BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 22/01/2025
Một số tổ chức quốc tế khác
APEC
Thứ Năm, 27/03/2014 12:02

 VÀI NÉT VỀ DIỄN ĐÀN HỢP TÁC KINH TẾ CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG (APEC)

Thành viên

Ôxtrâylia, Brunây, Canađa, Chilê, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Công, Inđônêxia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaixia, Mêhicô, Niu Dilân, Papua Niu Ghinê, Philíppin, Xingapo, Thái Lan, Hoa Kỳ, Việt Nam, Nga, Pêru.

Dân số: 2,146 tỷ người (chiếm 59% dân số thế giới).

Tổng sản phẩm quốc dân: 14.469 tỷ USD (chiếm 57% GDP toàn cầu).

Kim ngạch thương mại: 3.959 tỷ USD (chiếm 46% thương mại toàn cầu; thương mại nội khối chiếm 74%).

Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương được 12 thành viên thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sáng lập tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế tổ chức ở Canbêra tháng 11/1989 theo sáng kiến của Ôxtrâylia.

Tuyên bố Xơun 1991 đề ra 4 mục tiêu phát triển trong APEC gồm:

Duy trì tăng trưởng và phát triển, vì lợi ích chung của nhân dân các quốc gia trong khu vực, góp phần vào tăng trưởng và phát triển chung của kinh tế thế giới.

Phát huy những tác động tích cực của sự phụ thuộc kinh tế ngày càng tăng đối với kinh tế khu vực và thế giới, bằng cách đẩy mạnh sự giao lưu hàng hóa, dịch vụ, vốn và công nghệ.

Xây dựng và tăng cường hệ thống thương mại đa biên, vì lợi ích của Châu Á - Thái Bình Dương và các nền kinh tế khác.

Giảm dần những rào cản đối với thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa các nền kinh tế thành viên, phù hợp với các nguyên tắc của WTO và không có hại đối với các nền kinh tế khác.

Tuyên bố Bôgo 1994 xác định mục tiêu của APEC là: thực hiện tự do hóa thương mại và đầu tư tại Châu Á - Thái Bình Dương đối với các nền kinh tế phát triển vào năm 2010 và đối với các nền kinh tế đang phát triển vào năm 2020.

Để đưa ra các đường hướng hoạt động, giám sát và đôn đốc việc thực hiện các mục tiêu trên theo những nguyên tắc xác định một cách có hiệu quả, APEC đã đặt ra một cơ cấu tổ chức gồm:

(1) Hội nghị Cấp cao APEC;

(2) Hội nghị Bộ trưởng APEC;

(3) Hội nghị các chuyên viên cao cấp;

(4) Ban Thư ký APEC;

(5) Các ủy ban chuyên môn: (i) ủy ban quản trị và ngân sách (BMC); (ii) ủy ban thương mại và đầu tư (CTI); (iii) ủy ban kinh tế (EC);

(6) Các nhóm công tác: Hiện có 14 Nhóm công tác hoặc chuyên gia phụ trách các lĩnh vực chuyên môn trong APEC;

(7) Hội đồng tư vấn doanh nhân (ABAC).

Nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra, nội dung hoạt động của APEC xoay quanh ba trụ cột chính là tự do hóa thương mại và đầu tư, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, và hợp tác kinh tế - kỹ thuật với các Chương trình hành động tập thể (CAP) và Chương trình hành động quốc gia (IAP) của từng thành viên. Nói cách khác, mục tiêu của APEC không phải là để xây dựng một khối thương mại, một liên minh quan thuế hay một khu vực mậu dịch tự do như kiểu EU, NAFTA hay AFTA, mà là một diễn đàn kinh tế mở, nhằm xúc tiến các biện pháp kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nền kinh tế thành viên trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện trong khi thực sự mở cửa đối với tất cả các nước và khu vực khác. Tất cả những nội dung này hoạt động theo nguyên tắc cùng có lợi, nguyên tắc đồng thuận, nguyên tắc tự nguyện và phù hợp với nguyên tắc của WTO/GATT.

Sau hơn 10 năm tồn tại và phát triển, với vai trò là một tổ chức nhằm thúc đẩy mở cửa và hợp tác về kinh tế - thương mại giữa các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, góp phần hình thành cơ chế buôn bán mở toàn cầu, APEC hiện đang đứng trước những vấn đề không đơn giản. Có thể nói rằng, từ khi thành lập cho đến những năm 1994, 1995, APEC tỏ ra là tổ chức hoạt động năng động và hiệu quả. Nhưng từ sau Hội nghị cấp cao 1998, các hoạt động trong APEC đã có chiều hướng đi xuống và không đạt được những kết quả về thực chất. Hướng hoạt động chính của APEC là thúc đẩy mở cửa thông qua chương trình EVSL đã bế tắc và phải đưa vào đàm phán trong WTO; lĩnh vực quan trọng khác là hợp tác kinh tế - kỹ thuật thì tiến triển chậm chạp, cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính trong khu vực đã làm cho một số nền kinh tế giảm "mặn mà" với tiến trình tự do hóa và mở cửa kinh tế để tập trung vào giải quyết các vấn đề trong nước.

Tuy vậy, xét về ba trụ cột của APEC, có thể thấy trong những năm tới, vấn đề tự do hóa thương mại và tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư vẫn là chủ đề mà các thành viên APEC tiếp tục theo đuổi và tập trung thực hiện. Bên cạnh đó, Chương trình hợp tác kinh tế - kỹ thuật (ECOTECH), trong đó nhấn mạnh đến công tác xây dựng năng lực, thu hẹp khoảng cách, phát triển nguồn nhân lực đang trở thành một vấn đề được các thành viên APEC quan tâm và chú trọng hơn bao giờ hết.

Việt Nam gia nhập APEC năm 1998. Tuy là một nền kinh tế đang phát triển trong giai đoạn chuyển đổi, Việt Nam đã tích cực tham gia vào các chương trình hoạt động của APEC. Tháng 10/1998, ta đã hoàn thiện Chương trình hành động quốc gia (IAP) và nộp cho APEC, sau đó hằng năm chúng ta tiếp tục nâng cấp và cụ thể hóa hơn các cam kết đưa ra trong IAP. Cam kết và thực hiện IAP của Việt Nam được coi là nghiêm túc nhất trong số các thành viên mới gia nhập (đã mở rộng cam kết trong 11 trên tổng số 15 lĩnh vực). Trong thời gian tới, Việt Nam tập trung dành ưu tiên cho chương trình hợp tác kinh tế - kỹ thuật; tham gia có chọn lọc một số Kế hoạch hành động tập thể (CAP) như thủ tục hải quan, tiêu chuẩn chất lượng, du lịch...


Số lượt đọc: 3012
Tin khác
UNCTAD 27/03/2014
MIGA 27/03/2014
Thông báo