Vì Covid-19, đình trệ nhiều dự án
Tháng thứ hai liên tiếp, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm. Con số vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong 10 tháng, giải ngân vốn FDI chỉ đạt 15,15 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ. Mức giảm này cao hơn so với mức giảm của thời điểm này tháng trước (9 tháng, vốn FDI thực hiện chỉ giảm 3,5% so với cùng kỳ).
Không quá khó lý giải vì sao giải ngân vốn FDI giảm như vậy. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp buộc nhiều địa phương phải giãn cách xã hội kéo dài, cộng thêm các biện pháp hạn chế đi lại, khiến nhiều chuyên gia của các dự án không thể tới Việt Nam làm việc đã làm cho nhiều dự án bị đình trệ, không thể giải ngân.
“Dự án 1,3 tỷ USD của chúng tôi đã giải ngân được 1,2 tỷ USD, nhưng vì Covid-19, nên thủ tục xin phép nhập cảnh rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Việc này ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng và gây phát sinh nhiều chi phí khác cho Công ty”, đại diện của Công ty TNHH Hóa chất Hyosung Vina cho biết.
Doanh nghiệp này đang triển khai xây dựng Dự án Nhà máy Sản xuất Polypropylene (PP) và Kho ngầm chứa chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại KCN Cái Mép (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Trong khi đó, Công ty Polytex Far Eastern Việt Nam, trực thuộc Tập đoàn Far Eastern cho biết, kể từ khi nhận giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2015, với tổng vốn đầu tư 274 triệu USD, Công ty đã liên tục tăng vốn đầu tư. Gần đây nhất, hồi tháng 5/2021, Công ty đã tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD, lên 1,37 tỷ USD.
Ngoài các dự án này, Tập đoàn mẹ Far Eastern cũng đã có 2 nhà máy may mặc ở Bình Dương, với vốn đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD.
Kế hoạch đầu tư rất lớn, nhưng vì dịch bệnh, ngay cả việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ của các cơ quan nhà nước cũng bị chậm lại, dẫn đến nhiều dự án của doanh nghiệp không thể triển khai, như dự án điện năng lượng mặt trời của Công ty.
“Chúng tôi đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị hướng dẫn từ các cơ quan chức năng, nhưng mãi vẫn chưa nhận được thông tin hướng dẫn”, vị đại diện của Far Eastern cho biết.
Dự án chậm thực hiện không chỉ ảnh hưởng đến vốn giải ngân, mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất - kinh doanh của Công ty.
Cùng chung tình cảnh, ông Hiroyoshi Masuoka, Tổng giám đốc 3 Khu công nghiệp Thăng Long tại Đông Anh (Hà Nội), Hưng Yên và Vĩnh Phúc cũng cho biết, vì dịch bệnh, kế hoạch mở rộng Khu công nghiệp Thăng Long II tại Hưng Yên đã chậm hơn 1 năm.
Dự án chậm giải ngân sẽ ảnh hưởng tới việc tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế trong năm nay cũng như những năm tiếp theo. Những năm gần đây, giải ngân vốn FDI thường ở mức cao và tăng khá mạnh, nên giảm so với cùng kỳ có lẽ chỉ xảy ra trong “năm Covid-19”.
Chính vì vậy, khá lạc quan, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, đại dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát; Chính phủ và các cơ quan chức năng cũng đã kịp thời vào cuộc, ban hành nhiều giải pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như các quy định, hướng dẫn thích ứng với tình hình mới của đại dịch. Nhờ vậy, các doanh nghiệp đã dần khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh, nên vốn đầu tư thực hiện sẽ cải thiện hơn trong những tháng cuối năm.
Trông chờ chuyển biến mới
Một thông tin tích cực được công bố những ngày gần đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chính thức khởi động Dự án Điện khí LNG ở Cẩm Phả (Quảng Ninh). Dự án này dự kiến có công suất 1.500 MW, với tổng vốn đầu tư gần 47.500 tỷ đồng (tương đương khoảng 2 tỷ USD) và do liên danh nhà đầu tư Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - Công ty cổ phần Cơ khí và Lắp máy Việt Nam cùng hai nhà đầu tư Nhật Bản Tokyo Gas - Marubeni triển khai.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đang trong xu hướng tích cực hơn. 10 tháng, tổng vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ.
Thông tin là tích cực trong bối cảnh thu hút đầu tư nước ngoài vẫn đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng thực tế, đây mới là sự “khởi động” công tác đầu tư cho dự án. Sẽ còn một thời gian khá dài để nhà đầu tư làm thủ tục đầu tư, triển khai dự án.
Theo kế hoạch được tỉnh Quảng Ninh đưa ra, công tác chuẩn bị đầu tư sẽ hoàn thành trong quý I/2022, thời gian đầu tư Dự án từ quý II/2022 đến quý II/2027, hoàn thành, đưa vào khai thác trong quý III/2027.
Trên thực tế, không dễ để các dự án sớm được đưa vào triển khai. Ngay như Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu, vốn đầu tư 4 tỷ USD, sau gần 2 năm được cấp chứng nhận đầu tư vẫn đang gặp nhiều vướng mắc.
Mới đây, UBND tỉnh Bạc Liêu đã có văn bản gửi Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ đề nghị xử lý vướng mắc cho dự án này. Tổ công tác đặc biệt cũng đã có các cuộc họp bàn nhằm tháo gỡ khó khăn cho Dự án, song cho đến nay, các phương án đưa ra chưa nhận được sự đồng thuận của các bên.
Trong khi đó, ngay cả các dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh kể từ đầu năm tới nay, bao gồm Dự án Điện LNG Long An, 3,1 tỷ USD; LD Display Hải Phòng, tăng vốn thêm 2,15 tỷ USD; Nhiệt điện Ô Môn II, 1,31 tỷ USD… chắc chắn chưa thể sớm “xuống tiền” giải ngân.
Ngoại trừ LG Display, rất sốt ruột với việc nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh để sớm triển khai dự án, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, thì hai dự án điện còn lại không dễ để triển khai. Lâu nay, với các dự án điện, khoảng cách từ lúc nhận chứng nhận đầu tư đến lúc khởi công xây dựng phải tính bằng năm, thậm chí là vài năm.
Tuy vậy, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, cộng với việc Chính phủ Việt Nam đã xác định “thích ứng linh hoạt” với dịch bệnh, giải ngân vốn FDI sẽ tích cực hơn trong thời gian tới.
Hơn thế nữa, thông tin cho biết, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đang trong xu hướng tích cực hơn. 10 tháng, tổng vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ. Tuy chỉ tăng nhẹ so với năm ngoái, song trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang căng thẳng, đây là con số tích cực, cho thấy dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang chảy vào Việt Nam.
Trong tổng số vốn nói trên, vốn đăng ký mới là trên 13 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ; vốn tăng thêm đạt trên 7,09 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ. Đây chính là “nguồn” để tới đây, giải ngân vốn FDI sẽ tăng trưởng trở lại.
Theo đánh giá của Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD), vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu nửa đầu năm 2021 phục hồi tốt hơn dự kiến, đạt 852 tỷ USD. Khi dòng vốn này phục hồi, càng có thêm cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần quan trọng tăng năng lực cho nền kinh tế và tạo nền tảng để kinh tế Việt Nam phục hồi trong giai đoạn 2022-2023.