BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Năm, 23/01/2025
Tin hoạt động
Triển khai cơ chế phòng ngừa tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và Nhà nước thông qua tính tăng tích hợp trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư (NIIS)
Thứ Hai, 19/10/2020 10:34
Triển khai cơ chế phòng ngừa tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và Nhà nước thông qua tính tăng tích hợp trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư (NIIS)

Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư (NIIS) do Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý và vận hành theo quy định tại Luật Đầu tư. Hệ thống đang được vận hành tại tất cả các địa phương và doanh nghiệp FDI từ khâu khai hồ sơ online, tiếp nhận, xử lý hồ sơ, tổng hợp báo cáo, thu thập dữ liệu báo cáo từ doanh nghiệp.

Dự án “Nâng cấp và phát triển hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư” do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) viện trợ không hoàn lại dự kiến triển khai trong 04 năm từ năm 2019 đến năm 2022. Việc triển khai dự án sẽ giúp nâng cấp toàn diện các chức năng của Hệ thống nhằm hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư từ trung ương đến địa phương có công cụ quản lý hữu hiệu đối với hoạt động ĐTNN, phục vụ công tác theo dõi, giám sát, xây dựng chính sách. Đồng thời sẽ rút ngắn thời gian làm thủ tục đầu tư của các nhà đầu tư tư nhân, góp phần cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, tăng cường thu hút ĐTNN cho phát triển kinh tế, xã hội.

  1. Cơ chế phòng ngừa tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và Nhà nước

    Đầu tư nước ngoài (FDI) ngày càng đóng vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế hàng năm của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã nhận thức một cách đầy đủ và rõ ràng về giá trị của FDI đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam cũng như tầm quan trọng của việc bảo vệ và duy trì dòng vốn đầu tư này.

    Theo Ngân hàng Thế giới, rủi ro về chính trị có thể ảnh hưởng đến việc nhà đầu tư rút vốn trong các dự án hiện tại và hủy bỏ những dự án đầu tư trong tương lai. Yếu tố rủi ro chính trị được nhận định chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn giữa nhà đầu tư nước ngoài và Chính phủ. Do đó, để khuyến khích các nhà đầu tư hiện tại duy trì, mở rộng, đa dạng hóa hoạt động đầu tư tại Việt Nam, từ đó thu hút thêm các nhà đầu tư mới, Chính phủ cần phải xác định được những khó khăn/vướng mắc của các nhà đầu tư nước ngoài ngay từ giai đoạn đầu để sớm ngăn chặn việc thoái vốn đầu tư hoặc hủy bỏ dự án đầu tư.

    Việc giảm thiểu những rủi ro xuất phát từ mâu thuẫn giữa nhà đầu tư nước ngoài và Chính phủ có ảnh hưởng rất lớn trong việc thu hút, duy trì và mở rộng các dòng chảy đầu tư vào Việt Nam, đồng thời còn giúp giảm thiểu rủi ro phát sinh từ những tranh chấp tốn kém này. Cơ chế Phản hồi Đầu tư có Hệ thống (SIRM) được thiết kế hướng tới mục tiêu giúp giải quyết những thách thức này. Nhóm Ngân hàng Thế giới (Nhóm NHTG) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) đã hợp tác triển khai SIRM tại Việt Nam dưới tên gọi "Dự án thí điểm theo dõi và giải quyết nhanh các vấn đề đầu tư”.

    Dự án thí điểm theo dõi và giải quyết nhanh các vấn đề đầu tư (Dự án thí điểm) cung cấp cơ chế và công cụ giúp Chính phủ xác định, theo dõi và quản lý những khó khăn/vướng mắc có nguy cơ cao dẫn đến tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong thời gian ngắn. Dự án được triển khai từ tháng 12 năm 2018 đến tháng 12 năm 2019.

    Nhóm công tác thực hiện dự án của Bộ KH&ĐT được thành lập với vai trò là cơ quan đầu mối trong việc triển khai hoạt động của Dự án thí điểm. Đây là bộ phận chịu trách nhiệm điều phối thông tin và đầu mối trả lời vướng mắc của nhà đầu tư. Nhóm công tác do Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Cục ĐTNN) là trưởng nhóm và các thành viên từ Cục ĐTNN, Vụ Pháp chế và Vụ Quản lý các Khu Kinh tế (Vụ QLKKT) thuộc Bộ KH&ĐT, Vụ Pháp luật quốc tế thuộc Bộ Tư pháp và Vụ Quan hệ quốc tế thuộc Văn phòng Chính phủ. Nhóm công tác sẽ báo cáo tình hình hoạt động giải quyết vướng mắc đầu tư với Bộ trưởng Bộ KH&ĐT. Vụ Pháp chế, Bộ KH&ĐT và Bộ Tư pháp sẽ đóng vai trò phân tích, tư vấn pháp lý trong các trường hợp cần hỗ trợ.

