BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 22/01/2025
Tin đầu tư
Thu hút đầu tư từ doanh nhân Việt kiều: Rào cản chính sách
Thứ Sáu, 28/03/2014 11:40
Thu hút đầu tư từ doanh nhân Việt kiều: Rào cản chính sách

Tổng số dự án mà các doanh nhân Việt kiều đầu tư tại VN những năm gần đây tăng liên tục, thế nhưng, mới chỉ có 2/3 dự án đạt hiệu quả mà nguyên nhân chính được xác định là do rào cản trong chính sách quá lớn

Theo thống kê của Bộ ngoại giao, trong những năm gần đây lượng kiều hối gửi về VN mỗi năm thường tăng khoảng 10-15%. Tính chung, kiều hối và đầu tư từ cộng đồng người VN ở nước ngoài mỗi năm đạt xấp xỉ 20 tỉ USD. Riêng hai quí đầu năm 2012, lượng kiều hối mà người Việt ở nước ngoài gửi về đã đạt trên 6 tỉ USD và lượng kiều hối cả năm 2011 là trên 9 tỉ USD. Đến nay, đã có trên 2.000 dự án được kiều bào đăng ký đầu tư tại VN, với tổng vốn xấp xỉ 6 tỉ USD và trên 60% có hiệu quả, được đánh giá cao.

Nản vì thủ tục hành chính

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Mỹ - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN VN ở nước ngoài, số tiền đầu tư về nước nếu so với tiềm năng của DN Việt kiều vẫn rất nhỏ bé. Ông Mỹ cho rằng, lý do chủ yếu nằm ở rào cản thủ tục hành chính và hệ thống luật pháp phức tạp. Nhiều nhà đầu tư nản lòng vì thủ tục hành chính phức tạp, nhiêu khê.

Việc áp dụng quy định đầu tư như nhà đầu tư nước ngoài khiến các DN kiều bào gặp hạn chế trong ngành nghề kinh doanh. Nhiều DN Việt kiều phải mượn danh nghĩa bạn bè, người thân trong nước để đầu tư, dẫn đến “tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp, không huy động được vốn đầu tư lớn. Ông Trần Văn Trường – doanh nhân Việt kiều tại Mỹ là một ví dụ. Sau hơn 25 năm định cư tại Mỹ, năm 2005, ông đã về tỉnh Đồng Tháp đầu tư mua 33 ngàn m2 đất để cải tạo nuôi cá tra xuất khẩu. Song do luật VN năm 2005 chưa cho phép người nước ngoài đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), nên ông Trường đã phải nhờ một số người quen đứng tên hộ. “Sau 6 năm bám trụ (đến 2011) tại địa phương, tôi thấy một số chính sách từ TƯ không được thực hiện một cách đầy đủ, đúng đắn tại địa phương, gây thiệt hại đến hoạt động của DN Việt kiều” - ông Trường thẳng thắn.

Ngoài ra, quy định chung chung về việc đặt tên cho DN đã dẫn đến tình trạng tùy tiện xử lý của các cơ quan đăng kí kinh doanh. Ông Hồ Phùng - Kiều bào Nhật Bản đã từng rất bức xúc: khi nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh Cty TNHH một thành viên Yuri, cán bộ Phòng đăng ký yêu cầu chứng minh trong từ điển có từ Yuri. Khi ông chứng minh được “Yuri có nghĩa là hoa Bách Hợp” thì cán bộ phòng vẫn không đồng ý vì “đó chỉ là từ điển trên mạng, nên không áp dụng”. Ông Hồ buộc phải chuyển sang tiếng Việt là Cty TNHH một thành viên Bách Hợp thì được hẹn 10 ngày sau trả lời. Đến hẹn, ông lại bị từ chối với lời giải thích: “tên Bách Hợp đã có người đăng ký”. “Trong khi website tôi đã đăng ký và hoạt động, nhưng do không xin được tên để thành lập DN, tôi đành phải rút hồ sơ lại. Cty không có thì website cũng không thể hoạt động”- ông Hồ lắc đầu ngao ngán.

Theo TS Ngô Quốc Trung - Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn dưỡng sinh Á Đông, hầu như VN chưa có chính sách hiệu quả về tiềm năng trí thức kiều bào. TS Trung đặt câu hỏi, tại sao nhiều trí thức VN được nhà nước cử đi học ở nước ngoài lại không trở về nước? Không phải họ không yêu nước mà là chúng ta chưa có cơ chế bắt buộc họ phải về phục vụ đất nước, và khi về nước họ cũng ít có điều kiện để phát huy được khả năng của mình...

