Cuộc đấu tranh vì sự phát triển của người dân và doanh nghiệp trong những ngày gần đây đang thu hút sự quan tâm của nhiều người, bắt đầu vụ án quán cà phê “Xin chào”.
Nhức nhối môi trường kinh doanh
Sáng sớm ngày thứ Ba, 19/4/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời một số cán bộ Văn phòng Chính phủ lên phòng làm việc. Ông đưa cho họ đọc một bài báo về vụ việc một chủ quán phở ở huyện Bình Chánh, TP.HCM vừa bị truy tố về tội kinh doanh trái phép. Đó là bài báo đầu tiên mở đầu cho hàng loạt bài báo tiếp theo về vụ án quán cà phê “Xin chào” gây chấn động dư luận xã hội suốt hai tuần sau đó. Ông đề nghị các cán bộ tìm cách giải quyết. Tuy nhiên, trong khi những cán bộ này đang tìm hiểu, nghiên cứu vụ việc thì Thủ tướng đã trực tiếp yêu cầu lãnh đạo TP.HCM và những cán bộ cao cấp khác xử lý.
Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà kể lại chuyện trên và nói: “Thủ tướng rất quan tâm. Ông chỉ đạo ngay việc dừng hình sự hóa, tháo ngòi nổ cho vụ việc”; rồi bình luận: “Nếu ông bán phở mà thua thì sẽ đưa ra thông điệp rất xấu, là mọi người kinh doanh có thể đi tù. Cần xem xét động cơ việc này là gì, tại sao phải làm như thế?”.
Những gì diễn ra sau đó – các cán bộ nhà nước từ Viện kiểm sát và công an truy tố người oan sai đang lần lượt bị xử lý, cho thôi chức – cho thấy một điều rất mới mẻ: Người kinh doanh đang được bảo vệ. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói: “Qua vụ cà phê Xin chào, Thủ tướng phát đi thông điệp về sự an toàn của môi trường kinh doanh; doanh nghiệp và người dân được bảo vệ”. Tuy nhiên, ông Lộc nói thêm: “Môi trường kinh doanh hiện nay không chỉ nhiều trở ngại mà còn kém an toàn. Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy doanh nghiệp rất quan tâm đến an toàn cho bản thân họ”.
Vụ quán cà phê Xin chào cho thấy thực trạng sinh động như lời ông Lộc nói. Quyền tự do kinh doanh vừa được hiến định, tội kinh doanh trái phép, tội “cố ý làm trái…” vừa được gỡ bỏ khỏi Bộ Luật hình sự, nhưng trên thực tế lại khác. Đó là một điểm mà nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh lo lắng. Trong một nỗ lực thuyết phục Quốc hội bỏ tội kinh doanh trái phép, và tội cố ý làm trái khỏi Bộ Luật Hình sự, ngày 16/6/2015, ông Vinh nói đầy thiết tha: “Những luật về kinh tế có thoáng bao nhiêu chăng nữa mà Luật Hình sự bó chặt lại, không rõ ràng, không minh bạch thì không ai dám bỏ tiền làm ăn. Tôi chắc chắn như vậy, và đây là vận mệnh của đất nước”.
Trong một cuộc họp của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, diễn ra trước khi ông Vinh mãn nhiệm, ông nói đầy cảm xúc: “Một đất nước loay hoay mãi mà chỉ có mấy trăm nghìn doanh nghiệp, mà doanh nghiệp thì còm cõi, thì giàu làm sao được. Muốn giàu có thì phải phát triển được đội ngũ doanh nghiệp. Đấy là vấn đề tôi cực kỳ bức xúc”.
Kể từ khi khu vực doanh nghiệp tư nhân “được sống lại” nhờ vào Luật Doanh nghiệp số 13/1999/QH10, khu vực kinh tế này cứ mãi còm cõi. Theo nghiên cứu của chuyên gia thống kê Bùi Trinh, tỷ lệ đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế tư nhân là 11,1% năm 2012, chỉ tăng rất ít so với 10,9% năm 2011; 10,7% năm 2010; 10,5% năm 2009; 10,2% năm 2008; 9,9% năm 2007; 9% năm 2006 và 8,5% năm 2005. Những số liệu trên cho thấy, khu vực này vẫn còn rất nhỏ bé và yếu ớt cho đến hiện nay.
