo lần lượt là Đăk Lăk, Đăk Nông, Kon Tum, Gia Lai.

Trong 06 tháng đầu năm, có 17 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào Tây Nguyên, trong đó Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với số vốn đầu tư đạt 7,82 triệu USD, chiếm 38,6% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ hai là Hồng Kông với số vốn đầu tư là 6,05 triệu USD chiếm 30% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Cộng hòa Síp, Trung Quốc, Thái Lan,...

3. Một số dự án FDI tiêu biểu của khu vực Tây Nguyên

- Dự án trồng rừng nguyên liệu phục vụ nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh Kon Tum, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư năm 2008, tổng vốn đầu tư 67 triệu USD. Dự án của nhà đầu tư Hồng Kông.

- Dự án Công ty TNHH cà phê ngon, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư năm 2009 tại tỉnh Đăk Lăk, tổng vốn đầu tư 60 triệu USD. Dự án của nhà đầu tư Singapore.

- Dự án Công ty TNHH một thành viên Đất Đà Lạt, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư năm 2008 tại tỉnh Lâm Đồng, tổng vốn đầu tư 50 triệu USD. Dự án của nhà đầu tư British Virgin Islands.

3.Nhiệm vụ và giải pháp thời gian tới.

Trên cơ sở thực tiễn tại các địa phương cũng như định hướng chung của Chính phủ về quy hoạch tổng thể. Ðể thúc đẩy sự liên kết tạo lập nguồn lực vùng trên cơ sở khai thác các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và của khu vực hiệu quả hơn cần thực hiện một số giải pháp sau:

- Bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng, nhà nước về định hướng thu hút ĐTNN giai đoạn tới để tổ chức triển khai thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn FDI vào từng địa phương phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể.

- Quy hoạch vùng gắn với điều kiện kinh tế - xã hội đặc trưng của vùng và xây dựng trong từng giai đoạn cụ thể, quản trị vùng theo lợi thế so sánh của từng địa phương.

- Chuỗi giá trị sản phẩm liên kết vùng cần được xác định là yếu tố quan trọng đặc biệt để bảo đảm liên kết vùng có hiệu quả. Phát huy hiệu quả nhất lợi thế so sánh từng vùng theo chuỗi giá trị sản phẩm, các chuỗi giá trị liên kết kinh tế nội vùng và liên vùng.

- Nghiên cứu cơ chế luân chuyển, điều chuyển vốn, nguồn lực trong vùng, ưu tiên cho các dự án lớn mang tính chất kết nối vùng, đồng thời phát huy vai trò các quỹ đầu tư phát triển địa phương của các tỉnh, thành phố trong vùng.

- Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng; triển khai đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn lao động cho DN đến đầu tư;

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính bảo đảm công khai, minh bạch, đơn giản; tập trung phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của DN và nhu cầu phát triển công nghiệp, đô thị của vùng.

- Tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm.

- Xây dựng cơ chế, quy trình, danh mục các dự án cụ thể để thu hút vốn từ các doanh nghiệp (DN) có năng lực, kinh nghiệm về tài chính và chuyên môn tham gia đầu tư đối tác công - tư (PPP);

- Rà soát, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để mời gọi thu hút FDI các dự án phù hợp định hướng phát triển; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng đầu tư phát triển cho các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng;

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ thông tin, tăng cường khả năng tiếp cận đất đai, mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai thực hiện dự án sau đăng ký…

- Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đang triển khai để thúc đẩy giải ngân.

- Tăng cường thu hút các dự án có tính cạnh tranh cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, phát triển hệ thống các ngành công nghiệp phụ trợ, kêu gọi các dự án lớn có công nghệ 4.0 vào Vùng.

Số lượt đọc: 1697
Thông báo