BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Năm, 21/11/2024
Tin đầu tư
Dành ưu tiên cao nhất cho việc gìn giữ, phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào
Thứ Tư, 29/12/2021 03:23
Dành ưu tiên cao nhất cho việc gìn giữ, phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào

Chính sách nhất quán của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc gìn giữ, phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào, coi đó là tài sản vô giá, có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của mỗi nước.

Ngày 28/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Ủy hợp tác Việt Nam-Lào và Phó Chủ tịch Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam Viêng-sa-vẳn Vi-lay-phon đồng chủ trì cuộc họp cấp chuyên viên Ủy ban hợp tác (UBHT) hai nước.

Cuộc họp có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở để Chính phủ hai nước tổ chức thành công Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban liên Chính phủ (UBLCP) Việt Nam-Lào.

Theo đó, cần rà soát tình hình thực hiện Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Lào-Việt Nam năm 2021 trên cơ sở tham mưu cho Chính phủ hai nước định hướng hợp tác năm 2022.

Đồng thời rà soát, hoàn thiện 02 văn kiện của Kỳ họp 44 gồm: Biên bản Kỳ họp lần thứ 44 UBLCP Việt Nam-Lào và Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Việt Nam-Lào năm 2022 cùng với đó là xây dựng dự kiến về Chương trình hoạt động và chương trình nghị sự Kỳ họp 44.

Thông tin về tình hợp tác, đầu tư năm 2021, ông Viêng-sa-vẳn Vi-lay-phon cho biết, trong tình hình bùng phát của đại dịch Covid-19 đã trực tiếp gây thiệt hại và ảnh hưởng tới kết quả hợp tác giữa hai nước, việc thăm viếng qua lại giữa các đoàn đại biểu với nhau bị hạn chế, việc tổ chức triển khai Thỏa thuận giữa hai chính phủ năm 2021 không đạt mục tiêu đề ra, nhiều dự án không đi đúng tiến độ theo kế hoạch đã đề ra.

Năm 2021, Việt Nam đã giành sự giúp đỡ cho Lào để chống và kiểm soát sự bùng phát đại dịch Covid-19 là trên 6,3 triệu USD, bao gồm tiền mặt các trang thiết bị y tế phục vụ cho việc đối phó và kiểm soát dịch Covid-19.

Ngược lại, Lào đã khuyên góp và huy động từ cán bộ, nhân dân, các công ty Lào kể cả Hội việt kiều được 300 nghìn USD để ủng hộ Việt Nam chống và kiểm soát sự bùng phát của đại dịch Covid-19.

Trong hợp tác kinh tế, mặc dù sự bùng phát của đại dịch Covid-19, nhưng kim ngạch thương mại hai bên trong 11 tháng năm 2021 vẫn đạt trên 1,2 tỷ USD, tăng 33,81% so với cùng kỳ năm trước, dự tính cả năm ươc đạt trên 1,35 tỷ USD, tăng 30%.

Về đầu tư, bầu không khí đầu tư của Việt Nam và Lào đang chững lại, một số doanh nghiệp Việt Nam còn gặp khó khăn, không hoạt động liên tục. Mặc dù vậy, hai bên vẫn cố gắng, chủ động cùng nhau tìm kiếm cơ chế, giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy hợp tác của hai nước cho thuận lợi, linh hoạt, chia sẻ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động kinh doanh tại Lào.

Năm 2021, Lào đã cấp phép cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư 02 dự án về khoáng sản và 01 dự án về ngân hàng. Hai bên đã ký kết hợp đồng mua bán điện với tổng công suất  874 MW và quyết định giá mua bán điện với tổng công suất 1.514MW

Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, dưới sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao hai nước, nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, quan hệ đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả; việc thực hiện Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Việt Nam-Lào năm 2021 đã đạt được mục tiêu đề ra.

Trong đó, đáng ghi nhận có thể kể đến quan hệ chính trị-đối ngoại, sự gắn bó tin cậy tiếp tục được tăng cường. Lãnh đạo cấp cao thường xuyên trao đổi, phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề chiến lược, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc.

Hợp tác về quốc phòng, an ninh tiếp tục được thực hiện tốt; xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển toàn diện; thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin; phối hợp đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động; phòng chống các loại tội phạm xuyên quốc gia.

