BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Chủ Nhật, 24/11/2024
Tình hình đầu tư
Dòng vốn FDI: Chất hơn với các FTA mới
Thứ Ba, 11/08/2015 11:28
Dòng vốn FDI: Chất hơn với các FTA mới

Việt Nam chuẩn bị tham gia một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) mới với mức độ cam kết mở rộng thị trường toàn diện hơn, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)... Theo dự báo của các chuyên gia, sẽ có một lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong thời gian tới để tận dụng cơ hội mở cửa thị trường.

Những dự án bánh vẽ

Đóng góp của khu vực đầu tư FDI vào nền kinh tế những năm qua khá rõ ràng. Trong đó, giá trị xuất khẩu khu vực FDI năm 2013 đạt 81,18 tỷ USD chiếm 61,42% tổng kim ngạch xuất khẩu; năm 2014 đạt 93,98 tỷ USD chiếm 62,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, khu vực FDI cũng tạo ra hàng triệu việc làm mỗi năm, riêng năm 2013 tạo ra khoảng 3,2 triệu việc làm.

Tuy nhiên những hạn chế trong chuyển giao công nghệ, tạo sức lan tỏa đã khiến nhiều người băn khoăn về hiệu quả của dòng vốn này. Bài học đã từng xảy ra trong thời gian không xa khi vốn FDI đổ mạnh vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản... gây ra tình trạng bong bóng vẫn còn nóng hổi.

Đã có rất nhiều dự án FDI quy mô đầu tư tỷ USD bị thu hồi vì nhiều lý do khác nhau. Thí dụ, Quảng Ngãi đang làm các thủ tục thu hồi dự án thép Guang Lian ở khu kinh tế Dung Quất. Dự án thép có vốn đầu tư đăng ký 3 tỷ USD này từng xin giảm vốn đầu tư xuống 2 tỷ USD vào tháng 3/2015.

Sau 9 năm cấp phép, đến nay hình hài về một nhà máy thép tỷ USD vẫn còn nằm trên giấy. Dự án này được cấp phép từ năm 2006, khởi đầu chỉ do Tập đoàn Tycoons (Đài Loan) đầu tư với số vốn đăng ký khoảng hơn 1 tỷ USD. Sau đó, Tập đoàn E-United (cũng của Đài Loan) hợp tác với Tycoons để thực hiện và nâng vốn dự án lên 3 tỷ USD.

TS. Phạm Hùng Tiến, Đại học Quốc gia Hà Nội: Trên thế giới, số lượng dự án được thực hiện đúng tiến độ không phải nhiều. Thông thường quy mô dự án càng lớn tỷ lệ chậm tiến độ càng cao. Do đó, việc các địa phương mạnh tay rút giấy chứng nhận đầu tư các dự án FDI rùa lúc này là hết sức cần thiết.

Đến đầu năm 2012, Tập đoàn thép JFE của Nhật Bản đã quyết định góp vốn cùng E-United nghiên cứu, tiếp tục triển khai dự án thép và nâng vốn lên 4,5 tỷ USD nhưng chưa được cấp phép chính thức. Song tháng 9/2014, JFE đã chính thức rút lui khỏi dự án thép Guang Lian sau một thời gian dài thăm dò, trì hoãn. Và khi Tycoons thừa nhận không có tiền để đầu tư dự án, tỉnh Quảng Ngãi đã phải làm thủ tục thu hồi dự án.

Những dự án bánh vẽ như thép Guang Lian chính là “điểm đen” trong suốt hơn 25 năm thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Song đáng tiếc, dự án Guang Lian lại không phải là trường hợp cá biệt. Trong số 11 dự án tỷ USD được cấp phép năm 2008, đến nay nhiều dự án đã bị rút giấy phép đầu tư do chậm trễ triển khai, như dự án Khu liên hiệp thép Cà Ná ở Ninh Thuận (9,8 tỷ USD); dự án Công viên phần mềm Thủ Thiêm, TP. HCM (1,2 tỷ USD); dự án Khu công viên văn hóa thế giới kỳ diệu của Công ty TNHH Good Choice USA - Việt Nam (1,3 tỷ USD)...

