BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Sáu, 06/12/2024
Đầu tư ra nước ngoài
Thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại Viêt Nam và Campuchia lên tầm cao mới
Thứ Năm, 23/12/2021 11:13
Thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại Viêt Nam và Campuchia lên tầm cao mới

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Vương Quốc Campuchia, trưa ngày 22 tháng 12 năm 2021, tại Phnôm Pênh, Thủ đô của Campuchia, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn cấp cao của Việt Nam đã có cuộc gặp mặt thân mật với các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Khơme gốc Việt Nam tại Campuchia để cổ vũ, động viên và chỉ đạo về định hướng hợp tác đầu tư với Campuchia trong thời gian tới.

Cuộc gặp mặt này do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia và Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia phối hợp tổ chức.

Phát biểu khai mạc cuộc gặp, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đây là dịp quan trọng để các doanh nghiệp báo cáo với đồng chí Chủ tịch nước, Đoàn cấp cao và các đại biểu về kết quả hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Campuchia thời gian qua và kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng cường hợp tác đầu tư có hiệu quả giữa hai nước trong thời gian tới.

Đồng thời, trong cuộc gặp mặt thân mật ngày hôm nay với công đồng doanh nghiệp, Chủ tịch nước đã có bài phát biểu quan trọng động viên các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Khmer gốc Việt Nam tại Campuchia; đồng thời chỉ đạo về định hướng hợp tác đầu tư với Campuchia trong thời gian tới. Nội dung chỉ đạo của Chủ tịch nước sẽ là cơ sở quan trọng để các Bộ, ngành, địa phương doanh nghiệp Việt Nam triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc gặp mặt thân mật nêu trên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, vui mừng thấy rằng qua báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia và các ý kiến phát biểu hôm nay đã cho thấy sự lạc quan, triển vọng trong hợp tác hợp tác đầu tư, thương mại hai nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc gặp mặt thân mật với các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Khơme gốc Việt Nam tại Campuchia

Nhiều dự án của các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh tốt, đóng góp tích cực cho kinh tế - xã hội Campuchia, như viễn thông; ngân hàng; trồng, chế biến cao su; sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm, sữa…. Đồng thời tạo việc làm cho hàng vạn lao động, giúp nâng cao năng suất lao động, tạo thu nhập, cải thiện đời sống, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Campuchia, tài trợ cho các cộng đồng gần 100 triệu USD để xây dựng trường học, bệnh xá, đường, nhà tái định cư cho người dân vùng dự án…

Chủ tịch nước đã biểu biểu dương và đánh giá cao sự cố gắng và những kết quả tích cực, đóng góp vào quá trình xây dựng mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa Việt Nam và Campuchia. Đồng thời Chủ tịch nước cũng đề nghị các cơ quan Bộ, ngành, địa phương Việt Nam nắm sát tình hình khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, có giải pháp hỗ trợ tháo gỡ kịp thời vướng mắc, nhất là một số dự án đầu tư quy mô lớn tại Campuchia. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần nghiêm túc rút kinh nghiệm về những thiếu sót chủ quan trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Campuchia.

Cũng tại cuộc gặp mặt lần này, Chủ tịch nước đã chỉ đạo và gợi mở một số định hướng lớn trong hợp tác đầu tư, thương mại với Campuchia trong thời gian tới, Cụ thể là:

- Thứ nhất, Nhà nước ta luôn tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh sang Campuchia. Chính phủ đã ban hành chính sách khuyến khích phát triển kinh tế đối ngoại vùng biên giới Việt Nam - Campuchia, trong đó có các ưu đãi và hỗ đầu tư vào Campuchia. Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực từ 01/01/2021 với các cải cách đơn giản và thông thoáng hơn… Do vậy, các Bộ, ngành, địa phương, nhất là các địa phương có chung đường biên giới với Campuchia phải thường xuyên rà soát, hỗ trợ và thúc đẩy gia tăng các hoạt động đầu tư sang Camuchia trong thời gian tới. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư sang Lào, Campuchia; Bộ Tư pháp rà soát các vấn đề pháp lý nhằm bảo hộ công dân, bảo hộ tài sản hợp pháp của công dân, doanh nghiệp để các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm khi đầu tư, kinh doanh tại Campuchia….

