Thứ nhất, nâng cao chất lượng môi trường thể chế, quy hoạch, quảng bá và xúc tiến đầu tư FDI. Dòng vốn FDI từ EU là động lực lớn thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam. Điều này xuất phát từ việc DN EU nói chung rất coi trọng pháp quyền và có yêu cầu về chất lượng thể chế rất mạnh mẽ. Vì vậy, theo tinh thần Nghị quyết số 50-NQ/TW, Nhà nước không chỉ tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong DN, mà còn cần thúc đẩy quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài phù hợp xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hòa với các cam kết quốc tế, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch và tính cạnh tranh cao; Tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4 trước năm 2021, thuộc nhóm ASEAN 3 trước năm 2030. Đặc biệt, nền tảng pháp lý ưu việt sẽ truyền cảm hứng cho nhà đầu tư tin trưởng và cam kết đầu tư lâu dài. Đây cũng là yếu tố giúp nâng cao năng lực cạnh tranh về thể chế và môi trường kinh doanh của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các nhà đầu tư quốc tế đang liên tục tìm kiếm các thị trường mới ngoài Trung Quốc. Cần đưa ra được danh mục dự án thu hút đầu tư phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp EU, nhất là trong các lĩnh vực sở trường của họ là công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ tài chính, ngân hàng và viễn thông, vận tải, phân phối…
Thứ hai, cần xây dựng, bổ sung cơ chế khuyến khích đối với các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt cam kết; phân biệt ưu đãi giữa các ngành, nghề đầu tư khác nhau; Có chính sách khuyến khích hợp tác, chuyển giao công nghệ dựa trên cơ sở thoả thuận, tự nguyện; Áp dụng nguyên tắc ưu đãi đầu tư gắn với việc đáp ứng các điều kiện, cam kết cụ thể và cơ chế hậu kiểm; Nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, bảo vệ môi trường, tài nguyên và tiết kiệm năng lượng phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới. Sửa đổi, bổ sung quy định bảo đảm quyền, nghĩa vụ, công nhận và bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp về tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, vốn đầu tư, thu nhập và lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư và chủ thể có liên quan, phù hợp với các cam kết quốc tế.
Thứ ba, coi trọng phát triển doanh nghiệp, cải thiện các điều kiện hạ tầng, chất lượng nhân lực và phát triển các dịch vụ hỗ trợ đầu tư khác. Đầu tư cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng trong việc thu hút FDI từ quốc tế nói chung và EU nói riêng. Nguồn nhân lực trẻ có kỹ năng sử dụng internet lớn, phân tích dữ liệu, giỏi công nghệ thông tin và nắm bắt nhanh các xu hướng công nghệ mới... là những lợi thế cần tiếp tục phát huy để thu hút hơn nữa nguồn vốn từ EU. Cơ quan quản lý cần kịp thời ban hành các quy định điều chỉnh các quan hệ kinh tế mới, các mô hình, phương thức kinh doanh mới... tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư và hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước; Tăng cường cơ chế đối thoại, đổi mới, mở rộng phương thức tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của nhà đầu tư; xử lý dứt điểm, kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đang thực hiện./.