Gỡ khó bằng việc thực hiện đúng luật   

“Nếu muốn doanh nhân VN ở nước ngoài đầu tư về VN, trước hết cần làm rõ: Chính phủ thấy gì và cần gì ở họ, họ có gì và họ được gì?” - Ông Đỗ Trác Bàng - Chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị Canada - VN chia sẻ.

Theo ông Bàng, đội ngũ doanh nhân VN ở nước ngoài có tiềm năng rất lớn, có thể đóng góp cho nước nhà như: kiến thức, kỹ năng, vốn liếng... nhưng Chính phủ lại chưa xác định rõ các lĩnh vực, thiếu định tính, định lượng, chưa điều tra xã hội học để hiểu rõ tiềm năng, khả năng của doanh nhân VN ở từng nước, từng khu vực để có hướng khai thác hợp lý.

Ông Bàng cũng đưa ra điểm yếu cố hữu rất đáng ngại trong tình hình kinh tế khó khăn, đó là tình trạng ăn xổi, khi người dân và DN chạy đua theo các làn sóng đầu tư chứng khoán, đầu tư bất động sản, lướt sóng vàng… Không ai quan tâm tạo ra giá trị mới từ sản phẩm, dịch vụ có tính sáng tạo và có ý nghĩa phát triển. Tuy nhiên, dù giá trị sản phẩm được ra từ đâu thì vấn đề cải cách bộ máy thủ tục hành chính theo hướng nhanh gọn, giản đơn vẫn là yêu cầu bức thiết nhất - ông Bàng nhấn mạnh.

Ông Trần Văn Trường - Việt kiều Mỹ, Giám đốc DN tư nhân Tân Trường Khanh kiến nghị, nhà nước VN cần tiếp tục ưu đãi từ chính sách tam nông, đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong chính sách pháp luật và thực sự tạo ra sự hấp dẫn để thu hút nguồn lực đầu tư từ hàng triệu người Việt ở các nước trên thế giới dồn về đầu tư và làm giàu cho nước nhà. Bên cạnh đó, việc luật hóa và cụ thể hóa quy định để cho DN được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để DN không phải nhờ người khác đứng tên hộ có thể giúp DN giảm phiền phức, thiệt hại như thời gian qua.

Một điểm đáng lưu ý được ông Trường nhấn mạnh đó là vấn đề vay vốn. Các tổ chức tín dụng cần công tâm, hỗ trợ đúng luật chứ không quay lại ép nhóm DN Việt kiều bằng con đường “lấy đất, lấy tài sản”, cần áp dụng biện pháp tín dụng theo đúng bản chất chính sách hỗ trợ như: Cho đáo hạn, khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất… Đừng đẩy chúng tôi vào thế phải chạy vạy, vay mượn các nguồn không chính thức hoặc các tổ chức tín dụng nước ngoài khi về đầu tư ngay trên quê hương mình - ông Trường tha thiết kiến nghị.

 

Ông Nguyễn Hải Nam - Chủ tịch Hội Doanh nhân VN tại Pháp: 
Cần thực hiện cơ chế “một cửa”

Tôi nhớ khoảng năm 2006, các doanh nhân kiều bào phải tự tìm đến thương vụ VN ở các nước để tìm hiểu thông tin về VN, cũng như cơ hội kinh doanh. Khoảng 3,4 năm trở lại đây, doanh nhân Việt kiều được mời về quê hương tham gia các hội nghị, hội thảo kêu gọi đầu tư vào các tỉnh, các lĩnh vực. Chúng tôi có thể dễ dàng hơn khi muốn tìm hiểu về VN nói chung, các dự án kêu gọi đầu tư, kinh doanh nói riêng. Nhưng những chính sách còn một số hạn chế và chưa đi vào thực tiễn; thủ tục hành chính còn kéo dài, rườm rà; các đầu mối không rõ ràng, không tổng thể; từ khi tìm hiểu đến xin giấy phép, thực hiện dự án và đưa dự án vào thực tiễn cuộc sống nhà đầu tư phải qua rất nhiều kênh, nhiều cửa.

Nói thật, kinh doanh thành công yếu tố thời gian vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, nhiều doanh nhân kiều bào ở mức vừa và nhỏ không dám về VN đầu tư cũng bởi hạn chế này. Theo tôi cần phải thực hiện cơ chế “một cửa”, cơ quan ấy có thể đáp ứng mọi nhu cầu về cung cấp thông tin, yêu cầu, thủ tục và giải quyết những khó khăn cho các doanh nhân Việt kiều.