Hợp tác về kinh tế thương mại và đầu tư được quan tâm, thúc đẩy, đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Lào tiếp tục đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Lào, tạo việc làm cho nhiều người dân; nhiều dự án đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả tốt.

Hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải tiếp tục được đẩy mạnh, tập trung thúc đẩy triển khai các dự án trọng điểm như: Dự án đường cao tốc Viêng Chăn - Hà Nội, Dự án đường sắt Vũng Áng - Viêng Chăn,…

Hợp tác trong lĩnh vực đào tạo tiếp tục được ưu tiên. Hiện số lưu học sinh Lào có mặt học tập tại Việt Nam là hơn 14.000 người, hầu hết các cơ sở giáo dục Việt Nam đã tổ chức tiêm vaccine Covid-19 cho lưu học sinh Lào.

Hợp tác trong các lĩnh vực khác và giữa các Ban, Bộ, ngành, Ủy ban của Quốc hội, địa phương, đoàn thể và các tổ chức nhân dân tiếp tục được đẩy mạnh và thực hiện linh hoạt, hiệu quả và thiết thực.

Vốn viện trợ Việt Nam dành cho Lào tiếp tục được sử dụng tập trung; kế hoạch phân bổ đạt gần 100%; trong năm đã hoàn thành 03 chương trình, dự án. Đặc biệt, Công trình Nhà quốc hội Lào đã đưa vào sử dụng được hai bên đánh giá cao.

Hợp tác Việt Nam-Lào năm 2022  

Thứ trưởng Trần Quốc Phương kiến nghị, hợp tác Việt Nam-Lào trong năm 2022 cần tập trung vào những nội dung chính:

Một là, tiếp tục tăng cường quan hệ chính trị; nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác; triển khai thực hiện tốt nội dung tuyên bố chung và các thỏa thuận; tiếp tục tuyên truyền phổ biến, giáo dục về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam. Phối hợp tổ chức tốt các hoạt động “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào năm 2022” kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam năm 2022.

Hai là, hợp tác chặt chẽ giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của mỗi nước; ngăn chặn và xử lý kịp thời mọi hành động xâm phạm đường biên, mốc giới và vi phạm quy chế biên giới; phối hợp đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xuyên biên giới; tiếp tục làm tốt công tác duy tu bảo dưỡng, củng cố và phát huy vai trò của các bản, cụm bản phát triển toàn diện.

Ba là, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, tăng cường kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế: Rà soát, cải thiện, nâng cao môi trường kinh doanh, đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp; thúc đẩy kết nối, nâng cao tính bổ trợ giữa hai nền kinh tế; triển khai có hiệu quả cơ chế Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư; tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa Lãnh đạo Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.

Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các cơ chế ưu đãi thuế, thương mại; tăng cường mở rộng và đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại giữa hai Bên; tập trung thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt mức tăng ổn định 10% - 15%/năm; Tiếp tục thúc đẩy thực hiện Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển các dự án thủy điện tại Lào, đấu nối hệ thống điện và mua bán điện.

Bốn là, tiếp tục dành ưu tiên và thúc đẩy việc nâng cao chất lượng trong hợp tác giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục cử giáo viên sang giảng dạy tiếng Việt tại Lào.

Theo dự kiến, năm 2022, Chính phủ Việt Nam tiếp tục dành 1.100 suất học bổng cho cán bộ, học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam.

Năm là, nâng cao hiệu quả, tính thiết thực trong hợp tác giữa các Bộ, ngành, tổ chức, địa phương hai nước; khuyến khích các Bộ, ngành, tổ chức, địa phương và các doanh nghiệp hai Bên giúp đỡ lẫn nhau trên các lĩnh vực mà hai Bên có thế mạnh.

Sáu là, tiếp tục triển khai các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn viện trợ của Việt Nam dành cho Lào; thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án bị ảnh hưởng do Covid-19. Dự kiến năm 2022, Chính phủ Việt Nam tiếp tục viện trợ cho Chính phủ Lào 730 tỷ đồng.

“Tôi xin khẳng định chính sách nhất quán của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc gìn giữ, phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào, coi đó là tài sản vô giá, có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của mỗi nước”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh./.

Số lượt đọc: 9742
Thông báo