BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Ba, 21/01/2025
Tin dự án
Xu hướng ĐTNN vào Việt Nam năm 2023
Thứ Ba, 20/12/2022 03:01
Xu hướng ĐTNN vào Việt Nam năm 2023

Những yếu tố rủi ro, bất định mới, đặc biệt là khủng hoảng năng lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu xuất phát từ sự gia tăng căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự; thiên tai, biến đổi khí hậu… đang làm thay đổi hoàn toàn cục diện thương mại và kinh tế thế giới

Tình hình thế giới và trong nước có tác động đến đtnn tại Việt Nam

Thời gian vừa qua, thế giới đã và đang chứng kiến những thay đổi nhanh, phức tạp, khó lường và khó dự báo. Dịch bệnh COVID-19; những yếu tố rủi ro, bất định mới, đặc biệt là khủng hoảng năng lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu xuất phát từ sự gia tăng căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự; thiên tai, biến đổi khí hậu… đang làm thay đổi hoàn toàn cục diện thương mại và kinh tế thế giới; nhiều tập đoàn đa quốc gia đang thực hiện tái cơ cấu và tái định vị chuỗi sản xuất. Trước bối cảnh đó, World Bank dự báo triển vọng tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 đạt 1,7%, thấp nhất trong gần 3 thập kỷ qua, trong khi UNCTAD dự báo đà phục hồi của dòng vốn ĐTNN sẽ chững lại kể từ giữa năm 2022, và có thể giám hoặc đi ngang trong năm 2023 so với mức phục hồi tích cực của năm 2021. Theo đó, Việt Nam đang đứng trước một số thuận lợi, thách thức sau:

Thuận lợi

- Năm 2023, kinh tế Việt Nam được dự báo vẫn tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực[1], mặc dù mức tăng trưởng thấp hơn năm 2022.

- Việc Chính phủ đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch sẽ tạo động lực cho phát triển, thu hút đầu tư.

- Vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng điện, điện tử ngày càng được củng cố, đặc biệt là thông qua các dự án trọng điểm của các nhà đầu tư Hàn Quốc như Samsung, LG hay từ Hoa Kỳ như Apple, Intel.[2]

- Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ chưa hạ nhiệt góp phần thu hút dòng vốn đầu ĐTNN dịch chuyển theo xu hướng “Trung Quốc + 1”.

- Các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam như vị trí địa lý, nguồn nhân lực, thị trường tiềm năng, hội nhập quốc tế sâu rộng, chính sách ưu đãi,… vẫn là các yếu tố thuận lợi để thu hút FDI thời gian tới.

Khó khăn

Các yếu tố bên ngoài

- Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, dịch bệnh COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh, xung đột địa chính trị tại Châu Âu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

- Nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ những năm 1970. Theo đó, nguy cơ suy thoái kinh tế đang ảnh hưởng trực tiếp đến triển vọng thu hút ĐTNN của Việt Nam…

- Nhiều tập đoàn đa quốc gia đang tái cơ cấu chuỗi sản xuất và hạn chế hoạt động đầu tư mới do triển vọng tăng trưởng toàn cầu suy giảm, trong khi chi phí đầu tư tiếp tục tăng cao.[3]

- Việc các nước tiến tới áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm mất đi vai trò của những hình thức ưu đãi truyền thống (như ưu đãi về thuế, đất đai…) trong cạnh tranh thu hút ĐTNN.

- Cạnh tranh trong thu hút ĐTNN ngày càng gay gắt giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, ngay cả trong đại dịch, các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia đã ban hành nhiều chính sách, hình thức ưu đãi mới, vượt trội nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư, mang đến các thành quả thu hút ĐTNN ấn tượng.[4]

- Một số đối tác lớn về ĐTNN của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Châu Âu có xu hướng giảm ĐTRNN do chi phí đầu tư tăng và Chính phủ các nước đã đưa ra nhiều hình thức ưu đãi thu hút các NĐT quay lại đầu tư trong nước.

Các yếu tố trong nước

-  Tình hình kinh tế Việt Nam năm 2023 dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của kinh tế thế giới, lạm phát, lãi suất tăng cao.

-  Lợi thế về ổn định chính trị, yếu tố luôn được các nhà ĐTNN đánh giá cao trong thời gian qua đang có nguy cơ bị ảnh hưởng do các biện pháp quá mạnh tay của Việt Nam trong công tác phòng, chống tham nhũng, gây nguy cơ mất ổn định về chính trị[5]. 

-  Môi trường đầu tư, kinh doanh còn tồn tại một số khâu gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, thủ tục hành chính còn nhiều điểm bất cập, gây ảnh hưởng đến tiến trình thuận lợi hóa môi trường đầu tư.

