BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Ba, 26/11/2024
Tin dự án
Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại Việt Nam tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2020.
Thứ Ba, 30/06/2020 10:32

Nội dung:

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2020 ước tính tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2020[1], quý II/2020 chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 khi Chính phủ chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ các giải pháp nhằm giãn cách xã hội, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,38%; khu vực dịch vụ giảm 1,76%.

GDP 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,81%, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020[2]. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu việc phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân. Đây chính là nền tảng vững chắc để nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm. Kết quả trên cho thấy thắng lợi của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời vẫn duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra dịch bệnh. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,98%, đóng góp 73,14%.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, riêng ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 tăng 2,71% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ các năm 2011-2020[3], đóng góp 0,93 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Trong công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,96%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2020[4], đóng góp 1,1 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 5,4%, làm giảm 0,35 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế do sản lượng dầu thô khai thác giảm 13,9% và khí đốt tự nhiên giảm 9,1%.

2. Về sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp trong quý II/2020 chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, cả nước bước sang giai đoạn vừa phòng, chống dịch bệnh vừa khôi phục và phát triển kinh tế, các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động bình thường trở lại, sản xuất công nghiệp có sự khởi sắc và dần lấy lại đà tăng trưởng từ tháng 5/2020. (Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2020 tăng 11,9% so với tháng trước; IIP tháng 6/2020 tăng 10,3% so với tháng trước). Chỉ số PMI của Việt Nam đã tăng 10 điểm trong tháng 5 đạt 42,7 điểm so với mức thấp kỷ lục 32,7 điểm của tháng 4. Cụ thể:

Về giá trị tăng thêm: Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 ước tính tăng 2,71% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,1%; quý II tăng 0,74%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,96% (quý I tăng 7,12%; quý II tăng 3,20%), đóng góp 1,1 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,04%, đóng góp 0,15 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,76%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 5,4% (do sản lượng khai thác dầu thô giảm mạnh 13,9% và khí đốt tự nhiên giảm 9,1%) làm giảm 0,35 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Về chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp IIP tháng 6/2020 tăng 10,3% so với tháng trước. Trong đó ngành khai khoáng giảm 3,7%; ngành chế biến, chế tạo tăng 13%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,5%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 6 tháng đầu năm, IIP ước tính tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành chế biến, chế tạo tăng 4,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2%; riêng ngành khai khoáng đã giảm 7,9%.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia đã ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo. Bên cạnh đó, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực ngày 1/1/2020 đã thay đổi thói quen uống rượu, bia của người dân, từ đó ảnh hưởng đến ngành sản xuất đồ uống. Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 6 tháng giảm sâu hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất xe có động cơ giảm 16,36%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,3%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 9,5%; sản xuất đồ uống giảm 8,8%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 8,4%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 5,3%; sản xuất trang phục giảm 4,7%; sản xuất thiết bị điện giảm 3,5%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 2,7%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 2,3%; sản xuất kim loại giảm 1,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 2,1%; dệt tăng 2,8%. Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ năm trước và đóng góp lớn vào mức tăng chung của toàn ngành: sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế tăng 15%; khai thác quặng kim loại tăng 13,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,8%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 9,1%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 7,8%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 7,2%; khai thác than cứng và than non tăng 4,9%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 6 tháng đầu năm 2020 tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước: Ô tô giảm 26,6%; bia giảm 17,4%; dầu thô khai thác giảm 12,7%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 13%; sắt, thép thô giảm 10,2%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 9,1%; điện thoại di động giảm 8,5%; khí hóa lỏng LPG giảm 8,1%; quần áo mặc thường giảm 6,9%; xe máy giảm 6,4%; giày, dép da giảm 4,6%; thép cán giảm 3,9%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 2,2%; than tăng 4,9%. Bên cạnh đó, một số sản phẩm tăng cao: Linh kiện điện thoại tăng 27,5%; xăng, dầu các loại tăng 20,9%; thép thanh, thép góc tăng 12,8%; phân u rê tăng 9,5%; thuốc lá điếu tăng 7,2%; ti vi tăng 5,7%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2020 tăng 8,1% so với tháng trước và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,6%), trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 14,7%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 12,1%; dệt tăng 7,3%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 7%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 6,8%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng thấp hoặc giảm: sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 0,8%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 0,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 0,6%; sản xuất kim loại giảm 1,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su và platic giảm 2,5%; sản xuất trang phục giảm 7,2%; sản xuất thiết bị điện giảm 7,4%; sản xuất đồ uống giảm 10,7%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 7%; sản xuất xe có động cơ giảm 24,4%.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2020 tăng 26,7% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2019 tăng 16,1%), trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm: Sản xuất thiết bị điện tăng 5%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 3,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 10,3%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 13,6%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm trước: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 156,2%; sản xuất xe có động cơ tăng 129,6%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 61,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 39,5%; sản xuất trang phục tăng 39,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 38,9%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 38,4%; sản xuất kim loại tăng 35,7%; sản xuất thuốc lá tăng 33,7%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 29,4%; dệt tăng 28,1%.

Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2020 khá cao với 78,9% (cùng kỳ năm trước là 74,9%), trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao: Dệt 118,7%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa 104,7%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 103,4%; sản xuất xe có động cơ 97,3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác 96,5%; sản xuất chế biến thực phẩm 96%.

Tình hình cụ thể một số ngành như sau:

- Ngành dệt may: sản xuất dệt tháng 6 tăng 4,3% so với tháng 5 (cùng kỳ tăng 2,5%). Tính chung 6 tháng đầu năm tăng 2,8% (cùng kỳ tăng 11,5%). Sản xuất trang phục tháng 6 tăng 17,5% so với tháng trước, nhưng tính chung 6 tháng vẫn giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 8%). Có thể nói, do ảnh hưởng của dịch Covid, trong 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may trong dịch bệnh Covid-19 cũng gặp nhiều khó khăn về thiếu hụt nguồn nguyên liệu và đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh do bị hoãn, hủy đơn hàng, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán làm cho các doanh nghiệp trong ngành gặp nhiều khó khăn. Lượng đơn hàng bị hủy, hoãn đều chủ yếu tập trung trong khoảng thời gian tháng 5, tháng 6. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) ước tính, ngành dệt may có thể mất tới 50% đơn đặt hàng trong tháng 5. Bên cạnh đó, sự phục hồi của nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu giảm có thể khiến giá sản phẩm dệt may trên toàn thế giới giảm 20%. Trong nước, các doanh nghiệp dệt may đã và đang chuyển đổi quy trình sản xuất, chuyển đổi sản phầm, thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh, cụ thể như: khi gặp khó đơn hàng với mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp... thì chuyển sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống... đồng thời sản xuất khẩu trang vải, đồ bảo hộ trong nước và xuất khẩu. Đến cuối quý II- 2020, các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may (Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu) đã nới lỏng chính sách giãn cách xã hội; nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng dần. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu xuất khẩu được hàng hóa theo các đơn hàng đã ký trước đây. Theo chu kỳ hàng năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may sẽ tăng mạnh nhất vào những tháng cuối năm do nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm dệt may tại các dịp lễ, tết, Giáng sinh tăng cao.

- Ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tháng 6 tăng 12,4% so với tháng trước, tăng 0,7% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 8,5%). Cũng giống như ngành dệt may, ngành sản xuất, xuất khẩu giày dép là ngành chịu tác động tiêu cực do tác động của dịch bệnh Covid-19. Kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại 6 tháng đầu năm cũng giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn kép từ cả hai phía: Thiếu hụt nguồn nguyên liệu nhập khẩu và xuất khẩu bị gián đoạn tại các thị trường xuất khẩu chính nhất là thị trường Mỹ, châu Âu. Dẫn đến kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm giảm sâu so với cùng kỳ. Đến nay, trước những thành công đạt được từ công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam, cộng thêm các cam kết cắt giảm thuế quan ngay khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sắp có hiệu lực sẽ là đòn bẩy quan trọng để thu hút đơn hàng xuất khẩu giày dép từ thị trường châu Âu. Do đó, dự báo kim ngạch xuất khẩu giày dép trong quý III và quý IV-2020 sẽ đạt mức tăng trưởng trở lại. Doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội để có thêm khách hàng, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu ngay khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế tại các thị trường xuất khẩu chính.

- Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học: Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu linh phụ kiện từ Trung Quốc trong thời gian đầu năm 2020, tuy nhiên nhờ cân đối hợp lý hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, ngành điện tử vẫn tăng trưởng khá cả về chỉ số sản xuất công nghiệp lẫn kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019. Chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tháng 6 tăng 29,3% so với tháng trước và tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất của ngành tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức tăng của 6 tháng đầu năm 2019 (3,5%). Giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2020 mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 19,28 tỷ USD, tăng 24,2%; mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 21,5 tỷ USD, giảm 8,4%. Dự kiến 6 tháng cuối năm, ngành điện tử vẫn bị ảnh hưởng lớn do diễn biến dịch bệnh phức tạp có khả năng làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm điện tử tại các thị trường Mỹ và châu Âu.

Doanh thu và sản lượng toàn cầu của Samsung dự báo sẽ giảm do ảnh hưởng chung của dịch bệnh đến ngành điện tử nói chung. Samsung Việt Nam cũng dự kiến giảm mục tiêu xuất khẩu xuống còn khoảng 45,5 tỷ USD trong năm 2020 (so với 51,38 tỷ USD năm 2019).

Tuy nhiên, với việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, đây được xem là động lực quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau đại dịch. Trong khi đó, các tập đoàn xuyên quốc gia đang xem xét dịch chuyển đầu tư, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam đón đầu làn sóng đầu tư này. Thực tế cũng cho thấy, hiện có nhiều thông tin các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất đến Việt Nam: LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng. Theo Nikkei, trong quý II/2020, Apple sẽ sản xuất 3 - 4 triệu chiếc tai nghe AirPods tại Việt Nam, tương đương gần 1/3 tổng sản lượng AirPods trên toàn thế giới. Foxconn - nhà cung ứng linh kiện cho Apple đã đặt nhà máy tại Bắc Giang. Panasonic Việt Nam cũng đang chuẩn bị vào đầu tháng 9 năm nay sẽ từng bước tiếp nhận để sản xuất tủ lạnh và máy giặt cửa đứng công suất lớn từ Thái Lan. Những hoạt động này được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu của ngành tăng trưởng mạnh hơn thời gian tới.

- Ngành sản xuất xe có động cơ tháng 6 đã tăng 14,5% so với tháng 5, tuy nhiên tính chung 6 tháng đầu năm vẫn giảm 16,4% (cùng kỳ năm trước tăng 11,7%). Trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đạt 88,1 nghìn chiếc, giảm sâu (26,6%) so với cùng kỳ năm trước. So với tháng 4, doanh số bán hàng toàn thị trường ô tô tháng 5, tháng 6 đã bắt đầu hồi phục trở lại, tăng 62% (khoảng 19,081 xe). Mặc dù đạt mức hồi phục nhanh, song so với cùng kỳ năm trước, doanh số tháng 5 năm 2020 vẫn giảm 30,6%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, doanh số bán hàng toàn thị trường đạt 83,181 xe, giảm 34,5% so với cùng kỳ 2019. Trong đó: Doanh số bán hàng của VAMA chiếm hơn 95% tổng doanh số toàn thị trường và giảm 33,7% so với cùng kỳ 2019. Chỉ số tồn kho ngành sản xuất xe có động cơ (trong đó có ô tô) tăng cao, tăng 129,6% so với cùng kỳ 2019, phản ánh khó khăn rất lớn của ngành trong việc tiêu thụ sản phẩm. Theo dự báo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lượng tiêu thụ ô tô trong năm 2020 có thể sụt giảm hơn 15% so với dự kiến trước đây của Hiệp hội.

Để kích thích tiêu dùng trong nước, ngày 28 tháng 6 năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết 31/12/2020 bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ và các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

- Ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ: trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, ngành gỗ tuy ít chịu tác động về nguồn nguyên liệu nhập khẩu nhưng vẫn bị ảnh hưởng mạnh do nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ trên thế giới giảm mạnh, hàng hóa không xuất khẩu được. Hiện nay, thị trường Hoa Kỳ chiếm 50%, EU chiếm 8% (các thị trường lớn còn lại: Trung Quốc 12%, Nhật Bản 13%, Hàn Quốc 8%) tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam năm 2019. Tương tự ngành dệt may, da – giày và điện tử, xuất khẩu ngành gỗ của Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh nhu cầu tiêu thụ giảm cũng như việc giãn, hoãn giao hàng tại các thị trường, đặc biệt là thị trường Mỹ và châu Âu. Nhiều đơn hàng xuất khẩu bị trì hoãn giao hàng do chính sách đóng cửa biên giới và tạm ngưng các hoạt động kinh doanh - thương mại (ngoại trừ các hàng hóa thiết yếu). Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất, hoạt động cầm chừng, đơn hàng xuất khẩu mới giảm mạnh so với cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm 2020, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 2,7% (cùng kỳ tăng 15,1%).

