KOICA là tên viết tắt tiếng Anh của Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc. Được thành lập vào năm 1991 là cơ quan chuyên thực hiện các chương trình viện trợ không hoàn lại cho các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, KOICA là cơ quan thuộc Chính phủ, chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc.
Hiện tại có 21 nước có văn phòng đại diện trong số 167 nước được KOICA hỗ trợ. Tại Việt Nam, KOICA mở văn phòng đại diện từ năm 1994. Từ đó đến nay, KOICA tập trung hoạt động ở 4 chương trình gồm: Chương trình hỗ trợ các dự án; Chương trình cử cán bộ Việt Nam tham quan học tập tại Hàn Quốc; Chương trình cử tình nguyện viên sang Việt Nam; Hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các tổ chức phi chính phủ Hàn Quốc. Ở Việt Nam tổ chức KOICA thực hiện chủ yếu là Hỗ trợ dự án và tình nguyện viên.
Trên nền tảng chia sẻ lợi ích trong hợp tác song phương và đa phương, tính bổ trợ cao của hai nền kinh tế, sự tương đồng về lịch sử phát triển và gần gũi về văn hóa, Hàn Quốc là đối tác FDI lớn nhất với gần 64 tỷ USD tổng vốn đăng ký, đối tác hợp tác phát triển song phương và du lịch lớn thứ 2, đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam.
Hai nước đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2020 (từ 65,7 tỷ USD năm 2018) và Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị thế là đối tác FDI hàng đầu tại Việt Nam.
Chiến lược hợp tác quốc gia của Hàn Quốc với Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 chỉ ra 4 lĩnh vực Hàn Quốc ưu tiên hợp tác, hỗ trợ Việt Nam, bao gồm giao thông vận tải, quản trị hành chính công, sức khoẻ và giáo dục đào tạo. Trong đó, “Quản trị hành chính công” – lĩnh vực ưu tiên thứ hai của Hàn Quốc nổi bật với dự án “Nâng cấp và phát triển Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư”. Tổng vốn của Dự án là 6,2 triệu USD, trong đó, KOICA tài trợ cho Việt Nam khoản vốn viện trợ không hoàn lại 5,5 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 700 nghìn USD để thực hiện Dự án “Nâng cấp, phát triển Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư”.
Dự án nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đầu tư, qua đó, hình thành cơ chế phân tích, đánh giá về chất lượng thu hút và sử dụng, “đón đầu” xu hướng vận động của đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại.
“Đây chính là cơ sở hoạch định chính sách để thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và nâng cao chất lượng của đầu tư Việt Nam ra nước ngoài”, Thứ trưởng khẳng định.
Dự án cũng đặt mục tiêu tích hợp và chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin quốc gia hiện có như: Cơ sở dữ liệu về đăng ký kinh doanh, đấu thầu, đầu tư công… Đồng thời, tạo sự kết nối giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các cơ quan quản lý Nhà nước khác trong các lĩnh vực về đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan để thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về đầu tư nước ngoài.