Tiếp đó, năm 2009, có 3 dự án tỷ USD được cấp phép là dự án Khu du lịch sinh thái bãi biển rồng tại Quảng Nam (4,15 tỷ USD); dự án của Công ty TNHH Thành phố mới Nhơn Trạch Berjaya tại Đồng Nai (2 tỷ USD) và dự án Công ty TNHH Một thành viên Galileo Investment Group Việt Nam (1,68 tỷ USD). Thế nhưng cả 3 dự án này cũng bị rút giấy chứng nhận đầu tư do quá thời hạn 12 tháng mà không triển khai. Chắc hẳn, danh sách các dự án FDI siêu khủng nhưng triển khai với tốc độ rùa bò vẫn chưa dừng lại.

Làn sóng FDI thế hệ mới

Sau những đợt sóng FDI đổ vào lĩnh vực công nghiệp nặng, bất động sản gây nhiều thất vọng, một làn sóng FDI mới đã cập bến Việt Nam với chất lượng cao hơn. Đó là sự hiện diện của những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, Nokia, LG, Microsoft… Trái với dòng vốn tỷ USD trước đó, dòng vốn tỷ USD mới này đã được giải ngân và đi vào hoạt động.

Trong đó, Samsung nổi lên là nhà đầu tư số 1 ở Việt Nam cả về lượng vốn đầu tư cũng như kim ngạch xuất nhập khẩu. Samsung bắt đầu triển khai hoạt động tại Việt Nam từ tháng 1-1995 với dự án đầu tiên là Công ty Điện tử Samsung Vina. Mới đây nhất Samsung đã thành công với 2 dự án chuyên sản xuất thiết bị di động và linh kiện, gồm khu tổ hợp Samsung Bắc Ninh (SEV) và Samsung Thái Nguyên (SEVT) với tổng vốn đầu tư 7,5 tỷ USD.

Ngoài việc đưa Việt Nam in đậm trên bản đồ công nghệ thế giới, các dự án FDI thế hệ mới đã đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm trực tiếp cho hơn 100.000 lao động. Năm 2013 Samsung xuất khẩu 23 tỷ USD; năm 2014 nâng lên 26,3 tỷ USD, chiếm 17,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Dự báo năm 2015, Samsung có thể xuất khẩu 30-32 tỷ USD. Ông Han Myoungsup, Tổng giám đốc Samsung Electronics Việt Nam, đã bày tỏ mong muốn trở thành “một doanh nghiệp quốc dân thực sự của Việt Nam”.

Ông Han Myoungsup cho biết: 'Chúng tôi không chỉ sản xuất ra các sản phẩm tại Việt Nam, mà còn đóng góp vào công cuộc phát triển của đất nước Việt Nam. Chúng tôi đã tổ chức nhiều buổi triển lãm linh phụ kiện, thu hút sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp về vấn đề tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung. Đây là đóng góp của Samsung cho sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam.

TS. Nguyễn Chiến Thắng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Một thị trường thương mại tự do rộng lớn hơn nhờ không gian FTA được mở rộng sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam trở thành tụ điểm đầu tư. Theo đó nhà đầu tư sẽ vào Việt Nam thiết lập các trung tâm sản xuất mang tính toàn cầu như mô hình của Samsung hiện nay và xuất khẩu hàng hóa đi các thị trường thuộc không gian đối tác FTA.

Ở khu vực phía Bắc, số lượng nhân lực Samsung đã tuyển dụng hơn 100.000 người. Chính những con người này đã tạo ra những sản phẩm đỉnh cao của Samsung. Đó là những hoạt động để thực hiện mục tiêu trở thành doanh nghiệp quốc dân thực sự của Việt Nam'.