Trong 6 tháng cuối năm, các doanh nghiệp kỳ vọng tình hình dịch bệnh tại các thị trường xuất khẩu truyền thống của ngành chế biến gỗ sẽ được kiểm soát tốt. Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng kỳ vọng vào các hiệp định thương mại được triển khai thực thi hiệu quả sẽ thu hút nhiều đơn hàng xuất khẩu từ các nước thành viên. Kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh vào những tháng cuối năm.

- Ngành dầu khí: Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và một số nước đồng minh (OPEC+) tuân thủ cam kết về cắt giảm sản lượng. Số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy, sản lượng dầu thế giới trong tháng 5 giảm gần 12 triệu thùng/ngày, trong đó OPEC+ giảm sản lượng 9,4 triệu thùng/ngày, điều đó có nghĩa OPEC+ tuân thủ 89% với thỏa thuận giảm sản lượng trong tháng này. Nguồn cung được kiểm soát góp phần thúc đẩy giá dầu tăng lên, kéo giá nhiều mặt hàng khác có liên quan với dầu như cao su, đường… tăng theo. Trong báo cáo mới nhất, IEA đã nâng dự báo về nhu cầu dầu thế giới trong năm 2020 so với dự báo đưa ra cách đây một tháng, do hoạt động tiêu dùng mạnh hơn dự đoán trong thời gian phong tỏa do dịch COVID-19. Theo đó, nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2020 dự đoán sẽ ở mức 91,7 triệu thùng/ngày, nhiều hơn 500.000 thùng/ngày so với dự báo tháng 5/2020. Tuy nhiên, IEA dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu từ nay đến cuối năm 2021 sẽ chưa thể hồi phục trở lại mức trước khi xảy ra COVID-19.

Giá dầu thô trung bình tháng 6 năm 2020 là 39,2 USD/thùng, giá dầu trung bình 6 tháng năm 2020 đạt 43,5USD/thùng, thấp hơn 16,5USD/thùng (≈ thấp hơn 27,5%) so với giá kế hoạch năm 2020 (60USD/thùng), giảm 24USD/thùng (≈ giảm 35,6%) so với mức giá trung bình 6 tháng đầu năm 2019 là 67,5USD/thùng. Giá dầu Brent hiện tại đang dao động khoảng 40-42USD/thùng.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Gói giải pháp ứng phó tác động kép của đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu với 05 giải pháp tổng thể, chi tiết cụ thể hóa cho 05 lĩnh vực hoạt động của PVN và trọng tâm ở 03 lĩnh vực được xác định là chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất do tác động kép đó là: (1) Tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí; (2) Chế biến dầu khí và phân phối sản phẩm dầu khí; và (3) Dịch vụ dầu khí. Nhờ vậy, bước đầu PVN đã đạt được một số kết quả tích cực, đó là: Tất cả các hoạt động của PVN đều được đảm bảo an toàn. Công tác tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí được triển khai theo kế hoạch; Hoạt động khai thác dầu, khai thác khí được tối ưu ở mức phù hợp với điều kiện kỹ thuật đồng thời giảm tối đa thiệt hại về kinh tế khi giá dầu giảm sâu. Vận hành an toàn các công trình dầu khí, không để xảy ra các sự cố gây ảnh hưởng tới hoạt động công trình. Sản lượng khai thác 6 tháng đầu năm đảm bảo kế hoạch đã đề ra. Đến hết 6 tháng đầu năm 2020, tổng sản lượng khai thác quy dầu ước đạt 10,73 triệu tấn, vượt 4,1% kế hoạch 6 tháng và bằng 52,7% kế hoạch năm, bằng 88,6% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: Sản lượng khai thác dầu 6 tháng đầu năm ước đạt 5,92 triệu tấn, vượt 7,8% kế hoạch 6 tháng (trong đó: khai thác dầu ở trong nước 6 tháng đạt 4,96 triệu tấn,  vượt 8,0% kế hoạch 6 tháng, ở nước ngoài 6 tháng đạt 0,96 triệu tấn, vượt 6,8% kế hoạch 6 tháng). Sản lượng khai thác khí 6 tháng ước đạt 4,81 tỷ m3, bằng 100% kế 6 tháng và bằng 49,4% kế hoạch năm, bằng 90,4% so với cùng kỳ năm 2019. Với tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm 2020, dự kiến chỉ tiêu sản lượng ước thực hiện cả năm đạt 100% kế hoạch được phê duyệt.

