Từng làm việc cho Ngân hàng Credit Suisse, thường trú ở Bắc Kinh, Hồng Kông, nhiều lần đưa các đoàn khách hàng doanh nghiệp sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư, ông có thể kể về các chuyến đi này và những ấn tượng của ông?
Cách đây tầm 15 năm, Credit Suisse bắt đầu tổ chức cho khách hàng doanh nghiệp Thụy Sỹ đi tìm hiểu thị trường ở châu Á, giúp họ hiểu được phần nào văn hóa địa phương, kết nối với một số địa chỉ, gặp một số quan chức. Khách đi Trung Quốc một thời gian thì không còn thấy mới mẻ nữa, nên chúng tôi tổ chức đi thêm Việt Nam. Lần đầu tiên chúng tôi đến Việt Nam năm 2009, sau đó gần như mỗi năm một chuyến cho đến lần cuối vào năm 2014.
Các chuyến đi rất thành công. Khách hàng của chúng tôi thích Việt Nam hơn hẳn Trung Quốc. Chuyến nào chúng tôi cũng được gặp một phó thủ tướng. Chúng tôi rất ấn tượng với trình độ tiếng Anh tại Việt Nam cũng như sự hiểu biết của mọi người, chẳng hạn, về nền giáo dục Thụy Sỹ, đặc biệt là hệ thống đào tạo nghề.
Đoàn thường gồm khách hàng thuộc nhiều lĩnh vực, từ tài chính, dịch vụ tư vấn, y dược, IT, cho tới cơ khí, thiết bị chính xác… Một số khách tìm được một số địa chỉ và sau đó tự kết nối. Một đoàn khoảng 20 khách mà có 2-3 người tìm được các địa chỉ hữu ích, nhà cung cấp tiềm năng hay các giải pháp tháo gỡ vấn đề nào đó… là thành công rồi.
Nhưng có một điều, tôi nghĩ, cơ quan xúc tiến tại Việt Nam chưa giới thiệu được cho chúng tôi những người tốt nhất, có hiểu biết và chuyên môn nhất để có thể trao đổi, tiến đến hợp tác. Tôi tin là có những người thật sự giỏi ở đó, nhưng chúng tôi chưa được gặp.
Hiện nay, khách hàng của ông đầu tư vào đâu?
Chúng tôi hầu như chỉ đầu tư vào các thị trường đã hoàn thiện, chủ yếu là Mỹ, sau là Liên minh châu Âu (EU), Thụy Sỹ và Anh. Chúng tôi cũng chọn một vài công ty Trung Quốc như Tencent, Alibaba, Baidu và một vài công ty có giao dịch trên sàn chứng khoán Hồng Kông và Mỹ. Samsung có thể là cân nhắc tiếp theo.
Có vẻ các công ty được chọn ở Trung Quốc toàn thuộc ngành công nghệ kỹ thuật số. Họ có bị ảnh hưởng bởi thương chiến Mỹ - Trung?
Đúng vậy. Thương chiến Mỹ - Trung không ảnh hưởng gì mấy đến các công ty đó, vì họ hoạt động chủ yếu trong nội địa. Alibaba có lẽ bị ảnh hưởng một chút; còn Tencent thì không, vì các ứng dụng WeChat, WePay chủ yếu là người Trung Quốc dùng trong nước. Huawei có lẽ là công ty bị ảnh hưởng nặng nhất, vì có hiện diện ở bên ngoài, châu Âu.
Dĩ nhiên các lĩnh vực liên quan đến thuế quan bị ảnh hưởng nặng. Và Việt Nam được hưởng lợi vì điều này.
Phải chăng với châu Á, nhà đầu tư Thụy Sỹ đang quan tâm nhiều đến Trung Quốc và Ấn Độ mà có phần lơ là những quốc gia khác?
Tôi không nghĩ vậy. Thụy Sỹ là quốc gia rất nhỏ, nên thường khó xuất hiện trong danh sách đối tác đầu tư hàng đầu của các nước, mà chỉ có thể xếp ở vị trí 20-30 thôi. Dĩ nhiên, về con số tuyệt đối, Trung Quốc và Ấn Độ là lớn nhất, nhưng xét theo tỷ lệ tương đối thì không hẳn. Trung Quốc, Ấn Độ có thể lớn gấp 10 lần, nhưng Việt Nam cũng quan trọng không kém.
Ví dụ, để bán cà phê Nespresso viên nén thì Trung Quốc và Ấn Độ là 2 thị trường hấp dẫn nhất vì dân số lớn. Song các lĩnh vực khác thì không. Ấn Độ có nhiều công ty làm outsource (thuê ngoài) và dịch vụ IT, nhưng vẫn chỉ là công ty Ấn Độ và rất khó để làm ăn với người Ấn. Trong khi đó, lĩnh vực chế tạo thì Việt Nam mạnh hơn rất nhiều.
Theo ông, Việt Nam trong mắt nhà đầu tư như thế nào?
Nhìn trên phương diện thị trường, dễ dàng thấy rằng, Việt Nam lúc này là nơi đầu tư tốt nhất, bởi nền kinh tế khá lớn và tăng trưởng nhanh, nhanh nhất châu Á. Nhưng vấn đề là bạn muốn đầu tư vào lĩnh vực nào.
Nếu muốn bán sản phẩm thì Việt Nam là một điểm đến tuyệt vời. Còn nếu là một nhà đầu tư tài chính, một khi chọn Việt Nam, bạn sẽ muốn đổ tiền vào khu vực nhà nước với những công ty lớn. Nhưng quy định về tỷ lệ sở hữu vốn nước ngoài tối đa 49% khiến giá cổ phiếu dành cho nhà đầu tư nước ngoài cao hơn giá cho nhà đầu tư nội địa. Điều đó làm mất sức hấp dẫn, tương tự ở Trung Quốc.
Vả lại, số công ty nhà nước cổ phần hóa ở Việt Nam cũng không quá nhiều. Nếu có nhiều công ty được cổ phần hóa, thị trường sẽ sôi động hơn.
Những lĩnh vực nào Việt Nam có khả năng thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư Thụy Sỹ?
Thật ra, nhà đầu tư không phân biệt lĩnh vực nào, cứ chỗ nào có thể kiếm tiền là được. Với Việt Nam, hạ tầng và bất động sản là hai mảng bùng nổ bởi quá trình đô thị hóa đang diễn ra và có nhiều công ty lớn. Ngoài ra, xuất khẩu, du lịch, dịch vụ IT… có tiềm năng rất lớn. Thiết bị y tế cũng là mảng nhiều tiềm năng khi các công ty Thụy Sỹ thấy rằng, hàng sản xuất tại Trung Quốc đang gần như chiếm thế độc tôn và muốn gia giảm tình trạng đó.
Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, đối với người nước ngoài đến Trung Quốc, cái gì cũng có trong vòng bán kính 5 km, tạo thành một hệ sinh thái đầy đủ mà Việt Nam chưa có được.
Việt Nam nên quảng bá như thế nào để nhận được sự chú ý của nhà đầu tư?
Tôi nghĩ, Việt Nam không cần quảng bá gì quá nhiều, bởi nhà đầu tư vốn là những người nắm bắt cơ hội rất nhanh và luôn chủ động tìm cơ hội. Trường hợp Công ty Jakob Robe Systems là một ví dụ.
Công ty này không lớn, chuyên sản xuất lưới rào và dây thừng kim loại xuất khẩu khắp thế giới. Một sản phẩm nổi tiếng của họ là loại lưới sợi mắc vào 2 đầu cầu ở Thủ đô Bern của Thụy Sỹ để ngăn người tự tử. Trong một lần du lịch ở Việt Nam, ông chủ Peter Jakob nhìn thấy những người đan lưới cá và tin rằng, họ sẽ là những người lành nghề trong sản xuất sản phẩm lưới của mình. Vậy là đến nay, hầu hết sản phẩm của Jakob được sản xuất tại nhà máy ở Việt Nam, thay vì ở Thung lũng Emmental của Tiểu bang Bern trước đây.
Tóm lại, quảng bá đầu tư chỉ là một chút marketing, không có ý nghĩa quyết định. Cái chính là Chính phủ cần đưa ra các điều kiện hấp dẫn với nhà đầu tư.