BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Bảy, 11/01/2025
Tình hình đầu tư
Tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài 12 tháng đầu năm 2010
Thứ Ba, 25/03/2014 03:29

Trong 12 tháng năm 2010, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 11 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó, giải ngân của các nhà đầu tư nước ngoài ước đạt 8 tỷ USD. Các dự án đầu tư nước ngoài triển khai trong năm 2010 đạt được mục tiêu giải ngân đề ra.

Xuất khẩu của khu vực ĐTNN (kể cả dầu khí) trong năm 2010 dự kiến đạt 38,8 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ và chiếm 53,1% tổng xuất khẩu cả nước. Nếu không tính dầu thô, khu vực ĐTNN dự kiến xuất khẩu 33,9 tỷ USD, chiếm 46% tổng xuất khẩu và tăng 40,1% so với cùng kỳ 2009. Nhập khẩu của khu vực ĐTNN năm 2010 đạt 36,5 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ và chiếm 42,8% tổng nhập khẩu cả nước. Trong năm 2010, khu vực ĐTNN xuất siêu 2,35 tỷ USD, trong khi cả nước nhập siêu 12,375 tỷ USD; nếu không tính xuất khẩu dầu thô, khu vực ĐTNN nhập siêu 2,59 tỷ USD, chiếm 20,9% giá trị nhập siêu cả nước.

2. Tình hình cấp GCNĐT:

Theo các báo cáo nhận được, tính đến ngày 21 tháng 12 năm 2010 cả nước có 969 dự án mới được cấp GCNĐT với tổng vốn đăng ký 17,23 tỷ USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2009.

Trong 12 tháng đầu năm 2010, có 269 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 1,37 tỷ USD, bằng 23,5% so với cùng kỳ năm 2009.

 Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 12 tháng đầu năm 2010, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 18,59 tỷ USD, bằng 82,2% so với cùng kỳ 2009.

Theo lĩnh vực đầu tư:

Với 1 dự án kinh doanh bất động sản có quy mô vốn 4 tỷ USD được cấp vào tháng 12, lĩnh vực kinh doanh bất động sản vươn lên đứng thứ nhất. Trong đó có 27 lượt dự án cấp mới và 6 dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm là 6,84 tỷ USD, chiếm 36,8% tổng vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam. Dự án có quy mô lớn được cấp phép trong tháng 12 là Công ty TNHH phát triển Nam Hội An (Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An) vốn đầu tư 4 tỷ USD do nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Quảng Nam.

Trong năm 2010, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, lĩnh vực thế mạnh và là lĩnh vực thu hút được sự quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư nước ngoài luôn duy trì ở vị trí cao. Lĩnh vực này dẫn đầu về số lượt dự án đăng ký cấp mới và dự án tăng vốn đầu tư trong năm 2010. Có 385 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư trên 4 tỷ USD và 199 dự án tăng vốn với số vốn tăng thêm là 1 tỷ USD, tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm là 5,1 tỷ, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Đứng thứ 3 là lĩnh vực sản xuất phân phối điện, khí nước, điều hòa với 6 dự án đầu tư có tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm là 2,95 tỷ USD, chiếm 15,9% tổng vốn đầu tư đăng ký trong năm 2010.

Theo đối tác đầu tư::

Trong năm  2010, có 55 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Singapore vươn lên dẫu đầu các nhà đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 4,43 tỷ USD chiếm 23,8 % tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hà Lan đứng  thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm  trên 2,37 tỷ USD, chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam; Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,36 tỷ USD, chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Theo địa bàn đầu tư:

Thêm 1 dự án được cấp phép trong tháng 12, Quảng Nam là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất trong năm 2010 với 4,2 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm. Tiếp theo là Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An với quy mô vốn đăng ký lần lượt là 2,56 tỷ USD, 2,2 tỷ USD USD, 2 tỷ USD và 1,3 tỷ USD.

Trong số các dự án cấp mới trong 12 tháng năm 2010, đáng chú ý có các dự án lớn được cấp phép là: dự án dự án Công ty TNHH phát triển Nam Hội An (Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An) do nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Quảng Nam với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD. Công ty TNHH điện lực AES-TKV Mông Dương (BOT nhiệt điện Mông Dương 2) xây dựng nhà máy nhiệt điện tại Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư là 2,1 tỷ USD; Dự án Công ty Sắt xốp Kobelco Việt Nam sản xuất phôi thép tại Nghệ An với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD; Công ty TNHH Skybridge Dragon Sea của Hoa Kỳ, mục tiêu xây dựng, kinh doanh Khu trung tâm hội nghị triển lãm, trung tâm thương mại, kinh doanh bất động sản tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư 902,5 triệu USD.

Lũy kế đến 21/12/2010:

Tính đến 21/12/2010, cả nước có 12.213 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 192,9 tỷ USD.

Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 18/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất, với 7.305 dự án, tổng vốn đăng ký 93,97 tỷ USD, chiếm 59,8% số dự án và 49% vốn đăng ký tại Việt Nam. Đầu tư vào kinh doanh bất động sản đứng thứ hai trong thu hút ĐTNN với 348 dự án, tổng vốn đăng ký 47,99 tỷ USD, chiếm 2,8% số dự án và 25% tổng vốn đăng ký tại Việt Nam. Tiếp theo là các lĩnh vực xây dựng, dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, phân phối điện, nước, khí, điều hòa.

Đến nay, 92 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Đài Loan là nhà đầu tư số 1 với trên 2.146 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 22,8 tỷ USD. Hàn Quốc đứng thứ 2 với trên 2.650 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 22,1 tỷ USD. Tiếp theo là nhà đầu tư Singapore, Nhật Bản và Malaysia.

ĐTNN đã có mặt ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó thành phố Hồ Chí Minh vẫn là nơi thu hút nhiều nhà ĐTNN nhất với trên 3.500 dự án còn hiệu lực, vốn đăng ký 29,9 tỷ USD, chiếm 29% tổng số dự án và 16,4% tổng vốn đăng ký cả nước. Bà Rịa – Vũng Tàu đang vươn lên rất sát với thành phố Hồ Chí Minh với quy mô vốn đăng ký 26,3 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đăng ký của cả nước. Tiếp theo lần lượt là Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Phú Yên, Thanh Hóa, và Hải Phòng. 10 tỉnh, thành phố thu hút ĐTNN lớn nhất này đã chiếm tới 75,6% tổng vốn đăng ký của cả nước (145,9 tỷ USD). 53 tỉnh, thành còn lại chỉ chiếm 24,4% tổng vốn đăng ký.

Số lượt đọc: 751
Thông báo