- Ngành điện: Tình hình sản xuất và cung ứng điện toàn hệ thống trong 6 tháng đầu năm 2020 đã được thực hiện tốt, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước. Với sự nới lỏng các quy định giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất đã bước đầu trở lại bình thường, do đó chỉ số sản xuất ngành sản xuất, phân phối điện tháng 6 đã tăng so với tháng trước (tháng 6 tăng 6,5% so với tháng trước và tăng 1,7% so với cùng kỳ); tính chung 6 tháng ngành sản xuất, phân phối điện tăng 2% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm trước tăng 9,8%).

Sản lượng điện sản xuất tháng 6 ước đạt 21.026,9 triệu kWh, tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 1,7% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng điện sản xuất ước đạt 112.780,7 triệu kWh, tăng nhẹ 2,2% so với cùng kỳ năm 2019. Điện thương phẩm tháng 6 ước đạt 19.280 triệu kWh, tăng 13,1% so với tháng 5 và tăng 1,8% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm, điện thương phẩm ước đạt 102.693,2 triệu kWh, tăng 1,8% so với cùng kỳ.

Đối với các tháng của mùa khô và năm 2020, căn cứ diễn biến phụ tải thực tế và dự kiến kế hoạch, việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt sẽ được đảm bảo và không phải thực hiện tiết giảm điện nếu không có các diễn biến quá bất thường xảy ra. Tuy nhiên, dự báo trong thời gian cao điểm của mùa khô, đặc biệt là trong những thời điểm nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng điện có thể tăng cao đột biến, gây quá tải cục bộ cho lưới điện, nguy cơ xảy ra các sự cố lưới điện phân phối do quá tải gây mất điện tạm thời.

Nhằm đảm bảo cung cấp điện cho các tháng còn lại của mùa khô và năm 2020, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đảm bảo cung cấp khí, cung cấp than cho phát điện. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các chủ đầu tư các dự án nhà máy điện phải thực hiện các biện pháp đồng bộ nhằm đảm bảo tiến độ đưa các công trình mới vào vận hành theo đúng kế hoạch. Đối với Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, các Tổng công ty Điện lực phải tập trung các nguồn lực đảm bảo đúng tiến độ các công trình đường dây và trạm biến áp, nhất là các dự án quan trọng ảnh hưởng đến truyền tải, cung cấp điện trong mùa khô.

Các Tổng công ty Điện lực, các Công ty Điện lực các tỉnh thành phố đẩy mạnh tuyên truyền vận động khách hàng sử dụng điện tiết kiệm như tắt bớt các thiết bị không sử dụng, sử dụng các thiết bị điện có hiệu suất cao, đặt nhiệt độ điều hòa ở mức trên 26 độ C.

Ngoài ra, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị điện lực, đặc biệt là tại các thành phố lớn, hạn chế việc thao tác lưới điện trong thời gian nắng nóng, trừ trường hợp thực sự cần thiết để phục vụ việc cung cấp điện, đồng thời giám sát chặt chẽ việc vận hành các thiết bị điện để giảm thiểu các sự cố do quá tải cục bộ.

3. Về xuất nhập khẩu

Trong 6 tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh tại một số quốc gia đã ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo cũng như tạo ra khó khăn mới về thị trường tiêu thụ. Tình hình thời gian tới vẫn khó dự đoán bởi diễn biến dịch Covid-19 vẫn tương đối phức tạp. Tại Trung Quốc, dịch Covid-19 lại tiếp tục bùng phát, có thể có nguy cơ Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ giao thương biên mậu. Tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng khó tránh khỏi nguy cơ dịch bùng phát lần 2; ở châu Âu, dịch cũng vẫn diễn biến phức tạp… Các nước đối tác lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Việc nhập khẩu hàng tiêu dùng, các mặt hàng công nghiệp nhẹ như dệt may, da giày, túi xách, vali, mũ ô dù... giảm mạnh khi mà hàng hóa còn tồn kho, chưa bán được. Hoạt động du lịch, lễ hội, giải trí dừng cũng kéo tiêu dùng giảm khiến xuất khẩu nông, thủy sản gặp khó khăn. Giao thương, vận tải, thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa, nhất là qua các cửa khẩu biên giới đất liền cũng gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu năm 2020 ước tính giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 238,39 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ghi nhận mức sụt giảm lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu 2008/2009, với mức giảm 1,1%, ước đạt 121,21 tỷ USD; Tương tự, kim ngạch nhập khẩu giảm 3% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 117,17 tỷ USD.

