BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 20/01/2025
Xúc tiến đầu tư
Đánh thức tiềm năng Tây Bắc
Thứ Hai, 27/10/2014 02:24
Đánh thức tiềm năng Tây Bắc

(DĐDN) - Tây Bắc hiện nay vẫn là vùng đặc biệt khó khăn về mọi mặt, với tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước ở mức 29,5%. Phải làm gì để thu hút đầu tư vào những ngành tiềm năng, lợi thế như nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu đang là những câu hỏi đặt ra với 14 tỉnh tại khu vực này.

Việc xây dựng Bộ cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành là một yêu cầu quan trọng nhằm cung cấp thông tin đa lớp, tin cậy phục vụ cho việc triển khai xây dựng, điều chỉnh chủ trương, chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển KT-XH vùng Tây Bắc một cách bền vững.

Cụ thể hóa từng chỉ tiêu

'Xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành và phân tích chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc' là một hợp phần dự án đang được Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) chủ trì triển khai. Đây là một nội dung quan trọng của Chương trình 'Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc' giai đoạn 2013-2018 mà Chính phủ giao cho ĐHQGHN chủ trì.

Theo đó, các chuyên gia của ĐHQGHN đang tiến hành xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành theo 14 lĩnh vực như: chỉ tiêu về kinh tế, chỉ tiêu về văn hóa, dân cư, dân tộc, nguồn nhân lực… Nhóm chuyên gia đề xuất bổ sung một số các thông tin như: vị trí các khu công nghiệp, khu chế xuất; vị trí cửa khẩu; các địa điểm du lịch; thông tin về các cơ sở y tế, giáo dục… Đây là những thông tin quan trọng đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, khi nghiên cứu các cơ sở dữ liệu phát triển Tây Bắc cần xác định rõ từng mục tiêu cụ thể. Trong khung cấu trúc dữ liệu cần lựa chọn những lĩnh vực tiềm năng nhất để có đánh giá và nghiên cứu mang lại hiệu quả xác thực. Phát triển bền vững vùng Tây Bắc có nhiều vấn đề, lĩnh vực nếu không lựa chọn, xác định thứ tự ưu tiên từng mục tiêu mà nghiên cứu chung sẽ không đủ nguồn lực.

Đầu tư nguồn lực

Khi chưa có thông tin một cách đầy đủ và bài bản, nhiều tiềm năng và lợi thế của Tây Bắc vẫn đang ngủ yên.

Dưới góc độ một địa phương thụ hưởng chương trình, ông Trần Thanh Hà - Chánh văn phòng UBND tỉnh Điện Biên đề xuất, cần tìm hiểu về giải pháp phát triển theo hướng liên kết các tỉnh có thế mạnh. Ví dụ như về phát triển rừng cần tập trung thu hút đầu tư chế biến lâm sản, giúp người dân sống được bằng nghề rừng. Bên cạnh đó, Tây Bắc có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và lịch sử. Tính đến nay, du lịch các khu di tích lịch sử vẫn do các DNNN, hoặc đơn vị công lập đảm nhận. Từ những dữ liệu cụ thể, chúng ta có thể đề xuất các chính sách khuyến khích xã hội hóa để các DN dân doanh cùng được tham gia…

Một số ý kiến băn khoăn, bộ cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành là một cấu phần quan trọng nhằm cung cấp thông tin đa lớp, tin cậy phục vụ cho triển khai xây dựng, điều chỉnh chủ trương, chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển KT-XH vùng Tây Bắc một cách bền vững. Tuy nhiên, chương trình cần đầu tư nguồn lực để có nguyên liệu đầu vào cho bộ dữ liệu, sao cho các thông tin phải cập nhật và chính xác. Ông Nông Văn Trí – Phó chủ tịch tỉnh Bắc Cạn đưa ra ví dụ: Tỉnh Sơn La là địa phương có diện tích trồng ngô đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, từ lãnh đạo tỉnh đến các nhà DN, nhà hoạch định chính sách đều không nắm rõ diện tích trồng ngô của tỉnh này hiện chính xác là bao nhiêu?

Bên cạnh đó, bộ cơ sở dữ liệu cũng phải là những tài liệu dễ tiếp cận để từ DN đến nhà quản lý đều có thể hiểu và áp dụng một cách dễ dàng. Theo ông Bùi Văn Tuân – Giám đốc Sở Nội vụ Hà Giang, rất nhiều cán bộ tại các địa phương của Hà Giang là dân tộc thiểu số có trình độ không đồng đều. Nếu bộ dự liệu không đơn giản và dễ hiểu thì sẽ không mang lại hiệu quả đối với địa phương.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc:

Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc cần phải đảm bảo tính thiết thực, khả thi, hiệu quả, cung cấp luận cứ và giải pháp khoa học nhằm góp phần giải quyết trực tiếp các vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn phát triển bền vững ở vùng Tây Bắc. Trước hết là chương trình phục vụ mục tiêu xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào của 14 tỉnh trên.

Chương trình phải đưa ra được các sản phẩm áp dụng cho từng tỉnh và cả vùng nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH. Kết quả của từng đề tài, từng dự án phải trả lời bằng được câu hỏi: đóng góp được gì để giúp Tây Bắc phát triển bền vững, đời sống của đồng bào các dân tộc được cải thiện, quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc hơn.

                                                                                                                                                         http://dddn.com.vn/
Số lượt đọc: 1656
Thông báo