BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Năm, 21/11/2024
Chính sách đầu tư ra
Quy trình, thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn ĐTNN ở Trung Quốc
Thứ Tư, 12/11/2014 03:47
Quy trình, thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn ĐTNN ở Trung Quốc

Quá trình thành lập một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc có thể thực hiện theo 8 bước

Quá trình thành lập một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc có thể thực hiện theo 8 bước như sau:

Bước 1: Xem xét về tập trung kinh tế và an ninh quốc gia

Tập trung kinh tế:

Bước này chỉ bắt buộc đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc thông qua hợp nhất, sáp nhập.

An ninh quốc gia:

Bước này cũng chỉ bắt buộc khi Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc thông qua hình thức Hợp nhất, sáp nhập và thuộc một trong những trường hợp sau đây:

-  Hợp nhất, sáp nhập với doanh nghiệp quốc phòng;

-  Doanh nghiệp gân với những khu vực quốc phòng quan trọng, nhạy cảm.

-  Những doanh nghiệp hoặc đơn vị có quan hệ với cơ quan quốc phòng hoặc an ninh.

-  Hợp nhất, sáp nhập với những doanh nghiệp trong nước đầu tư vào lĩnh vực liên quan tới an ninh quốc gia như: đầu tư vào những công nghệ chủ chốt, ngành công nghiệp sản xuất những máy móc chính, những sản phẩm công nghiệp quan trọng, hoặc liên quan tới nguồn năng lượng, tài nguyên, hạ tầng, giao thông.

Nhà đầu tư có thể tự nguyện nộp hồ sơ để xem xét về vấn đề an ninh quốc gia cho MOFCOM nếu họ tư thấy dự án của mình thuộc một trong những trường hợp nêu trên hoặc cơ quan thương mại cấp dưới (Sở thương mại) có thể yêu cầu Nhà đầu tư nộp hồ sơ để xem xét vấn đề nói trên.

Bước 2: Đăng ký tên doanh nghiệp

Để chuẩn bị cho quá trình thành lập doanh nghiệp nhà đầu tư phải nộp hồ sơ tới Tổng cục quản lý hành chính và thương mại Trung Quốc (SIAC) hoặc cơ quan cấp dưới của cơ quan này để đăng ký tên doanh nghiệp. Việc đăng ký này thường chỉ mất một ngày.

Bước 3: Xin ý kiến các cơ quan có liên quan về địa điểm thực hiện dự án

Trước khi nộp hồ sơ để xin chấp thuận việc thực hiện dự án, Nhà đầu tư phải nhận được ý kiến bằng văn bản của các cơ quan sau đây liên quan đến địa điểm thực hiện dự án:

-       Chấp thuận sử dụng đất –bởi Sở Đất đai và tài nguyên;

-       Đánh giá tác động môi trường – bởi Cơ quan bảo về môi trường cấp tình hoặc cấp Trung ương;

-       Sự phù hợp với quy hoạch – bởi Sở quy hoạch

-       Ý kiến về việc sử dụng tài sản nhà nước hoặc quyền sử dụng đất thuộc nhà nước nếu như dự án có sử dụng những tài sản này – bởi Ủy bản quản lý và  giám sát tài sản quốc gia

Bước 4: Xin Chấp thuận đầu tư của Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia

Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia có quyền thông qua hoặc từ chối bất kỳ dự án đầu tư nước ngoài nào vào Trung Quốc thông qua quá trình chấp thuận đầu tư. Tuy nhiên, thông thường, quá trình chấp thuận dự án chỉ yêu cầu với những dự án đầu tư tài sản cố định, đầu tư vào sản xuất, hoặc đầu tư sử dụng nguồn năng lượng hoặc tài nguyên đặc biệt.

Nhà đầu tư sẽ được yêu cầu nộp hồ sơ tại cơ quan cấp dưới của Ủy ban này. Tùy thuộc vào quy mô dự án và lĩnh vực đầu tư, dự án có thể được gửi lên xử lý tại Ủy ban.

