BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Năm, 21/11/2024
Tin đầu tư
Tăng cường thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt Nam - Campuchia
Thứ Năm, 22/08/2019 09:13
Tăng cường thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt Nam - Campuchia

Ngày 21/8/2019 đã diễn ra Kỳ họp 17 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Cam-pu-chia về Hợp tác Kinh tế, Văn hóa, Khoa học và Kỹ thuật tại Thủ đô Phnôm Pênh, Cam-pu-chia dưới sự đồng chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Cam-pu-chia Prak Sokhonn. Tham dự Kỳ họp có lãnh đạo và quan chức cao cấp của nhiều cơ quan, bộ, ngành hai nước. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng tham dự Kỳ họp.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Prak Sokhonn bày tỏ cảm ơn chân thành, sâu sắc Nhân dân và quân tình nguyện Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ quốc tế, giúp Cam-pu-chia thoát khỏi chế độ diệt chủng cũng như tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ Cam-pu-chia trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Trên tinh thần hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau, hai bên đã trao đổi và thống nhất phương hướng và các biện pháp cụ thể nhằm giải quyết các vướng mắc, tăng hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực.
Tại Kỳ họp, hai bên nhất trí tạo thuận lợi hơn nữa cho hợp tác kinh tế, thương mại, tiếp tục củng cố và đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực an ninh - quốc phòng, phát triển hạ tầng giao thông vận tải, công nghiệp -mỏ - năng lượng, nông - lâm - ngư nghiệp, thông tin và truyền thông, y tế, lao động và các vấn đề xã hội, văn hóa - thể thao - du lịch, môi trường…
Trong khuôn khổ Kỳ họp này, hai bên đã thống nhất tăng cường rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị định thư sửa đổi Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Cam-pu-chia về Khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Kiện toàn lại Ủy ban hỗn hợp về đầu tư được thành lập năm 2010 giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Hội đồng phát triển Cam-pu-chia (CDC) về xúc tiến và hỗ trợ đầu tư giữa hai nước nhằm đánh giá về việc thực hiện các mục tiêu của Hiệp định này. Thúc đẩy triển khai thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Cam-pu-chia về Tránh đánh thuế hai lần, được ký kết năm 2018 tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước trong hợp tác đầu tư, kinh doanh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả nội dung Bản ghi nhớ về xúc tiến đầu tư ký kết năm 2009 giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Hội đồng Phát triển Cam-pu-chia. Hai bên nhất trí thúc đẩy trao đổi thông tin, hợp tác trong quá trình xây dựng chính sách nhằm tạo môi trường kinh doanh bền vững và minh bạch…
Phát biểu tại Kỳ họp, Phó Thủ tưởng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã ghi nhận kết quả hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Cam-pu-chia thời gian qua, đồng thời nêu ra một số khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp Việt Nam tại Cam-pu-chia và đề nghị Cam-pu-chia xem xét giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Cam-pu-chia.
Phát biểu tại Kỳ họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Vũ Đại Thắng cho biết, đầu tư của Việt Nam vào Cam-pu-chia 7 tháng đầu năm 2019 đạt 38,5 triệu USD, bằng mức vốn đăng ký của cả năm 2018. Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đề nghị phía Cam-pu-chia phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và các bộ, ngành liên quan của Việt Nam để triển khai thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các thỏa thuận hai bên đã ký kết liên quan đến đầu tư, thúc đẩy hợp tác để đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ việc xây dựng Quy hoạch tổng thể kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Cam-pu-chia đến năm 2030 nhằm thực hiện Khung thỏa thuận về kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Cam-pu-chia đến năm 2030 và xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch hành động Kết nối ba nền kinh tế Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam sẽ hoàn thành vào năm 2020. Rà soát quy hoạch tổng thể về phát triển Khu vực Tam giác phát triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam. Trong thời gian tới, hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm phát triển khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ của mỗi nước.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cũng đề nghị các cơ quan chức năng của Cam-pu-chia điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam, cung cấp thông tin và hướng dẫn kịp thời về các ưu đãi của Cam-pu-chia cho các nhà đầu tư nước ngoài để giúp tiếp tục phát triển và mở rộng kinh doanh tại Cam-pu-chia.