Không chỉ Việt Nam mà kết quả xuất khẩu của các quốc gia khác cũng đều sụt giảm hoặc tăng trưởng thấp trong những tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước. 5 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm 7,7%; kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan giảm 6,4%; kim ngạch xuất khẩu của Indonesia giảm 7,24%; Singapore giảm 8,5%; Hàn Quốc giảm 11,2%, Ấn Độ giảm 26,6%...

Ngay từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 khởi phát tại Trung Quốc đã làm gián đoạn một số hoạt động thương mại giữa Việt Nam với thị trường này, đặc biệt là xuất khẩu hàng nông, thủy sản và nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ thực sự bị tác động mạnh trong quý II/2020, sau khi dịch Covid-19 lây lan mạnh trên phạm vi toàn cầu, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như: Mỹ, EU, Nhật Bản, ASEAN… Việc thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh như: Hạn chế đi lại, đóng cửa các nhà hàng, đóng cửa biên giới và sân bay... tại nhiều quốc gia đã gây ra sự gián đoạn chuỗi thương mại toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng suy giảm. Do đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý II/2020 đã giảm 5,8% so với quý I/2020 và giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 115,66 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 8,3% so với quý I/2020 và giảm 9% so với quý II/2019, đạt 57,98 tỷ USD; Kim ngạch nhập khẩu cũng giảm 3% so với quý I/2020 và giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 57,68 tỷ USD. 

3.1. Về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 6/2020 ước tính đạt 21 tỷ USD, tăng 9,5% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,38 tỷ USD, tăng 2,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,6 tỷ USD, tăng 13,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 6 giảm 2%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 7,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 6,4%.

Tháng 6/2020, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản giảm 6,7% so với tháng 5/2020 do kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng gạo giảm 53,8%; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 12,5%; hạt tiêu giảm 8,3%. Tuy nhiên, các mặt hàng khác lại tăng trưởng khả quan như: Thủy sản tăng 5,9% so với tháng 5/2020; rau quả tăng 11,2%; hạt điều tăng 2,6%; cà phê tăng 7,4%; chè tăng 23,7%; cao su tăng tới 44,7%.

So với tháng 5/2020, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng trong nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản cũng tăng trưởng cao như: Dầu thô tăng 27,6%, xăng dầu tăng 46,9%, quặng và khoáng sản tăng 102,6%.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến dù chưa thể trở lại trạng thái trước khi xảy ra dịch Covid-19 nhưng xu hướng phục hồi vẫn tiếp diễn, với mức tăng 10,5% so với tháng 5/2020, đạt 17,43 tỷ USD, mặc dù vẫn giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Những mặt hàng chính ghi nhận sự tăng trưởng so với tháng trước gồm: Kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại tăng 9,2%; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 10,4%; Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 22%; hàng dệt và may mặc tăng 17,8%; Xơ, sợi dệt các loại tăng 14,5%; giày dép các loại tăng 10,8%; Túi sách, vali, mũ, ô dù tăng 8,9%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 16,6%; hóa chất tăng 29,3%; sắt thép các loại tăng 14,5%...

Mặc dù tăng khá mạnh trở lại trong hai tháng gần đây nhưng tính chung kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 121,2 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 7,2%). Trong đó, khu vực khối doanh nghiệp trong nước ước đạt 41,38 tỷ USD, tăng 11,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 79,83 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (4 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,7%), trong đó điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 21,5 tỷ USD, chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 19,3 tỷ USD, tăng 24,2%; hàng dệt may đạt 12,8 tỷ USD, giảm 15,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 10,3 tỷ USD, tăng 25,2%; giày dép đạt 8,1 tỷ USD, giảm 6,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5 tỷ USD, tăng 2,4%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 3,8 tỷ USD, giảm 11,1%; thủy sản đạt 3,6 tỷ USD, giảm 8,3%.