Song, vấn đề chính nằm ở chỗ khác đáng lo lắng hơn: số doanh nghiệp rút khỏi thị trường vẫn không ngừng tăng lên. Theo Báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam 2015 của VCCI, tổng cộng có đến 428.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể trong giai đoạn 2007 - 2015, tương đương 45,5% tổng số doanh nghiệp được thành lập kể từ khi có Luật Doanh nghiệp số 13/1999/QH10 đến nay (941.000 doanh nghiệp). Chỉ trong năm 2015, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là gần 81.000, tương đương 84% số thành lập mới là 94.754. Tỷ lệ này trong quý I năm nay cũng tương đương như vậy. Tốc độ tăng trưởng số doanh nghiệp giảm mạnh, chỉ còn 7,7%/năm trong giai đoạn 2012 - 2015, từ mức trung bình trên 20%/năm giai đoạn 2007 - 2011. Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung, đây là điều “hoàn toàn không bình thường” nếu so với tỷ lệ rút khỏi thị trường/thành lập mới chỉ vào khoảng 20 - 25% trong giai đoạn 2000 - 2006. Ông Cung nhận xét, số doanh nghiệp hoạt động đến nay (513.000) cũng chỉ tương đương với con số của gần 10 năm trước là điều cực kỳ đáng lo lắng.
Nỗ lực tiếp nối
Từ chỉ đạo vụ việc quán phở Xin chào, đến cuộc gặp giới doanh nghiệp tư nhân ngày 29/4, và đặc biệt là quyết tâm bãi bỏ điều kiện kinh doanh không phù hợp, Thủ tướng đã thể hiện một tinh thần dốc sức cho môi trường kinh doanh lành mạnh, an toàn. Đó là cuộc đấu tranh trong nội bộ bộ máy vì sự phát triển của người dân và doanh nghiệp.
Có muôn ngàn lý do để đổ lỗi cho thực trạng trên. Ông Bùi Quang Vinh kể lại, ông có người thân muốn thành lập doanh nghiệp và phải xin giấy phép chuyên ngành ở một bộ. Người này ngày nào cũng đến văn phòng bộ thì thấy hồ sơ chỉ loanh quanh ở cấp vụ, dù thủ tục đã xong xuôi mà không được trình lên cấp thứ trưởng. Lý do là vị thứ trưởng chỉ nhận công văn có... một ngày trong tuần. Nghe chuyện của người thân, nhưng ông Vinh – khi đó là Bộ trưởng đương nhiệm trong Chính phủ, phụ trách phát triển khu vực doanh nghiệp - cảm thấy bất lực. Ông nói: “Tôi là bộ trưởng cũng không giúp gì được. Chuyện hành hạ doanh nghiệp bây giờ quá kinh khủng”. Kể lại câu chuyện này tại một cuộc họp của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, ông nói: “Chuyện nhũng nhiễu không phải chỉ các địa phương đâu, các bộ kinh khủng lắm... Tôi ở trong cuộc tôi biết nhiều, nhưng nói ra thì họ bức xúc”.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Tổ phó Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, hiện có gần 7.000 điều kiện kinh doanh cài cắm trong các văn bản pháp luật từ luật, nghị định, thông tư, và kể cả các quyết định của chính quyền cấp xã. Theo Luật Đầu tư, các điều kiện đầu tư kinh doanh đã được ban hành trước ngày 1/7/2015 dưới hình thức Thông tư, Quyết định sẽ đương nhiên hết hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Đây thực sự là “cuộc chiến” của những người đang theo dõi thực thi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư với phần lớn hệ thống còn lại.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông kể: “Phải mất cả tháng trời chúng tôi mới đặt được lịch làm việc với các bộ để rà lại điều kiện kinh doanh, song khi đến làm việc thì nhiều bộ chỉ cử cán bộ cấp vụ làm việc nên không thống nhất được”.
Những khó khăn của ông Đông và đồng sự đã được tiếp nhận trong cuộc họp của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các bộ, ngành nhằm giải quyết các vướng mắc trong thực hiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đầu tuần này. Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 2 luật trên theo quy trình rút gọn (dùng một nghị định sửa nhiều nghị định), kiên quyết xong trước ngày 1/7/2016. Đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai xây dựng nghị định này. Điều này có nghĩa, theo ông Lộc, một nửa trong số 7.000 điều kiện kinh doanh trong các văn bản pháp luật dưới nghị định sẽ bị vô hiệu hóa đúng thời điểm mà Luật Đầu tư quy định.
Đây là một hành động rất quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mà ngay cả những người trong Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp cũng chưa nghĩ tới khi kiến nghị ông lùi thời hạn bãi bỏ các điều kiện kinh doanh được ban hành trái thẩm quyền hoặc không phù hợp với Luật Đầu tư kể từ sau 1/7/2015 đến thời hạn trước ngày 30/9/2016.
Từ chỉ đạo vụ việc quán phở Xin chào, đến cuộc gặp giới doanh nghiệp tư nhân ngày 29/4, và đặc biệt là quyết tâm bãi bỏ điều kiện kinh doanh không phù hợp, Thủ tướng đã thể hiện một tinh thần dốc sức cho môi trường kinh doanh lành mạnh, an toàn. Đó là cuộc đấu tranh trong nội bộ bộ máy vì sự phát triển của người dân và doanh nghiệp.