BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Chủ Nhật, 22/12/2024
Quan hệ song phương
Giao thương doanh nghiệp Việt-Nhật trong lĩnh vực chế biến thực phẩm
Thứ Năm, 23/12/2021 02:44
Giao thương doanh nghiệp Việt-Nhật trong lĩnh vực chế biến thực phẩm

Thống kê cho thấy, trong 11 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Nhật Bản đạt 38,4 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhằm rà soát, phân tích những khó khăn cũng như thảo luận về phương hướng và các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục, phát triển thị trường, ngày 22/12, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và các cơ quan hữu quan tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến Kết nối doanh nghiệp Việt Nam-Nhật Bản trong lĩnh vực chế biến thực phẩm.

Theo ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chương trình giao thương trực tuyến sẽ tạo cơ hội để doanh nghiệp hai nước tăng cường tiếp xúc, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, phục hồi và tăng trưởng trong tình hình mới. Đồng thời, các bên cùng trao đổi cởi mở, tìm hiểu rõ hơn về nhu cầu, năng lực của nhau, tiến tới thỏa thuận các cơ hội hợp tác phát triển giữa doanh nghiệp hai nước, góp phần củng cố mối quan hệ song phương Việt Nam-Nhật Bản ngày một vững mạnh hơn.

Chia sẻ về thị trường Nhật Bản, ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, Việt Nam và Nhật Bản có cơ cấu xuất nhập khẩu mang tính bổ sung, không cạnh tranh trực tiếp. Đặc biệt, Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng... trong khi Việt Nam lại có lợi thế cạnh tranh lớn về xuất khẩu các sản phẩm này.

Bên cạnh đó, với dân số hơn 125 triệu người, Nhật Bản là thị trường có sức tiêu thụ lớn đối với các sản phẩm nông thủy sản-thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài.

Những mặt hàng Nhật Bản có nhu cầu nhập nhiều hiện nay là cá và sản phẩm chế biến từ cá, tôm, lươn, thịt và những sản phẩm từ thịt, đậu nành, sản phẩm từ ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến, càphê...

Ngoài ra, Việt Nam được đánh giá có thế mạnh về những mặt hàng trên và có khả năng cung ứng tốt cho thị trường Nhật Bản. Hơn nữa, số lượng người dân đến từ các nước châu Á sinh sống và làm việc tại Nhật Bản cũng lên tới 10 triệu người; trong đó số lượng người Việt Nam tăng rất nhanh với khoảng gần 500.000 người trong năm 2020.

Vì thế, hàng nông thủy sản-thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam ngày càng được biết đến rộng rãi, được cả người Nhật, người Việt và người dân các nước châu Á khác đón nhận nồng nhiệt và có lượng tiêu thụ tốt tại thị trường này.

Theo ông Tạ Đức Minh, đây là những tiền đề cho thấy, hàng nông thủy sản, thực phẩm Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để xuất khẩu hơn nữa sang Nhật Bản trong thời gian tới.

Chia sẻ thêm tại hội nghị, ông Keisuke Kobayashi, Phó Trưởng đại diện JETRO Hanoi cho biết, Việt Nam và Nhật Bản là những đối tác thương mại quan trọng của nhau trong nhiều năm trở lại đây. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, hai nước vẫn duy trì được mối quan hệ xuất nhập khẩu ổn định.

Thống kê cho thấy, trong 11 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Nhật Bản đạt 38,4 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng lưu ý, trong 11 tháng năm 2021, vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam tăng 54% so với cùng kỳ năm 2020.

Việc hai nước cùng là thành viên của nhiều Hiệp định FTA gồm: Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vực (RCEP)... tạo ra nhiều cơ hội mở rộng hợp tác thương mại hơn nữa, đặc biệt là tăng cường xuất nhập khẩu và có cơ hội cùng tham gia vào chuỗi cung ứng của khu vực và thế giới.

Quầy bày bán vải thiều Việt Nam tại siêu thị AEON Nhật Bản. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Đại diện Công ty Kome của Nhật Bản, đơn vị trực tiếp nhập khẩu các sản phẩm nông thủy sản, sản phẩm chế biến từ Việt Nam và phân phối trên 800 điểm bán, hệ thống siêu thị tại thị trường Nhật Bản cho hay, trong 2 năm qua, Kome đã nhập khẩu lần đầu với hơn 170 đầu mục sản phẩm từ Việt Nam bao gồm các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, gia vị, rau củ quả và hải sản đông lạnh.

Tuy nhiên, Nhật Bản cũng như vấn đề mà những nước phát triển là phải đối mặt, đó là tình trạng giảm, già hóa dân số. Do thiếu lực lượng lao động trong tương lai nên các ngành như nông nghiệp buộc các nhà sản xuất Nhật Bản đang có xu hướng tìm kiếm những nhà máy sản xuất tại nước ngoài như Việt Nam để có thể đáp ứng cho thị trường nội địa. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp nông thủy sản Việt Nam nhận định và tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất.

Theo đại diện Công ty Kome, những năm gần đây thị trường người tiêu dùng Nhật Bản chú trọng nhiều hơn tới thực phẩm có lợi cho sức khỏe nên những sản phẩm như: sữa đậu nành, đồ uống từ rau quả, sữa chua, dầu dừa, dầu cọ. Các sản phẩm có hàm lượng calo, hàm lượng đường thấp có xu hướng được khách hàng quan tâm và lựa chọn nhiều hơn.

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, đại diện Công ty Kome cũng cho rằng, tiêu chuẩn nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản có các quy định về thành phần nguyên liệu, chất phụ gia được sử dụng khác với tiêu chuẩn của thị trường Việt Nam.

Vì thế, doanh nghiệp này khuyến cáo, nhà máy sản xuất chế biến nông thủy sản Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ với các nhà nhập khẩu để nắm rõ quy trình kiểm định, cung cấp đầy đủ thông tin về thành phần gây dị ứng, chất phụ gia được sử dụng dù ở tỷ lệ nhỏ, thông tin hàm lượng dinh dưỡng để đảm đủ tiêu chuẩn trước khi tiến hành xuất khẩu.

Không chỉ vậy, Nhật Bản cũng xem xét kỹ các quy trình sản xuất đối với từng loại mặt hàng. Kèm theo đó là các chứng nhận ISO, HACCP... Vì vậy, đây cũng là yếu tố mà doanh nghiệp Việt cần đầu tư hệ thống sản xuất và chuẩn bị trước để có được các tiêu chuẩn, chứng nhận an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

“Để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và đạt được mục tiêu xuất khẩu nông sản bền vững thì cần thêm sự đầu tư, tham gia và liên kết nhiều hơn giữa các hộ nông dân, doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp nhập khẩu,” đại diện Công ty Kome lưu ý.

Tham tán thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng, Nhật Bản là thị trường nổi tiếng khó tính, có quy định kiểm dịch khắt khe, với nhiều tiêu chuẩn cao về điều kiện trồng trọt hay chăn nuôi, điều kiện xử lý, đóng gói bao bì, dán nhãn, xử lý sâu bệnh và dịch hại, kiểm dịch động thực vật và cấp giấy chứng nhận...

Một số tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản còn ở mức độ cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn tương tự của Hoa Kỳ, Australia hay các nước châu Âu. Do vậy, khi hàng Việt Nam đã thâm nhập được vào thị trường Nhật thì sẽ tạo được thương hiệu về việc đảm bảo chất lượng, có điều kiện thuận lợi để thâm nhập vào những thị trường khác.

Để giữ được thị trường lâu dài, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp phải thực hiện liên kết đồng bộ từ khâu trồng trọt - chăn nuôi, xử lý, bảo quản, vận chuyển và xuất khẩu để đảm bảo chất lượng hàng nông thủy sản khi tới tay người tiêu dùng Nhật Bản vẫn giữ được chất lượng hay độ tươi ngon như ban đầu.

Hơn nữa, doanh nghiệp xuất khẩu cần đảm bảo giá thu mua, giá bán và giá xuất khẩu nông sản ổn định. Điều này nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường bởi người Nhật khá nhạy cảm với những sự thay đổi thất thường về giá cả của hàng hóa cũng như đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà nhập khẩu.

Ngay sau phiên hội nghị, đã diễn ra chương trình giao thương với khoảng 30 doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Hàn Quốc. Theo ban tổ chức, buổi giao thương đã diễn ra thành công với 20 phiên giao thương nhỏ./.

Theo Thông tấn xã Việt Nam
Số lượt đọc: 1432
Thông báo