-  Cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn hạn chế.

-  Tình trạng thiếu hụt lao động, nguyên vật liệu cục bộ tại một số ngành, địa phương chưa được giải quyết triệt để dẫn đến nguy cơ gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng cục bộ trong ngắn hạn.

-  Chính phủ vẫn chưa có động thái rõ rang để triển khai quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu cũng như điều chỉnh khung ưu đãi để ứng phó với tác động của quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu.

Dự báo xu hướng ĐTNN năm 2023.

Căn cứ phân tích, đánh giá về một số yếu tố tác động đến ĐTNN vào Việt Nam trong năm 2023 nêu trên, cũng như tình hình các tháng đầu năm, có thể thấy rằng, năm 2023, các yếu tố khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi. Trong khi các nút thắt để thu hút đầu tư của Việt Nam đã tồn tại nhiều năm gồm hệ thống cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, thể chế mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư. Do đó, dự kiến kết quả thu hút ĐTNN năm 2023 sẽ giảm so với năm 2022. Cục Đầu tư nước ngoài dự báo như sau:

-  Vốn đầu tư đăng ký: ước đạt khoảng 25 – 27 tỷ USD, giảm khoảng 10 – 15% so với năm 2022.

-  Vốn đầu tư thực hiện: ước đạt khoảng 20 – 22 tỷ USD, giảm khoảng 10% so với năm 2022.

Trong đó, vốn ĐTNN được dự báo sẽ chủ yếu tiếp tục tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Đồng thời, một số ngành, lĩnh vực đang ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong giai đoạn 5 năm vừa qua bất chấp các tác động của đại dịch gồm các ngành liên quan đến kinh tế số, chuyển đổi số, giao thông vận tải, logistics. Ngoài ra, trong trường hợp Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, vốn đầu tư vào ngành sản xuất, phân phối điện được dự báo sẽ tăng đột biến do sự quan tâm của các NĐT đối với lĩnh vực này đã được thể hiện rõ rệt trong thời gian vừa qua, đặc biệt là đối với các dự án chuyển đổi năng lượng, năng lượng tái tạo, tài chính xanh, v.v….



[1] IMF, OECD, World Bank, dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng từ 6,5 – 7,2% trong năm 2023.

[2] Năm 2022, Việt Nam lần đầu tiên trở thành đối tác tạo thặng dư thương mại lớn nhất của Hàn Quốc với tống kim ngạch hai chiều đạt 87,7 tỷ USD và cơ cấu hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc có xu hướng chuyển dịch sang các linh kiện công nghệ cao phục vụ các dự án ĐTNN tại Việt Nam (tầm nền OLED 11,07 tỷ USD; chip nhớ 6,6 tỷ USD; linh kiện máy tinh 5,37 tỷ USD; bảng mạch 1,79 tỷ USD, v.v.).

[3] Theo khảo sát vào tháng 1/2023 của Hiệp hội Ngoại thương Hàn Quốc (KITA), trong 1.327 công ty Hàn Quốc có doanh thu ở nước ngoài trên 500.000 USD trong năm 2022, 29,5% quyết định sẽ cắt giảm các khoản đầu tư trong nước, trong khi 27,5% dự định giảm đầu tư ở nước ngoài. Đối với các công ty có quy mô lớn, 43% cho biết sẽ thu hẹp quy mô đầu tư cả trong và ngoài nước.

[4] Từ năm 2020 đến nay, Trung Quốc đã thúc đẩy xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bãi bỏ hơn 500 văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp với Luật Đầu tư nước ngoài, qua đó tiếp tục hoàn thiện thể chế, thuận lợi hóa môi trường đầu tư kinh doanh. Trong khi đó, Indonesia đã lên kế hoạch phát triển 04 đặc khu kinh tế (Special Economic Zone) trong đại dịch nhằm thu hút dòng vốn ĐTNN dịch chuyển, nâng tổng số đặc khu kinh tế tại nước này lên 19 đặc khu.

[5] Theo báo Nikkei Asia, một số chuyên gia nhận định việc Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng tuy đã tạo được nhiều kết quả tích cực đối với công cuộc phát triển, chính đốn Đảng, nhưng cũng bộc lộ một số yếu điểm của nền kinh tế - chính trị trong nước, đặc biệt là cho thấy rằng tình hình tham nhũng tại Việt Nam vẫn tiếp tục diễn ra hết sức phức tạp ở mọi cấp chính quyền.

Theo Cục ĐTNN
Số lượt đọc: 7750
Thông báo