Hầu hết xuất khẩu các nhóm hàng đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể:

- Nhóm hàng nông, lâm thủy sản 6 tháng ước đạt 11,7 tỷ USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 7,8%). Với tác động của dịch Covid-19, nhất là giao dịch thương mại với Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ đất liền gần như đình trệ vào thời điểm đầu tháng 2, xuất khẩu hàng hóa nông lâm thủy sản bị ảnh hưởng rất lớn. Với sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ và xử lý sát sao của Bộ Công Thương và các Bộ ngành, địa phương, hoạt động giao dịch qua các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc đã từng bước được tháo gỡ. Hoạt động xuất nhập khẩu tại một số cửa khẩu biên giới Việt Trung đã trở lại bình thường, tiến độ thông quan tích cực hơn. Tính tới thời điểm hết tháng 6/2020, những mặt hàng bị tác động trực tiếp bởi Covid-19 có: Rau quả (kim ngạch giảm 11,4% so với cùng kỳ, cùng kỳ tăng 2,5%), thủy sản (giảm 8,3%, cùng kỳ giảm 1,8%), cao su (giảm 27,8%, cùng kỳ tăng 2,4%); chè các loại (giảm 7,8%; cùng kỳ tăng 7,5%); hạt tiêu (giảm 19,1%; cùng kỳ giảm 0,2%) do hệ thống các nhà hàng, hoạt động du lịch, giao thông giảm sút, kéo theo sụt giảm nhu cầu các mặt hàng này; cà phê (chỉ tăng nhẹ 2,5%); hạt điều (cũng tăng nhẹ 0,7%). Riêng gạo là một trong số ít mặt hàng không bị tác động nhiều bởi dịch Covid-19 khi cả giá trị và sản lượng xuất khẩu đều tăng đáng kể so với cùng kì năm 2019. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng xuất khẩu gạo đạt 3,54 triệu tấn, giá trị kim ngạch 1,73 tỷ USD, tăng 5,6% về lượng và 19,3% về giá trị (cùng kỳ giảm 18,1% về trị giá).

- Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 101,6 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,4%). Sau giai đoạn 1, đối với các mặt hàng công nghiệp chế biến, nguồn cung ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc. Đến nay, việc đứt gãy nguồn cung cơ bản được giải quyết, thì xuất khẩu Việt Nam hiện đang phải đối mặt với việc đứt gãy cầu khi nhu cầu tiêu thụ sụt giảm do dịch bệnh Covid -19 đã lan rộng sang các nước châu Âu và Hoa Kỳ là những nước đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam. 6 tháng đầu năm, đối với dệt may: xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại giảm 21,2% (cùng kỳ tăng 1,9%); vải mành, vải kỹ thuật giảm 39,6% (cùng kỳ tăng 17,1%); hàng dệt và may mặc giảm 15,5% (cùng kỳ tăng 10,4%). Đối với da giày: xuất khẩu giầy, dép các loại giảm 6,7% (cùng kỳ tăng 13,3%); túi xách, vali, mũ ô dù giảm 15,1% (cùng kỳ tăng 10,5%). Nguyên phụ liệu, dệt may, da, giày giảm 17,3% (cùng kỳ tăng 0,6%). Sắt thép các loại giảm 11,7% (cùng kỳ tăng 3,6%); Điện thoại các loại và linh kiện giảm 8,4% (cùng kỳ tăng 3,9%); Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 51,2% (cùng kỳ tăng 2,1%). Tuy nhiên, một số nhóm hàng vẫn duy trì đà tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2019 là gỗ và sản phẩm gỗ tăng 2,4%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng mạnh 24,2%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 25,2%. Nhờ tốc độ tăng trưởng ấn tượng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã vượt qua dệt may trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau 6 tháng đầu năm 2020.

- Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản sụt giảm mạnh nhất, ước đạt 1,5 tỷ USD, giảm 35,8%. Trong nhóm hàng này, dầu thô là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất với 2,54 triệu tấn, trị giá 779 triệu USD, tăng 24,6% về lượng nhưng giảm 26,6% về trị giá do giá giảm.

