BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 22/01/2025
Châu lục, quốc gia
Phát triển công nghiệp phụ trợ - Kinh nghiệm từ Nhật Bản
Thứ Năm, 27/03/2014 11:42

Hiện nay, công nghiệp của Việt Nam phần lớn đang là những ngành công nghiệp gia công như dệt may, giày dép… và lắp ráp như ôtô, xe máy, thiết bị điện và điện tử… Tuy nhiên, chúng ta chủ yếu đang thực hiện ở khâu gia công, lắp ráp. Tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu trong nước của một số ngành trọng điểm như ôtô là 20-30%, da giày, dệt may là trên 10%.... Điều này dẫn đến hệ quả là là giá trị gia tăng thấp, năng lực cạnh tranh của DN kém… Theo ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam: “Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển”.

Theo dẫn giải của các chuyên gia Nhật Bản, nhiều thương hiệu lớn của Nhật Bản trên thế giới như Panasonic, Honda cũng bắt đầu xây dựng thương hiệu của mình nhờ việc phát triển những ngành công nghiệp phụ trợ như bóng điện xoay, động cơ của xe đạp điện… Ông Sugiyama Hideji khẳng định: "Gọi là công nghiệp phụ trợ nhưng những ngành này không "phụ" chút nào mà nó có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển công nghiệp". Lấy ví dụ như để sản xuất và lắp ráp một chiếc ôtô cần hàng nghìn bộ phận và linh kiện. Sản xuất ốc vít cho ôtô – mới nghe tưởng như một khâu rất nhỏ. Tuy nhiên, đó lại là một lĩnh vực đầy tiềm năng, bởi đây là một bộ phận không thể thiếu để sản xuất một chiếc ôtô hoàn chỉnh. Với hàng trăm con ốc vít cho 1 chiếc ôtô – không ai có thể phủ nhận rằng đây là một ngành mang lại lợi nhuận và có thể chú trọng đầu tư phát triển.


Bên cạnh đó, nền công nghiệp của nước ta còn khá manh mún và nhỏ bé. Ông Trương Đình Tuyển nhận định: "Với tình trạng phải nhập khẩu linh kiện, phụ tùng cho sản xuất công nghiệp như hiện nay thì nguy cơ các DN lắp ráp và sản xuất sản phẩm cuối cùng có thể rút khỏi Việt Nam do không tìm được nguồn cung cấp linh kiện, phụ tùng tại chỗ, nhất là khi sức ép về chi phí tiền lương tăng lên. Cho nên, cần phải nhanh chóng phát triển công nghiệp phụ trợ"./.


Kinh nghiệm của Nhật Bản – bài học cho Việt Nam


Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển những ngành công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là các ngành có tiềm năng xuất khẩu cũng như có chỗ đứng khi mức sống của người dân tăng lên như hóa dầu, chế biến nông sản xuất khẩu, kinh tế biển, công nghệ thông tin, ôtô… Và để phát triển công nghiệp phụ trợ, Việt Nam cần một lộ trình và cần phát triển 4 yếu tố quan trọng là nguồn nhân lực, công nghệ, tài chính và hệ thống phân phối.


Để phát triển được 4 yếu tố này, theo ông Yonemura Noriyuki, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn quản lý Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản cho biết: "Đối sách cho giải quyết những vấn đề này là phải nhanh chóng chỉ ra các ngành cần phát triển và đưa ra các biện pháp để thúc đẩy phát triển". Cụ thể, đối với vấn đề vốn, Việt Nam có thể sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi để xây dựng một quỹ tài chính đảm bảo cho việc phát triển công nghiệp phụ trợ của những ngành đã được chỉ định. Việc chỉ định các ngành cần phát triển là việc chỉ rõ các phạm vi ưu tiên để có nguồn ngân sách cụ thể, minh bạch. Minh bạch được khâu này cũng sẽ giúp các DN thu hút đầu tư.


Bên cạnh đó, việc tăng nhu cầu nội địa là một trong những việc quan trọng nhất nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, để đảm bảo có thể thu được lợi nhuận cao nhất cũng như xây dựng được một thị trường nội địa phát triển thì cần quan tâm đến hệ thống phân phối. Hệ thống phân phối có thể cung cấp đầy đủ, dễ dàng những nhu cầu về linh kiện cho những DN có nhu cầu sẽ góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ.


Nhân lực là vấn đề sống còn cho phát triển bất cứ một ngành nào, vì vậy để phát triển công nghiệp phụ trợ, cần phải xây dựng được một đội ngũ kỹ sư lành nghề, có khả năng sản xuất nguyên phụ liệu hoặc nghiên cứu công nghệ để đưa công nghiệp phụ trợ phát triển. Kinh nghiệm của Nhật Bản cho Việt Nam trong vấn đề này là áp dụng những biện pháp khuyến khích đào tạo và học tập ngành công nghiệp phụ trợ như đưa ra những chính sách khen thưởng, chứng chỉ cho các cá nhân có quá trình học tập tốt, có tay nghề cao. Chứng chỉ này sẽ giúp công nhân, kỹ sư được nâng lương hoặc nâng cao vị trí trong công ty.


Riêng với yếu tố công nghệ, vai trò của Chính phủ trong việc vấn đề này là yếu tố quan trọng. Để có được công nghệ hàng đầu thế giới như hiện nay, Nhật Bản đã phải đặt ra mục tiêu, ngân sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ cho từng ngành.


Nhìn xa hơn, đối sách trung hạn cho nhiều năm nữa, theo kinh nghiệm từ Nhật Bản là Việt Nam cần xây dựng Luật phát triển công nghiệp cơ khí, công nghiệp điện tử… để đưa ra các biện pháp tổng hợp, có hệ thống và quy trình cụ thể như phát triển kỹ thuật, đào tạo nhân lực, hỗ trợ tài chính, bảo đảm vị trí, khai thác thị trường… Ông Yonemura Noriyuki khẳng định: "Nhật Bản có kinh nghiệm, chuyên gia giỏi và sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam trong việc phát triển các yếu tố này"./


Số lượt đọc: 3039
Tin khác
Thông báo