Nhiều chuyên gia đã nhận định Việt Nam có thể trở thành công xưởng mới của châu Á. Song đến nay thu hút FDI vẫn bị đánh giá chưa như mong đợi vì giá trị gia tăng đem lại cho nền kinh tế chưa nhiều. TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nêu quan điểm, việc các doanh nghiệp FDI chọn Việt Nam là điểm đến là tốt.

Tuy nhiên Việt Nam cố gắng thu hút được những dự án đầu tư có hiệu quả cao, hoặc ít nhất không gây hại lâu dài cho kinh tế, môi trường và an ninh quốc gia của Việt Nam. Nếu dòng vốn FDI đầu tư vào những khu vực, ngành và địa điểm có thể gây ra nhiều rủi ro cho nền kinh tế, cho an ninh của đất nước, chúng ta cũng không nên bằng mọi giá mời chào.

Trong dài hạn, mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành một công xưởng mới của ASEAN là có thể. Điều quan trọng là công xưởng ấy phải tạo ra tác động tốt đối với nền kinh tế Việt Nam, nâng cao sức cạnh tranh và vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Do vậy, vấn đề thu hút FDI hiện nay cần có sự cân nhắc kỹ càng, không nên dễ dãi như trước.

Sức hút từ các FTA

Chủ trương sàng lọc, tiếp nhận dòng vốn FDI chất lượng cao hơn đã được Chính phủ quán triệt và triển khai trong thực tế. Chẳng hạn Đà Nẵng đã từ chối những dự án FDI có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với sự phát triển bền vững. Trong 7 tháng đầu năm, dòng vốn FDI vào Việt Nam đang có dấu hiệu suy giảm.

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), cho thấy tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm trong 7 tháng 8,8 tỷ USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái do vốn FDI tăng thêm giảm mạnh. Cụ thể 7 tháng năm, vốn FDI tăng thêm chỉ đạt 1,8 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tín hiệu đáng mừng là trong bối cảnh vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm giảm, vốn FDI giải ngân trong 7 tháng ước đạt 7,4 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. TS. Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Chính sách vĩ mô (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương) đánh giá, thực trạng vốn đăng ký mới giảm nhưng vốn giải ngân FDI tăng so với cùng kỳ 2014 cho thấy những nhà đầu tư đã quen và hiểu môi trường kinh doanh của Việt Nam, nên tự tin mở rộng đầu tư.

Vốn thực hiện tăng chứng minh cho điều đó. Nguyên nhân khiến vốn FDI cấp mới và tăng thêm giảm do các nhà đầu tư FDI thường hướng tới thị trường xuất khẩu. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới thời gian qua có nhiều khó khăn, các nhà đầu tư lựa chọn rất kỹ khi đầu tư vào Việt Nam.

“Họ phải tính toán đến cơ hội xuất khẩu trong tương lai. Khi những thị trường xuất khẩu phải đối mặt với nhiều khó khăn như bất ổn kinh tế Trung Quốc, EU… các nhà đầu tư sẽ không vội vàng đầu tư dự án mới' - TS. Anh nói.

Những thỏa thuận FTA thế hệ mới đòi hỏi Việt Nam cam kết với các đối tác tự do hóa nhiều hơn trên các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư và tuân thủ chặt chẽ hơn các quy định quốc tế về sở hữu trí tuệ. Điều này sẽ thúc đẩy luồng vốn FDI vào các lĩnh vực dịch vụ, lĩnh vực công nghệ cao, góp phần nâng cao chất lượng đầu tư FDI.

Với cam kết về thương mại hàng hóa trong đó mở rộng hơn tiếp cận thị trường tại các nước đối tác FTA đối với hàng hóa của Việt Nam cùng quy định về quy tắc xuất xứ, sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư FDI đầu tư chiều sâu vào thị trường Việt Nam  để được hưởng thuế suất ưu đãi của FTA.

Theo Sài Gòn đầu tư

Số lượt đọc: 352
Thông báo