- Về thị trường xuất khẩu: Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt tại các quốc gia EU, Hoa Kỳ, một số quốc gia ASEAN như Indonesia, Singapore. Dịch bệnh diễn biến phức tạp cùng với các biện pháp thực thi nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch như cách ly xã hội có ảnh hưởng bất lợi tới các hoạt động kinh tế, đặc biệt là hoạt động thương mại.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN giảm 14% so với cùng kỳ 2019; xuất khẩu sang thị trường EU giảm 8,8%; xuất khẩu sang Nhật Bản giảm 2,3%. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu tháng 6 sang các thị trường đều có tăng trưởng dương so với tháng 5, qua đó có thể thấy xuất khẩu của Việt Nam đang trên đà hồi phục với lợi thế là quốc gia sớm kiểm soát tốt dịch bệnh.

  Hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là Trung Quốc và Hoa Kỳ đều có tăng trưởng tốt, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 19,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước; sang Hoa Kỳ đạt 30,3 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang các thị trường các nước thành viên CPTPP có tăng trưởng tích cực như: xuất khẩu sang Australia tăng 2,3%; Chile tăng 1,6%; Mexico tăng 2,6%.

3.2. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 6/2020 ước tính đạt 20,5 tỷ USD, tăng 12,8% so với tháng 5/2020 và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, tính chung trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm 3% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 117,17 tỷ USD (cùng kỳ tăng 8,8%).

Trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 117,17 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu hàng hóa giảm chủ yếu do kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 65,62 tỷ USD. Trong khi đó, khối doanh nghiệp trong nước có kim ngạch nhập khẩu đạt xấp xỉ cùng kỳ năm 2019 với 51,55 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ.

- Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu: chiếm 88,4% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch đạt 103,6 tỷ USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, trong tháng 6/2020, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này có sự tăng trưởng trở lại khi tăng 12,2% so với tháng 5/2020.

Kim ngạch nhập khẩu của nhiều loại nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất trong nước sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm 2020 như: Vải các loại giảm 15,3%, sắt thép giảm 16,3%, chất dẻo nguyên liệu giảm 11,1%; kim loại thường giảm 9%; nguyên phụ liệu dệt may, da giày giảm 14,2%, hóa chất giảm 8%; thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 10,3%; bông giảm 14%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 8,5%...

Ngược lại, một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng như: Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 13,3%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 3,7%...

Đáng chú ý, số liệu ước tính tháng 6/2020 cho thấy, nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất đang tăng khá mạnh trở lại trong tháng 6, điều này cho thấy các doanh nghiệp trong nước đang bắt đầu đẩy nhanh quá trình khôi phục. Những mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh so với tháng 5/2020 có thể kể tới như: Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 14,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 16,3%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 46,2%; vải các loại tăng 12,9%; xơ, sợi dệt các loại tăng 15,2%; sản phẩm chất dẻo tăng 16,2%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 12,7%... 

Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu cũng giảm 16,7% trong 6 tháng đầu năm 2020, đạt 7,2 tỷ USD, với sự sụt giảm ở các mặt hàng như: Rau quả giảm 40,7%; ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ giảm 45,6% về trị giá…

- Về thị trường nhập khẩu: trong 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa lớn nhất từ thị trường Trung Quốc với kim ngạch đạt 34,8 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2019. Cùng với giảm nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, Việt Nam cũng giảm nhập khẩu hàng hóa từ thị trường ASEAN và Hàn Quốc trong 6 tháng đầu năm 2020, với mức giảm lần lượt là 11,9% và 10%.

Trái lại, nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ và EU lần lượt tăng 7,2% và 8,4% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 7,4 tỷ USD và 7,1 tỷ USD.

Nguồn: Bocongthuong



[1] Tốc độ tăng GDP quý II các năm 2011-2020 lần lượt là: 5,93%; 5,08%; 5,0%; 5,34%; 6,47%; 5,78%; 6,36%; 6,73%; 6,73%; 0,36%.

[2] Tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ các năm 2011-2020 lần lượt là: 5,92%; 4,93%; 4,90%; 5,22%; 6,32%; 5,65%; 5,83%; 7,05%; 6,77%; 1,81%.

[3] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ các năm 2011-2020 lần lượt là: 9,24%; 8,24%; 4,95%; 4,95%; 9,66%; 7,01%; 5,42%; 9,28%; 9,13%; 2,71%.

[4] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ các năm 2011-2020 lần lượt là: 13,37%; 8,96%; 5,61%; 6,61%; 10,0%; 10,5%; 10,52%; 12,87%; 11,18%; 4,96%.

Số lượt đọc: 463
Thông báo