BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Bảy, 04/01/2025
Xúc tiến đầu tư
Thừa Thiên-Huế đẩy mạnh thu hút đầu tư
Thứ Tư, 06/07/2016 10:32
Thừa Thiên-Huế đẩy mạnh thu hút đầu tư

Thừa Thiên-Huế có địa hình tự nhiên đa dạng, phong phú, nhiều danh thắng nổi tiếng, nhưng để trở thành trung tâm du lịch của miền Trung, tỉnh cần có thêm sản phẩm du lịch mới và hoàn thiện các cơ chế chính sách.

Tiềm năng đặc biệt, nhưng chưa nhiều sản phẩm du lịch

Tại buổi tọa đàm giới thiệu tiềm năng đầu tư phát triển du lịch Thừa Thiên-Huế do UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với BIDV tổ chức ngày 5/7 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, tỉnh có địa hình tự nhiên đa dạng, phong phú; có nhiều danh thắng nổi tiếng như vịnh Lăng Cô, Vườn quốc gia Bạch Mã; có 5 di sản nhân loại được UNESCO công nhận, cùng nhiều di tích lịch sử, văn hóa khác gắn liền với hơn 500 lễ hội.

Với các điều kiện đó, Thừa Thiên-Huế có điều kiện phát triển đa dạng các ngành kinh tế, mở rộng giao lưu kinh tế với các địa phương trong nước và quốc tế.

Bên cạnh những lợi thế tự nhiên sẵn có, tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng cam kết sẽ có cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt dành cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào địa phương.

Để thu hút đầu tư, tỉnh đã ban hành Danh mục dự án kêu gọi đầu tư năm 2016-2020 bao gồm 30 dự án thương mại, du lịch, công nghiệp chế biến, đầu tư cơ sở hạ tầng với tổng số vốn khoảng 70.000 tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án trọng điểm, quy mô đầu tư lớn, tính khả thi cao, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch như xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng ven biển, sân golf, khu đô thị An Vân Dương, khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô…

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận xét, dù Thừa Thiên-Huế có vị trí đặc biệt không thể thay thế trên bản đồ du lịch, nhưng so với các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Phú Quốc… thì tốc độ phát triển của tỉnh là khá chậm và giờ bị tụt lại, do chưa đủ năng động.

Địa phương này vẫn đang dựa quá nhiều vào di sản văn hóa cố đô Huế, mà chưa tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới. Các sản phẩm như du lịch nghỉ dưỡng biển, nghỉ dưỡng núi, khám phá hệ sinh thái (ví dụ của khu Bạch Mã) chưa phong phú.

Các dự án du lịch ở Huế chủ yếu ở mức vừa và nhỏ, khách sạn phân khúc thấp nhiều, trong nội thành mới khoảng hơn 600 phòng tiêu chuẩn 5 sao.

Năng động sáng tạo hơn trong cách thức thu hút

Lãnh đạo ngành du lịch khuyến nghị Thừa Thiên-Huế cần phát triển mạnh các phòng khách sạn tiêu chuẩn, đi đôi với thu hút khách du lịch phân khúc cao, không nên cạnh tranh bằng hạ giá. Ông Nguyễn Anh Tuấn dẫn chứng: Phòng tiêu chuẩn 5 sao các địa phương khác rất nhiều. Chẳng hạn Đà Nẵng có khoảng 6.000 phòng, Nha Trang khoảng 4.000 phòng, Phú Quốc có khoảng 3.500 phòng và đang tiếp tục tăng mạnh.

Ngoài ra, tỉnh cần tính đến các sản phẩm du lịch mới, thích hợp khí hậu đặc thù. Ví dụ, Huế có mùa đông, mưa kéo dài, có thể phát triển các sản phẩm gắn với đặc điểm này.

Với mong muốn là cầu nối giữa các nhà đầu tư, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV đã đưa ra một số đề xuất với UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế nhằm tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư, trong đó có việc nâng cao nhận thức về phát triển du lịch bền vững, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch mới đáp ứng nhu cầu khách du lịch quốc tế và phân khúc cao cấp; xây dựng các tour du lịch đặt trong không gian du lịch miền Trung.

Bên cạnh đó Thừa Thiên-Huế cần đẩy mạnh cải cách hành chính trong cấp phép đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, thuế, xây dựng, giao thông vận tải…

Trong bối cảnh các địa phương cạnh tranh nhau trong thu hút doanh nghiệp ngày một nhiều, việc cung cấp “đất sạch” đủ và kịp tiến độ triển khai sẽ là lợi thế lớn thu hút quan tâm của nhà đầu tư.

Ông Trần Bắc Hà khẳng định, là đơn vị đầu mối phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, BIDV sẽ cân nhắc khả năng tài trợ 5.000 tỷ đồng vốn tín dụng để hỗ trợ cho tỉnh phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực, ngành nghề có tiềm năng của tỉnh, gồm du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng và nông nghiệp công nghệ cao.

Đại diện các doanh nghiệp cũng có nhiều ý kiến giúp Huế cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn. Cụ thể, đại diện Tập đoàn FLC dẫn chứng, tại các địa phương tiên phong, năng động, thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư rất nhanh gọn, đôi khi chỉ cần một ngày (ở Bình Định). Hay tại Quảng Ninh, tinh thần hỗ trợ nhà đầu tư không chỉ ở cấp lãnh đạo, mà được quán triệt từ trên xuống dưới tận các chuyên viên làm nghiệp vụ, giải quyết rất nhanh gọn, nhiều việc chỉ cần trao đổi qua điện thoại.

Có cùng quan điểm, đại diện Tập đoàn Vingroup cho rằng, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế rất nhiệt tình và có nhiều nỗ lực, thậm chí thành lập tổ công tác riêng hỗ trợ các dự án đầu tư của doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn phải là biến chuyển, năng động đồng bộ của tất cả các sở, ngành, địa phương, có cơ chế làm việc vận hành hiệu quả thường xuyên, chứ nếu chỉ dựa vào việc lập tổ công tác riêng thì khi có nhiều doanh nghiệp cùng đầu tư sẽ không thể làm xuể”, đại diện Vingroup góp ý.  

Hội nghị Xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế năm 2016 dự kiến sẽ diễn ra ngày 8/8/2016, tại thành phố Huế.

Đây là lần đầu tiên tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp ngân hàng BIDV tổ chức sự kiện quảng có quy mô lớn, với sự tham dự của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ban ngành Trung ương, các chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư.

Tại đây, chính quyền địa phương và các đại biểu sẽ cùng thảo luận, tìm giải pháp, sửa đổi cơ chế chính sách, trực tiếp kết nối với các doanh nghiệp để đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tại Thừa Thiên-Huế.

Số lượt đọc: 3386
Thông báo