Hồ sơ cần bao gồm các thông tin sau:

-  Tên dự án, thời hạn thực hiện và thông tin cơ bản của Nhà đầu tư;

-  Quy mô, nội dung xây dựng, công nghệ chính sử dụng, thị trường mục tiêu, số lao động dự kiến;

-  Địa điểm xây dựng, yêu cầu về đất, nước, năng lượng và dự kiến số nguyên liệu thô tiêu thụ;

-  Đánh giá tác động môi trường;

-  Giá phí hàng hóa, dịch vụ công dự kiến sử dụng;

-  Tổng vốn đầu tư, vốn đăng ký, tiến độ giải ngân, hình thức huy động vốn và kế hoạch tài chính, máy móc thiết bị cần phải nhập khẩu và giá dự kiến;

Hồ sơ cần gồm các tài liệu sau:

-  Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Đối tác trong nước và Nhà đầu tư nước ngoài;

-  Báo cáo tài chính có kiểm toán mới nhất của doanh nghiệp và Giấy chứng nhận về khả năng thanh toán tín dụng (Credit worthiness Certificate)

-  Một văn bản bày tỏ mong muốn đầu tư và trong trường hợp tăng vốn, hợp nhất, sáp nhập cần nộp thêm nghị quyết của ban quản lý công ty.

-  Chứng thư chứng nhận cam kết tài trợ vốn của ngân hàng (nếu cần vay vốn ngân hàng)

-  Các ý kiến bằng văn bản của các cơ quan có liên quan như nêu tại bước 3.

Việc xem xét dự án sẽ tập trung vào các nội dung sau:

-  Sự phù hợp với lĩnh vực kêu gọi đầu tư;

-  Sự phù hợp với kế hoạch trung và dài hạn cho phát triển kinh tế, xã hội quốc gia, quy hoạch phát triển ngành mà dự án đầu tư;

-  Phù hợp với lợi ích công và những quy định của chính quyền trung ương và luật về chống độc quyền.

-  Phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và bảo về môi trường;

-  Phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia về công nghệ;

-  Phù hợp với quy định về quản lý vốn và nợ nước ngoài;

Bước 5:Xin chấp thuận của Bộ hoặc sở thương mại

Sau khi dự án được thông qua bởi Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia, nhà đầu tư cần xin chấp thuận của Bộ hoặc Sở thương mại. Cơ quan này sẽ xem xét các vấn đề liên quan tới hình thức của doanh nghiệp FDI dự kiến hình thành thông qua việc xem xét các thỏa thuận về việc thành lập công ty. Kết quả của quá trình này là một Giấy chứng nhận.

Hồ sơ bao gồm:

-  Đơn đăng ký loại hình công ty dự kiến thành lập;

-  Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS);

-  Điều lệ công ty;

-  Chấp thuận dự án của Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia;

-  Ý kiến của cơ quan hữu quan về quyền sử dụng đất, quy hoạch và tác động môi trường;

-  Đối với thành lập Công ty liên doanh vốn (EJV): (i) Hợp đồng liên doanh, (ii)danh sách tên của ứng viên chủ tịch, phó chủ tịch và ban giám đốc;

-  Đối với thành lập Công ty hợp tác liên doanh (CJV): (i) Hợp đồng liên doanh; (ii) một bản đề xuất dự án; (iii) chứng nhận đăng ký kinh doanh của mỗi thành viên trong liên doanh; (iv) danh sách tên của các ứng viên chủ tịch, phó chủ tịch và ban giám đốc;

-  Đối với Công ty 100% vốn nước ngoài (WFOE): (i) danh sách tên của đại diện theo pháp luật hoặc ứng viên cho ban giám đốc công ty; (ii) một văn bản chứng nhận pháp lý và Giấy chứng nhận khả năng thanh toán tín dụng (Credit worthiness Certificate); (iii) ý kiến bằng văn bản của chính quyền địa phương nơi đầu tư dự án; (iv) danh sách những máy móc, thiết bị dự kiến nhập khẩu; (v) những văn bản khác trong trường hợp luật có yêu cầu;