- Thứ hai, đẩy mạnh và phát huy hơn nữa cơ chế hợp tác song phương như Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Campuchia, trong đó ưu tiên hợp tác về kinh tế. Hai bên tích cực đẩy nhanh việc thực hiện Khung thỏa thuận về kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Campuchia 2030; hoàn thành Đề án “Xây dựng quy hoạch kết nối hai nền kinh tế đến 2030 trong năm 2022”.

- Thứ ba, duy trì thường xuyên cơ chế đối thoại giữa các cơ quan của Chính phủ hai nước nhằm phát triển đầu tư về năng lượng; thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; trồng và chế biến nông lâm sản công nghệ cao cho xuất khẩu, viễn thông, hạ tầng, du lịch, thương mại, tài chính, ngân hàng, logistics...

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không chỉ là chủ thể của tiến trình hợp tác, mà cần đóng vai trò chủ động khởi xướng các ý tưởng mới, tạo động lực mới trong thương mại và đầu tư, làm phong phú hơn mối quan hệ tốt đẹp hai nước.

- Thứ tư, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam phải tập trung nguồn lực đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng dự án như đã cam kết; chấp hành pháp luật của hai nước. Đồng thời, luôn nêu cao trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng, tạo việc làm, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, nhất là cho đồng bào Khơme gốc Việt Nam và giữ gìn hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam, là điển hình tốt nhất trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Campuchia.

- Thứ năm, Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia cần phát huy tốt hơn vai trò cầu nối, phản ánh kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đồng thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn hỗ trợ thực hiện dự án hiệu quả.

Kết thúc cuộc gặp, Chủ tịch nước và Đoàn cấp cao đã chứng kiến lễ trao hai văn kiện liên quan đến doanh nghiệp. Cụ thể là Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài điều chỉnh cho Công ty TNHH Đông Pênh với dự án trồng cây chối già Nam Mỹ, với số vốn đầu tư ra nước ngoài 124,3 triệu USD, trong đó vốn điều chỉnh tăng thêm 89 triệu USD; quy mô dự án la 7.376 ha tại Campuchia; Thỏa thuận hạn mức tín dụng giữa Công ty TNHH Viettel Campuchia  (mạng viễn thông Metfone) và Chi nhánh Ngân hàng cổ phần quân đội (MB) tại Campuchia trị giá 100 triệu USD năm 2022 và Biên bản ghi nhớ hợp tác tín dụng 500 triệu USD cho giai đoạn 2022-2026.

Về đầu tư của Việt Nam tại Campuchia: Đến nay, là khoảng 2,85 tỷ USD, trong đó, riêng 11 tháng đầu năm 2021, đã ghi nhận vốn đầu tư đăng ký sang Campuchia đạt 89,3 triêu USD, tăng 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Hiện các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào 15 ngành, lĩnh vực tại 17/25 tỉnh, thành phố của Campuchia.

Về thương mại, kim ngạch 2020, vẫn tăng nhẹ đạt 5,35 tỷ USD. Trong 10 tháng 2021, dù bị dịch Covid-19, thương mại đạt mức 7,87 tỷ USD, tăng 87,5%. Hai bên đã đạt mức cân bằng về xuất nhập khẩu, với nhiều mặt hàng Campuchia đã tăng mạnh xuất sang Việt Nam, như hạt điều, cao su… để làm nguyên liệu chế biến, tiếp tục xuất đi nước thứ ba. Kết quả ấn tượng nêu trên có đóng góp quan trọng từ các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia, qua đó hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai nước đạt mốc 10 tỷ USD trong tương lai gần. /.

Số lượt đọc: 4647
Thông báo