Toàn cảnh Kỳ họp
Cũng tại Kỳ họp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Cam-pu-chia Prak Sokhonn đã nghị nhận những kiến nghị của phía Việt Nam về những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải khi đầu tư, kinh doanh tại Cam-pu-chia để báo cáo Thủ tướng Chính phủ Cam-pu-chia chỉ đạo các bộ, ngành liên quan của Cam-pu-chia xem xét giải quyết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Tính đến nay, Cam-pu-chia có 21 dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 63,7 triệu USD, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, kinh doanh thương mại, vận tải kho bãi... Riêng 7 tháng đầu năm 2019, Cam-pu-chia đầu tư vào Việt Nam 02 dự án đầu tư mới và 7 lượt góp vốn mua cổ phần doanh nghiệp Việt Nam, với tổng vốn đăng ký là 3,2 triệu USD.
Việt Nam có 214 dự án đầu tư tại Cam-pu-chia, với tổng vốn đạt 3,2 tỷ USD, trong đó 177 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt gần 2,8 tỷ USD, đứng vị trí thứ 3 trong tổng số 76 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của Việt Nam (sau Lào 4,8 tỷ USD, Nga 2,8 tỷ USD). Việt Nam đứng vị trí thứ 5 trong đầu tư tại Cam-pu-chia (sau Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản). Riêng 7 tháng đầu năm 2019, có 4 dự án đầu tư mới và 4 dự án tăng vốn, với tổng vốn đăng ký đạt 38,5 triệu USD, tương đương vốn đăng ký cả năm 2018.
Hoạt động đầu tư của Việt Nam tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp với số vốn đăng ký là 2,1 tỷ USD (chiếm 69,1% tổng vốn đăng ký); lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm có vốn đăng ký là 370,1 triệu USD (chiếm 12%); lĩnh vực viễn thông có vốn đăng ký là 204,3 triệu USD (chiếm 6,6%). Số dự án còn lại thuộc các lĩnh vực hàng không, khoáng sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải kho bãi, thương mại, y tế, xây dựng, du lịch, khách sạn, bất động sản…
Đầu tư của Việt Nam đã có tại 18/24 tỉnh, thành phố của Cam-pu-chia, tập trung chủ yếu tại Thủ đô Phnôm Pênh, tỉnh Siem Reap và một số tỉnh giáp biên giới Việt Nam như: Ratanakiri, Krattie, Mondul Kiri, Svay rieng... Về tình hình thực hiện và hoạt động của các dự án, tính đến nay, vốn thực hiện đạt trên 1,5 tỷ USD, khoảng 50% vốn đăng ký. Nhiều dự án đã đi vào hoạt động, có doanh thu, lợi nhuận và nhà đầu tư đã thực hiện các nghĩa vụ tài chính với Chính phủ Cam-pu-chia, tạo ra việc làm ổn định cho hàng vạn lao động của Cam-pu-chia.
Ngoài ra, hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Cam-pu-chia thời gian qua cũng đã góp phần tăng thu ngân sách cho Chính phủ Cam-pu-chia, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cho phía bạn. Lũy kế đến nay, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đã nộp ngân sách cho Chính phủ Cam-pu-chia 24 triệu USD và hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng, thực hiện chính sách an sinh xã hội cho phía bạn khoảng 40 triệu USD; Hãng viễn thông Metfone là doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất cho Chính phủ Cam-pu-chia hiện nay, với số thuế lũy kế đến nay là 461 triệu USD và đóng góp an sinh xã hội đạt khoảng 77 triệu USD…
Kết thúc Kỳ họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Cam-pu-chia Prak Sokhonn đã ký Biên bản Thỏa thuận với các nội dung, chương trình hợp tác cụ thể trong 28 lĩnh vực. Hai bên tin tưởng Biên bản Thỏa thuận sẽ định hướng cho hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực giữa hai nước, góp phần đưa quan hệ Việt Nam - Cam-pu-chia không ngừng phát triển trong thời gian tới./


Số lượt đọc: 10605
Thông báo