BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Năm, 06/02/2025
Kinh tế Việt Nam
Chuyển đổi số - Thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo với 5G
Thứ Tư, 15/12/2021 04:21
Chuyển đổi số - Thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo với 5G

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định, đến năm 2025 kinh tế số đạt tỷ trọng 20% GDP, đến năm 2030 kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP.

Trên thế giới, kinh tế số đang tăng trưởng rất nhanh, trở thành chìa khoá cho không ít nền kinh tế vươn ra toàn cầu. Tại Việt Nam, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 nhưng nền kinh tế số năm 2021 dự kiến đạt 21 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2020, tương đương Malaysia và chỉ đứng sau Indonesia, Thái Lan.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đang sở hữu những điều kiện tốt để xây dựng kinh tế số. Bên cạnh đó, Việt Nam là điểm đến của nhiều công ty công nghệ thông tin và công nghệ thông minh hàng đầu thế giới như Apple, Samsung, Ericsson, ABB...

Để hiểu rõ hơn về xu hướng chuyển đổi số, vai trò của 5G đối với tăng trưởng kinh tế, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, những cơ chế chính sách nhằm “dọn đường” cho thương mại hóa 5G, cũng như bài học kinh nghiệm từ các nước để chuyển đổi số thành công, Báo Đầu tư dưới sự chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổ chức Diễn đàn trực tuyến “Chuyển đổi số - Thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo với 5G” ngày 14/12, tại Hà Nội.

Tham dự và phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Võ Thành Thống nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn cam kết đi đầu trong đổi mới và cải cách đã phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan trong việc cùng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất và triển khai các giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, mở ra nhiều cơ hội cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân.

Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã khẳng định việc chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu, nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp quyết liệt để thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, trong đó chuyển đổi số được xác định là giải pháp quan trọng, xu hướng tất yếu để nâng cao năng suất, chất lượng, thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo của nền kinh tế.

Chuyển đổi số càng trở nên cấp bách khi dịch COVID-19 đã tác động, thay đổi cuộc sống, thói quen của con người, gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc các tổ chức, cá nhân và cả cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải thay đổi và thích ứng.

Thực hiện các nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đặc biệt là Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã dành rất nhiều tâm huyết đối với công cuộc hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Các chương trình hành động chính đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra từ rất sớm, bao gồm: tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cho nền kinh tế đổi mới sáng tạo, kinh tế số; xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam nhằm hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Cụ thể, năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng thành lập Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và trí thức Việt Nam nhằm quy tụ các chuyên gia người Việt trên thế giới để đóng góp, tham gia thúc đẩy các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Hiện nay, Mạng lưới đã có hơn 1.000 thành viên từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần huy động nguồn lực tri thức đáp ứng nhu cầu phát triển trong nước.

Tháng 10/2019, theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Trung tâm là một nhân tố cùng tạo dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, huy động nguồn vốn cho đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và là nơi ươm tạo, thử nghiệm cho nhiều sản phẩm, dịch vụ mới.

Tháng 01/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành và triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 với mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam thay đổi, thích ứng với những điều kiện mới, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các hoạt động của Chương trình hướng tới chuyển đổi nhận thức, tầm nhìn, chiến lược của doanh nghiệp; Hỗ trợ số hóa các hoạt động kinh doanh; Hỗ trợ số hóa quy trình quản trị, quy trình công nghệ, sản xuất; Hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện để tạo ra sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới cho doanh nghiệp.

Mặc dù nhận thức được lợi ích và tầm quan trọng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam cũng gặp rất nhiều thách thức và khó khăn khi mức độ chủ động tham gia còn thấp. Nghị quyết số 52-NQ/TW đã nhận định khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội; quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp.

5G là công nghệ nền tảng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc phổ cập dịch vụ mạng di động 5G là một trong các mục tiêu cụ thể tại Chiến lược Quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030.

Với nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức hiệp hội, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp, Thứ trưởng Võ Thành Thống tin tưởng mục tiêu chuyển đổi số tại Việt Nam sẽ thành công, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, coi đổi mới, sáng tạo là một động lực quan trọng, là chìa khóa của tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.

Số lượt đọc: 361
Thông báo