Bên cạnh đó, hiện không ít ngân hàng cũng đang viết thông báo về việc lãi suất vay sẽ có điều chỉnh tăng trong thời gian tới tương ứng với mặt bằng lãi suất thị trường. Mức tăng thông thường, một nhân viên tín dụng cho biết, khoảng từ 0,5 – 1,5%/năm.
Tính cả khuyến mãi thì đến nay ngân hàng Phương Tây có mức lãi suất tiết kiệm cao nhất thị trường: 12%/năm cộng thêm khuyến mãi có giá trị từ 0,7 – 3%/năm tính trên số tiền gởi. Một loạt các ngân hàng khác như Đông Á, Tiên Phong, Đại Dương… cũng đã nâng lãi suất lên 12%/năm. Điều đáng nói là lãi suất huy động các kỳ hạn hiện vẫn... bằng nhau.
Với quyết định hạn chế huy động và cho vay vàng, cấm chuyển đổi vàng sang tiền đồng, các ngân hàng vẫn chưa có động thái giảm lãi suất huy động vàng. Ở ngân hàng ACB, lãi suất tiết kiệm vàng vẫn ở mức 1,6%/năm từ cuối tháng 10, ngân hàng thương mại Sài Gòn (SCB) là 3%/năm. Còn lãi suất tiết kiệm USD nhiều ngân hàng ở mức 5,6%/năm. “Việc phải cân đối sao cho lãi suất tiết kiệm tiền đồng phải có đủ hấp dẫn so với các loại tài sản khác, nên nhiều ngân hàng vẫn để lãi suất thẳng hàng ở mức 12%. Các ngân hàng cũng đang lúng túng với việc dự đoán động tĩnh người gửi tiền, nên họ thăm dò thị trường có chấp nhận bằng cách để lãi suất ở mức cao nhất trong khi chờ một mặt bằng lãi suất mới hình thành”, TS Lê Thẩm Dương, trưởng khoa kinh doanh đại học Ngân hàng TP.HCM nhận xét.
Nhận xét của ông Dương là hợp lý, khi mà ngân hàng phải giữ một khoảng cách chênh lệch vừa đủ với lãi suất USD để thu hút tiền đồng. Bởi trong tháng 10 vừa qua, ngân hàng Nhà nước vừa cho biết, tốc độ tăng tiền gửi bằng tiền đồng chỉ có 0,64% (tương đương 5.400 tỉ đồng). Bên cạnh đó, với con số lạm phát mười tháng là 7,58%, giá vàng và USD leo thang, trong tháng qua đa số những khoản tiền gửi mới được gửi kỳ hạn từ 1 – 3 tuần, hiếm món gởi quá 2 – 3 tháng, nếu không có lãi suất tiền đồng hợp lý, người gửi tiền sẽ dễ thay đổi quyết định giữ tiền đồng, giám đốc một ngân hàng cho biết.
Cuối tuần qua, ngân hàng Nhà nước đã nâng lãi suất cơ bản lên 9%, đồng thời nâng lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu… Lãi suất cơ bản, theo TS Lê Thẩm Dương, không còn ý nghĩa điều tiết thị trường trực tiếp, nhưng có tác động gián tiếp. Theo đó, lãi suất cơ bản chi phối lãi suất liên ngân hàng, lãi suất liên ngân hàng chi phối lãi suất thị trường của các ngân hàng. Lãi suất cơ bản được nâng lên, khẳng định thái độ thắt chặt tiền tệ… Đồng thời, Chính phủ yêu cầu thắt chặt kiểm soát chi tiêu công, không cấp phép cho dự án nhà nước từ nay đến cuối năm, yêu cầu ngân hàng Nhà nước thắt chặt tiền tệ... Những thông tin này khẳng định cung tiền ít đi, và lãi suất sẽ tiếp tục tăng lên.