BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 01/01/2025
Tin dự án
Công nghiệp chiến lược kỳ vọng hút vốn FDI Hàn Quốc
Thứ Bảy, 07/11/2020 11:26

Việt Nam mới thu hút thành công các dự án quy mô lớn và từng bước xây dựng chuỗi giá trị hoàn chỉnh trong lĩnh vực điện tử của Hàn Quốc.

Một thông tin quan trọng vừa được Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong-Seug - nhân chuyến thăm Việt Nam - chia sẻ, đó là một số ngân hàng Hàn Quốc đang mong muốn nhận được giấy phép hoạt động để làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam.

Thực tế, thông tin này không quá mới. Tầm này năm ngoái, khi Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam - Hàn Quốc họp phiên thứ 17, đại diện phía Chính phủ Hàn Quốc đã cho biết, có ít nhất 3 ngân hàng Hàn Quốc đang chờ được mở chi nhánh tại Việt Nam, sau khi Woori, Kookmin, Shinhan và KEB Hanabank đã lần lượt có mặt tại Việt Nam. Mới đây, hồi tháng 7/2020, Ngân hàng Deagu Chi cũng đã được phép mở chi nhánh tại TP.HCM.

Sự xuất hiện ngày càng nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam là lý do khiến các ngân hàng xứ Hàn mong muốn mở chi nhánh tại Việt Nam. Thậm chí, không chỉ ngân hàng, mà các công ty chứng khoán Hàn Quốc cũng không ngừng hiện diện tại Việt Nam.

Cuối tháng 8/2020, Công ty Chứng khoán JB Việt Nam đã được cấp giấy phép thành lập, với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Đây là công ty chứng khoán thứ 7 của Hàn Quốc có mặt tại Việt Nam, sau một loạt tên tuổi khác, như KIS, Mirae Asset, KBSV, Shinhan, Pinetree…

“Đây là lĩnh vực mà thời gian tới, sẽ có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đầu tư”, ông Hong Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nhận định.

Đây là một “khẩu vị” mới của các nhà đầu tư Hàn Quốc. Song thực tế, khẩu vị truyền thống vẫn sẽ được ưa chuộng, nhất là khi dòng vốn dịch chuyển sau Covid-19 đang hướng đến Việt Nam. Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian tới, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục thu hút được các dự án quy mô nhỏ và vừa của Hàn Quốc với mục tiêu tìm kiếm cơ sở sản xuất chiến lược để xuất khẩu và tìm kiếm thị trường mới. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư Hàn Quốc cũng sẽ tiếp tục đổ vào các lĩnh vực giải trí, dịch vụ, bất động sản

Chính vì vậy, hàng loạt tên tuổi lớn của Hàn Quốc đã và đang có mặt tại Việt Nam, như LG, Samsung, Hyundai, Hanwha, Hyosung… Cũng bởi  điều đó, Hàn Quốc vẫn đang giữ vững vị thế là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký gần 70,4 tỷ USD.

Tuy từ đầu năm tới nay, do ảnh hưởng của Covid-19, vốn đầu tư từ Hàn Quốc có xu hướng chậm lại, song theo Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Park Noh Wan, vốn đầu tư từ Hàn Quốc sẽ “sớm sôi động trở lại”.

Mong mỏi vốn đầu tư vào các ngành công nghiệp chiến lược

Vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam ngày càng có sự “nâng cấp” rõ rệt. Một bằng chứng rõ nét là đầu năm nay, Samsung đã khởi công xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) 220 triệu USD ở Hà Nội, với mong muốn biến nơi đây thành một trong những trung tâm R&D chiến lược của Tập đoàn trên toàn cầu.

Trong 10 tháng năm 2020, Hàn Quốc đứng thứ hai trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam, với 3,42 tỷ USD, đứng sau Singapore với 7,51 tỷ USD. Việc có một dự án điện khí 4 tỷ USD khiến Singapore dễ dàng vượt lên dẫn đầu. Tuy nhiên, nếu xét về số lượng dự án mới, thì Hàn Quốc vẫn đứng ngôi vị quán quân, với 528 dự án.

Các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đứng đầu về số lượt góp vốn, mua cổ phần, với 1.626 lượt trong 10 tháng qua.

Trong khi đó, Tập đoàn LG đang chuẩn bị cho việc thành lập một trung tâm R&D trong lĩnh vực linh kiện xe hơi và công nghệ thông tin tại Đà Nẵng. Không những thế, tham vọng của LG còn là biến Đà Nẵng thành “cứ điểm” R&D công nghệ thông tin của cả Tập đoàn. LG còn muốn trở thành “đơn vị hàng đầu” trong lĩnh vực R&D tại Việt Nam.

Như vậy, cả hai ông lớn xứ Hàn đều đã từng bước thiết lập trung tâm R&D tại Việt Nam và đây là điều mà Việt Nam mong chờ từ lâu.

Tuy vậy, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam mới chỉ thu hút thành công các dự án quy mô lớn và từng bước xây dựng chuỗi giá trị hoàn chỉnh trong lĩnh vực điện tử, như thiết bị di động, điện tử gia dụng và màn hình thế hệ mới. Trong khi đó, Hàn Quốc có tới 5 lĩnh vực công nghiệp chiến lược, bao gồm công nghiệp điện tử, công nghiệp bán dẫn, công nghiệp ô tô, công nghiệp đóng tàu và pin.

Mới đây, nhân chuyến thăm Việt Nam của Phó chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Samsung đầu tư lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam. Chưa có bất cứ cam kết nào được đưa ra, song nếu trở thành hiện thực, thì đó sẽ là một cú hích lớn cho các ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Trong khi đó, với ngành công nghiệp ô tô, sự xuất hiện của Hyundai cũng có thể coi là đáng kể. Nhà đầu tư này hồi cuối tháng 9/2020 đã cùng Tập đoàn Thành Công động thổ Dự án Nhà máy Hyundai Thành Công số 2 tại Ninh Bình, vốn đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng. Được biết, nhà máy thứ nhất của Hyundai có vốn đầu tư hơn 10.600 tỷ đồng (460 triệu USD).

Những cái tên khác cũng đã từng được nhắc tới. Samsung từng muốn nghiên cứu dự án đóng tàu tại Cam Ranh. Còn LG Chem thì từng thành lập liên doanh với Vingroup để sản xuất pin theo tiêu chuẩn quốc tế. Dù các kế hoạch chưa thành, nhưng rõ ràng, cơ hội với Việt Nam không phải là không có. Cái khó là cơ chế chính sách, kết cấu hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực… của Việt Nam có đáp ứng được nhu cầu hay không.

Số lượt đọc: 380
Thông báo