    Quy trình giải quyết vướng mắc đầu tư của Nhóm công tác SIRM

    Theo quy trình, trước tiên các nhà đầu tư nước ngoài sẽ gửi vướng mắc tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết vướng mắc theo quy định của pháp luật. Nếu những vướng mắc này không được giải quyết ở cơ quan đó, nhà đầu tư có thể tiếp tục gửi vướng mắc của mình tới Nhóm công tác của Dự án cũng như cơ quan có thẩm quyền giải quyết ở cấp cao hơn. Khi nhận được vướng mắc của nhà đầu tư, Nhóm công tác sẽ thu thập thông tin, sàng lọc và phân tích các nội dung quan trọng bao gồm: (1) rủi ro kinh doanh (dựa trên việc đánh giá tác động của vướng mắc đầu tư đối với các khoản đầu tư/cơ hội việc làm hiện tại hoặc tương lai tại Việt Nam), và (2) rủi ro pháp lý (dựa trên việc đánh giá những vấn đề pháp lý phát sinh, đặc biệt liên quan đến việc thực hiện cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế).

    Dựa trên những phân tích này, Nhóm công tác sẽ đưa ra khuyến nghị cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết ở cấp cao hơn. Trong trường hợp những cơ quan này không giải quyết vướng mắc theo khuyến nghị, Nhóm công tác có thể báo cáo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT. Trong một số trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để ra quyết định nếu việc giải quyết vướng mắc đầu tư đòi hỏi có sự phối hợp giữa các Bộ ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

    Từ kết quả của dự án thí điểm, Cục Đầu tư nước ngoài đã đề xuất với ban soạn thảo dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi đưa nội dung cơ chế giải quyết vướng mắc, phòng ngừa tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư vào nội dung của Luật Đầu tư. Theo đó, trong Luật Đầu tư sửa đổi năm 2020 được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2020, có hiệu lực thi hành vào ngày 01/01/2021 đã có quy định về cơ chế này tại Mục 2, Điều 69. Trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư.

    “2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đầu tư tại Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: …

    đ) Xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế giải quyết vướng mắc của nhà đầu tư, phòng ngừa tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư.”

  2. Tích hợp tính năng tiếp nhận vướng mắc của cơ chế SIRM trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư

Hiện nay, Cục Đầu tư nước ngoài đang phối hợp cùng Vụ Pháp chế, Bộ KH&ĐT soạn thảo nội dung Nghị định, Thông tư hướng dẫn về cơ chế giải quyết vướng mắc của nhà đầu tư, phòng ngừa tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư (tạm gọi là SIRM).

Bước đầu tiên trong cơ chế giải quyết vướng mắc của nhà đầu tư chính là bước tiếp nhận thông tin vướng mắc và thu thập thông tin về dự án đầu tư đang gặp vướng mắc. Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư (NIIS) là hệ thống thông tin nghiệp vụ chuyên môn để theo dõi, đánh giá, phân tích tình hình đầu tư trên phạm vi toàn quốc nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước và hỗ trợ nhà đầu tư trong việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh. Do đó, Hệ thống NIIS bao gồm đầy đủ các thông tin và dự án đầu tư, là kênh tiếp nhận báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp từ nhà đầu tư được quy định trong Luật Đầu tư. Vì vậy, việc tích hợp tính năng tiếp nhận vướng mắc và tra cứu thông tin dự án gặp vướng mắc của nhà đầu tư của cơ chế SIRM vào Hệ thống NIIS là giải pháp hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế, tiết kiệm chi phí, thời gian và có thể đẩy nhanh quá trình giải quyết vướng mắc cho nhà đầu tư.

Ngoài việc tích hợp tính năng tiếp nhận và tra cứu thông tin của dự án gặp vướng mắc vào hệ thống NIIS, báo cáo phân tích về pháp lý, kinh tế và cập nhật về tình trạng xử lý vướng mắc hoàn toàn có thể tích hợp lên hệ thống NIIS để triển khai cơ chế SIRM một cách đồng bộ và có hiệu quả.

Việc triển khai cơ chế SIRM thông qua tích hợp tính năng trên hệ thống NIIS đang được thảo luận và đề xuất thực hiện đồng thời trong quá trình nâng cấp và phát triển Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư trong giai đoạn tới./.

Số lượt đọc: 1717
Thông báo