Đứng ở cương vị là Chủ tịch hội doanh nhân VN tại Pháp, tôi thấy nếu Chính phủ có những hoạt động quảng bá về VN, đưa thông tin về các đầu mối thông tin để kiều bào có thể tìm hiểu về VN và các dự án đầu tư, kinh doanh. Ngoài ra, cần cập thông tin về các đoàn DN VN sang các nước thì sẽ khơi dậy được tinh thần về VN đầu tư hơn rất nhiều. Hiệp hội Doanh nhân VN tại Pháp rất mong trở thành cầu nối cho các DN Pháp, việt kiều, VN khi tham gia vào thị trường VN và Pháp. 

Ông Trần Việt Dũng - Doanh nhân Việt Kiều tại Hà Lan - GĐ Cty Tư vấn xây dựng Quốc tế Hanoi - Amsterrdam: Khơi dậy ý tưởng về VN kinh doanh

Việc thành lập Hiệp hội doanh nhân VN ở nước ngoài là một chủ trương đúng nhằm thúc đẩy tinh thần và khơi dậy ý tưởng về VN kinh doanh của kiều bào ta trên toàn thế giới. Qua đây, các doanh nhân kiều bào có thể tìm hiểu về VN, về các cơ hội đầu tư vào các tỉnh, thành phố; tìm hiểu được các chính sách của VN... Nhưng 3 năm qua Hiệp hội vẫn chưa có những hỗ trợ thiết thực, cụ thể đối với doanh nhân.

Theo tôi, hiệp hội cần phải có những hoạt động thường xuyên và cụ thể hơn để các hội viên có cơ hội kết nối, gắn kết với nhau hơn. Hiệp hội cần phải  hiểu được tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn mà các doanh nhân kiều bào gặp phải nhằm kiến nghị với Chính phủ để đưa ra các chính sách phù hợp cho từng thời kỳ; cập nhật và cung cấp thường xuyên những thông tin mà các hội viên cần, các thông tin của các thành viên trong hội. Bên cạnh đó, cần có các hoạt động thường xuyên để các hội viên có sự gắn kết với nhau nhằm chia sẻ và tìm được những cơ hội kinh doanh…

Nguyễn Ngọc Xuân - doanh nhân VN tại Nga - Giám đốc Cty CP Du lịch Quốc tế Kim Túc: 
Cụ thể hóa chính sách

Những năm gần đây Đảng và nhà nước VN đã có chủ trương thu hút các DN và kiều bào ta ở nước ngoài về đầu tư trong nước. Đây là một chủ trương đúng đắn và sáng suốt bởi tiềm lực kinh tế trong giới doanh nhân kiều bào còn rất lớn, họ là những người đại diện và tiếp thu những kiến thức tiên tiến nhất trong mọi lĩnh vực tại các quốc gia trên thế giới.

Để thu hút hơn nữa đầu tư của kiều bào, nhất là những DNVVN thì các chính sách của nhà nước cần phải rõ ràng và cụ thể hóa hơn nữa. Việc đưa hàng hóa VN đi ra thị trường quốc tế phải có tổ chức sản xuất có uy tín, đầu tư cho quảng bá thương hiệu cho hàng hóa VN . Việc này trong những năm gần đây chúng ta làm còn hời hợt, vẫn theo thói quen “ăn xổi ở thì”.

Muốn thu hút đầu tư chúng ta phải sửa đổi Luật DN  sao cho sát với Luật DN quốc tế. Ví dụ như : nắm trong tay 51% cổ phần trong một DN trở lên có quyền quyết định các vấn đề... Mặt khác phải đào tạo lực lượng lao động và giáo dục người lao động VN, tránh tình trạng ăn cắp, lười nhác và rủ nhau đình công cục bộ .

Hội doanh nhân VN tại nước ngoài tập trung được số đông những người kinh doanh thành đạt tại nước Nga. Hội viên của hội DN là những người VN yêu nước và có trách nhiệm với cộng đồng. Hội viên tham gia được hội cập nhật những thông tin của cả 2 nước Việt –Nga, được tham gia tất cả các hoạt động có ích cho cộng đồng và đất nước, được giao lưu thường xuyên với các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và nhà nước... Các hội viên trong hội được quảng cáo DN mình trong hội và cộng đồng và nhiều quyền lợi khác... 

Số lượt đọc: 591
Thông báo