Cơ quan xử lý hồ sơ sẽ căn cứ vào hồ sơ để xem xét sự đáng tin cậy của Nhà đầu tư và sự hợp pháp của hoạt động đầu tư nước ngoài. Kết quả quá trình này có thể là:

-  Giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;

-  Từ chối việc thành lập bằng văn bản có nêu rõ lý do;

Thời gian xem xét hồ sơ: đối với CJV có thể lên tới 45 ngày, đối với WFOE hoặc EJV có thể lên tới 90 ngày;

Một dự án có thể bị từ chối vì một trong những lý do sau:

-  Phá hoại chủ quyền Trung Quốc và lợi ích công;

-  Đe dọa an ninh quốc gia;

-  Vi phạm pháp luật Trung Quốc;

-  Không phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế đất nước;

-  Gây nguy hại tới môi trường;

-  Đối với trường hợp thành lập Công ty liên doanh vốn (EJV): có sự bất bình đẳng một cách rõ ràng trong các hợp đồng, thỏa thuận hoặc điều lệ công ty gây thiệt hại cho một bên tham gia.

Bước 6: Xin cấp các giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành

Đối với những dự án đầu tư vào một số lĩnh vực nhất định, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải xin giấy phép chuyên ngành cho lĩnh vực hoạt động đó.

Theo quy định hiện hành, có khoảng 100 hoạt động kinh doanh có điều kiện tại Trung Quốc. Thông thường, doanh nghiệp phải có các giấy phép đáp ứng đủ điều kiện hoạt động này trước khi thực hiện bước đăng ký (dưới đây).

Bước 7: Đăng ký doanh nghiệp

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Giấy chứng nhận từ Bộ Thương mại hoặc Sở Thương mại, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải được đăng ký tại Cục Đăng ký doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trực thuộc Tổng cục quản lý hành chính về công nghiệp và thương mại Trung Quốc (SAIC) hoặc cơ quan cấp dưới của cơ quan này tại địa phương.

Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bao gồm:

-  Đơn đăng ký;

-  Văn bản cử người đại diện được ký bởi tất cả các cổ đông;

-  Điều lệ doanh nghiệp;

-  Chứng thư xác nhận vốn đầu tư phát hành bởi tổ chức tín dụng hợp pháp theo quy định của pháp luật về tài chính, ngân hàng;

-  Văn bản chuyển nhượng tài sản phù hợp với thời điểm đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp tài sản góp vốn không phải là tiền;

-  Chứng nhận thành lập với nhà đầu tư là tổ chức hoặc chứng minh thư hoặc hộ chiếu với nhà đầu tư là cá nhân.

-  Văn bản chỉ rõ tên, địa chỉ cư trú của giám đốc, kiểm soát viên, các chức danh quản lý và các văn bản về việc chỉ định, bầu hoặc thuê các chức danh này.

-  Văn bản chỉ định và chứng minh thư hoặc hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của công ty;

-  Thông báo về việc phê duyệt tên doanh nghiệp;

-  Chứng nhận về việc sử dụng địa điểm của công ty;

-  Bất kỳ văn bản nào khác yêu cầu bởi Tổng cục quản lý hành chính về công nghiệp vào thương mại (SAIC);

Thông thường, thời hạn xử lý hồ sơ là 10 ngày làm việc.

Bước 8: Những yêu cầu đăng ký khác

Sau khi đăng ký thành lập, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện đăng ký những nội dung sau:

-  Đăng ký mã vạch – tại Sở giám sát chất lượng và kỹ thuật;

-  Xin Giấy phép khắc dấu – tại Sở Công an địa phương;

-  Đăng ký thuế - tại Sở thuế địa phương;

-  Đăng ký việc giao dịch ngoại tệ và xin phép mở tài khoản ngoại tệ;

-  Đăng ký đại diện Xuất – Nhập khẩu – tại Hả quan;

Số lượt đọc: 3931
Thông báo