Vốn chảy vào bất động sản công nghiệp
Trong số 9 dự án nêu trên, có 5 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 3,3 tỷ USD. Đó là các dự án: Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp sạch với quy mô 143,08 ha, tổng vốn 76,9 triệu USD; Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp số 05 rộng 192,64 ha, tổng vốn 102,5 triệu USD; Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp số 03 rộng 159,71 ha, tổng vốn 99,3 triệu USD; Khu đô thị sinh thái Dream City với quy mô 445,4 ha, tổng vốn hơn 1,63 tỷ USD; Khu đô thị Đại An quy mô 293,96 ha, tổng vốn hơn 1,4 tỷ USD.
Bốn dự án khác được UBND tỉnh Hưng Yên cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư có tổng vốn đăng ký 300 triệu USD. Trong đó, Dự án Nhà máy sữa Hưng Yên có quy mô 1.200 tấn sản phẩm/ngày, vốn đăng ký 197 triệu USD; 3 dự án còn lại là dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, quy mô 75 ha/dự án, vốn đầu tư tương đương 35 triệu USD/dự án.
Có thể thấy, phần lớn số vốn nêu trên chảy vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp. Trong bối cảnh quỹ đất công nghiệp ở Hà Nội khan hiếm và Việt Nam đón sóng đầu tư nước ngoài mới từ các hiệp định thương mại tự do, Hưng Yên đã tận dụng vị trí gần Thủ đô và rốt ráo chuẩn bị nguồn cung bất động sản công nghiệp mới chất lượng cao.
Cuối tháng 9/2021, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Danh mục dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, trong lĩnh vực hạ tầng công nghiệp, tỉnh mời đầu tư 14 dự án với tổng mức đầu tư 31.685 tỷ đồng. Dự án có quy mô lớn nhất trong danh sách này là Khu công nghiệp Tiên Lữ - Kim Động - Ân Thi tại các huyện Tiên Lữ, Ân Thi, Kim Động, quy mô 548,5 ha, tổng mức đầu tư 6.856 tỷ đồng. Tiếp đến là Khu công nghiệp Sala tại thị xã Mỹ Hào, quy mô 392 ha, tổng mức đầu tư 4.900 tỷ đồng…
Tiếp đà tăng trưởng công nghiệp
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên, kinh tế hàng năm của tỉnh đều tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 1997-2021 đạt khoảng 10,21%/năm, trong đó công tác thu hút đầu tư đạt những kết quả nổi bật.
Năm 1997 tái lập tỉnh, trên địa bàn Hưng Yên mới chỉ có 5 dự án đầu tư nước ngoài và 2 dự án đầu tư tỉnh ngoài với tổng vốn 61,43 triệu USD và 35 tỷ đồng, có 2 dự án triển khai thực hiện và đi vào hoạt động sản xuất. Đến hết năm 2021, tổng số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh là 2.058 dự án (1.559 dự án trong nước, 499 dự án nước ngoài), tổng vốn đăng ký 244.000 tỷ đồng và 5,9 tỷ USD; trong đó 1.444 dự án đang hoạt động, 142 dự án đang xây dựng, 472 dự án đang triển khai.
Với kế hoạch phát triển nguồn cung bất động sản công nghiệp lớn của tỉnh, Hưng Yên kỳ vọng chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân sẽ tăng 9 - 10%/năm trong giai đoạn 2021-2025. Đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng dự kiến chiếm khoảng 70% cơ cấu kinh tế của tỉnh, trở thành địa phương công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định, “tập trung thu hút đầu tư, phát triển công nghệ cao, công nghiệp có giá trị tăng cao, hiện đại” là một trong ba khâu đột phá chiến lược để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
“Thực hiện điều này, Hưng Yên đang và sẽ thực hiện các giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư, tiếp nhận chọn lọc, ưu tiên các dự án đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, tiến độ triển khai nhanh, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và đóng góp nhiều cho ngân sách”, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hưng Yên chia sẻ.
Ngay tại lễ trao giấy chứng nhận đầu tư cuối tuần qua, tỉnh Hưng Yên đã đạt được thỏa thuận với các nhà đầu tư, các đối tác với tổng số vốn cam kết khoảng 11,5 tỷ USD để nghiên cứu, khảo sát các dự án đầu tư tại địa phương theo mô hình, kinh nghiệm và ứng dụng công nghệ cao, quản trị hiện đại của Singapore và thế giới; hỗ trợ, cung cấp dịch vụ tư vấn trong nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển và xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài...