BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Năm, 26/12/2024
Báo cáo theo địa phương
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Bắc Ninh - 15 năm nhìn lại
Thứ Năm, 27/03/2014 09:51

Sau 15 năm phát triển, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế, góp phần tích cực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp.

Khu vực kinh tế có vốn FDI - Một số thành tựu quan trọng

Khi mới tái lập tỉnh, kinh tế có vốn FDI chưa được nhắc đến trong báo cáo kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, đã phát triển trở thành khu vực kinh tế năng động, đạt được nhiều thành tựu quan trọng là: 

Phát triển nhanh chóng về quy mô, huy động nguồn vốn cho phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tạo giá trị gia tăng đáng kể cho nền kinh tế của tỉnh. Đến 31-12-2011, toàn tỉnh đã có 317 dự án tổng vốn đầu tư đăng ký 3.542 triệu USD; diện tích chiếm đất của các doanh nghiệp FDI là 479 ha (không tính diện tích của các dự án đầu tư hạ tầng), mức đầu tư trung bình là 6,62 triệu USD/ha.

Mặc dù bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng năm 2011 tỷ trọng trong GDP của khu vực FDI chiếm 33,9%. Sự gia tăng này đã góp phần làm cho tỷ trọng trong GDP của ngành công nghiệp trở thành ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất (năm 2011 đã là 65,2%). Khu vực FDI đóng góp ngày càng lớn vào nguồn thu ngân sách (năm 2011 chiếm 10,14% tổng thu ngân sách toàn tỉnh).

Giá trị xuất khẩu của khu vực FDI cũng gia tăng nhanh và đóng vai trò quan trọng thúc đẩy gia tăng tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu đạt 2.761 triệu USD (chủ yếu trong lĩnh vực điện tử), chiếm 97,53% tổng kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh;

Nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp và tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng hiện đại. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá cố định 1994) của 15 năm vừa qua là 38,0%, khu vực FDI là 133,8%. Năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định năm 1994) trên địa bàn Bắc Ninh ước gấp 110 lần so với năm 1997, đưa công nghiệp Bắc Ninh lên đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trình độ công nghệ của khu vực FDI đã nâng mặt bằng công nghệ sản xuất của tỉnh cao hơn hoặc bằng các thiết bị tiên tiến đã có trong nước và tương đương các nước trong khu vực.

Góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Theo kết quả điều tra của Ngân hàng Thế giới (WB), cứ 1 lao động trực tiếp sẽ tạo việc làm cho khoảng từ 2-3 lao động gián tiếp khác. Hoạt động của khu vực FDI có tác động lan tỏa trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các dịch vụ phục vụ cho sản xuất công nghiệp.

Đưa nền kinh tế của tỉnh từng bước hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới. Khu vực FDI đã góp phần quan trọng mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế theo hướng đa phương hóa và đa dạng hóa, thúc đẩy chủ động hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Hiện nay, 99% sản phẩm của SEV thuộc Tập đoàn Samsung được xuất khẩu, trong đó 42% vào thị trường khó tính Châu Âu, còn lại là thị trường Trung Đông và Đông Nam Á.

Thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư. Nhằm tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút và quản lý dòng vốn FDI, cùng với chính sách vĩ mô của Chính phủ, Bắc Ninh cũng chủ động, tích cực đưa ra các chính sách phù hợp với thực tiễn của tỉnh. Theo báo cáo của VCCI, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bắc Ninh qua các năm thăng hạng nhanh và vững chắc, năm 2011 đã vượt lên xếp vị trí thứ 2 của cả nước.

Chính sách đối với khu vực kinh tế có vốn FDI và một số khuyến nghị

Bắc Ninh bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với mục tiêu: “…Phấn đấu đến năm 2015 đưa Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020”. Sự phát triển của một mô hình kinh tế phụ thuộc vào tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Do vậy, định hướng phát triển khu vực FDI trong nền kinh tế, trước hết là định hướng phát triển của lực lượng sản xuất, chứ không phải là tỷ lệ tăng trưởng số lượng hàng năm bằng bất cứ giá nào. Hơn nữa, chúng ta đang thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo tư duy chuyển từ “chiều rộng” sang “chiều sâu”, trong đó có khu vực FDI, để chuẩn bị bước vào thời kỳ phát triển mới.

Lao động chất lượng cao luôn là điều kiện tiên quyết để thu hút các nguồn vốn đầu tư vào những ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao. Chỉ số thành phần chất lượng lao động trong PCI 2011 Bắc Ninh giảm điểm so với những năm trước, nhưng thứ tự trên bảng xếp hạng lại tăng thứ 6 toàn quốc. Điều đó cho thấy báo động về nguồn lao động chất lượng cao để thu hút FDI công nghệ cao những năm tới. Thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020, tỉnh cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống giáo dục và dạy nghề của tỉnh. Đồng thời thu hút FDI từ các tập đoàn đa quốc gia cả hai hướng: thực hiện những dự án lớn, công nghệ cao hướng vào xuất khẩu; tạo điều kiện để một số tập đoàn đa quốc gia xây dựng các trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ gắn với đào tạo nguồn nhân lực.

Sẽ là muộn, nếu không có định hướng rõ trong việc lựa chọn thu hút FDI. Theo khảo sát PCI đối với doanh nghiệp FDI (PCI-FDI) năm 2011, đa số các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp - chế tạo (65%), dịch vụ - thương mại chiếm 24% trong tổng số. Hiện tại, khoảng 5% doanh nghiệp FDI hoạt động trong ngành công nghệ hiện đại, 5% trong dịch vụ khoa học - công nghệ, 3,5% trong dịch vụ tài chính, quản lý đòi hỏi kỹ năng cao. Hầu hết các doanh nghiệp FDI ở Bắc Ninh có quy mô tương đối nhỏ về cả lao động và vốn, chủ yếu đến từ các nền kinh tế Đông Á, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc.

Thu hút FDI cần tập trung vào các ngành có công nghệ cao, công nghệ nguồn, thân thiện với môi trường và tăng cường sự liên kết giữa các khu vực (kinh tế vùng quốc gia, nội bộ nền kinh tế của tỉnh, hệ thống cơ sở giáo dục và dạy nghề,...). Đặc biệt, cần tập trung vào các dự án thuộc ngành, lĩnh vực tạo ra các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, các sản phẩm có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu như công nghệ cao, cơ khí, công nghệ thông tin và truyền thông, dược, công nghệ sinh học, công nghiệp môi trường và các ngành sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo… để hướng tới “cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”. Có một nghiên cứu đã đưa ra dự báo “Bắc Ninh trở thành một trung tâm công nghiệp điện tử viễn thông của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á trong thời gian tới”.

Cải thiện môi trường đầu tư, nhất là môi trường thể chế và cơ sở hạ tầng là giải pháp bền vững, lâu dài để thu hút đầu tư, kể cả FDI và đầu tư trong nước. Theo đánh giá của VCCI, PCI của Bắc Ninh những năm qua đã có những thăng hạng vượt bậc. Nhưng chất lượng của từng chỉ số thành phần đang phải bàn thêm, có chỉ số thành phần thấp hơn so với địa phương khác, so với 2010 có những chỉ số giảm điểm. Cắt bỏ những rào cản tạo hấp lực mới thu hút FDI và đầu tư trong nước đồng nghĩa với việc PCI của Bắc Ninh phải cải thiện và duy trì liên tục ở tốp đầu, đang là thách thức đối với việc cải thiện môi trường đầu tư những năm tới. Báo cáo PCI 2011 cảnh báo: “Rất ít thấy những cải cách trong các lĩnh vực nhiều thử thách, chẳng hạn như cải thiện lòng tin vào hệ thống tư pháp, nâng cao chất lượng lao động địa phương. Dường như các tỉnh thành công từ những thời kỳ đầu cải cách của Việt Nam lại đang đối mặt với bẫy thu nhập trung bình trước các tỉnh bạn khác, những địa phương có thể tăng điểm nhờ những cải cách tương đối dễ”.

Cuối cùng, việc Việt Nam sẽ ký kết các thỏa thuận thương mại song phương và khu vực cũng mở ra thời cơ mới cho các tỉnh thu hút FDI. Hiện nay, Việt Nam đang tham gia đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và trong tương lai gần sẽ đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU. Thêm nữa, nhiều dự án FDI thuộc khu vực Bắc Âu hết chu kỳ, các nhà đầu tư sẽ tìm địa chỉ đầu tư mới thực hiện “tối đa hoá lợi nhuận”. Đó là những tiền đề quan trọng cho một “làn sóng đầu tư” mạnh đến từ những nước có nền tảng công nghệ tiên tiến như Mỹ, Nhật và EU nếu chúng ta biết tạo lợi thế so sánh.

 Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo PCI 2011 của VCCI.

2. Đề án thu hút FDI Bắc Ninh 2011- 2020.

3. Cục Thống kê Bắc Ninh: Số liệu thống kê chủ yếu thời kỳ 1997-2011.

(Theo Báo điện tử Bắc Ninh )


Số lượt đọc: 4769
Thông báo