BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Bảy, 21/12/2024
Kinh tế Việt Nam
Thu hút nguồn lực để thực hiện mục tiêu phát triển xanh, bền vững là rất quan trọng, quyết định đến khả năng, phương thức tiếp cận của Việt Nam.
Thứ Tư, 17/08/2022 03:13
Thu hút nguồn lực để thực hiện mục tiêu phát triển xanh, bền vững là rất quan trọng, quyết định đến khả năng, phương thức tiếp cận của Việt Nam.

Đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc tại Hội nghị Thu hút nguồn lực hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Nhóm công tác Ngân hàng tổ chức sáng 16/8, tại Hà Nội.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích cho rằng, đây là một sự kiện quan trọng nhằm cung cấp giải pháp để Việt Nam hiện thực hóa các cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và phát triển ít phát thải; giúp Việt Nam và thế giới đạt các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030. Mục tiêu đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam tại Hội nghị COP26 vừa là thách thức nhưng lại là cơ hội mới mở ra cho Việt Nam, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo Báo cáo Quốc gia Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, để thực hiện lộ trình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là nước thu nhập cao vào năm 2045, ước tính các khoản đầu tư thêm để thích ứng và giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu từ nay đến năm 2040 là 368 tỷ USD, tương đương 6,8% GDP.

Để hiện thực hóa các cam kết về biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với 04 nhóm mục tiêu quan trọng, gồm: giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 882/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, đây sẽ là lộ trình để Việt Nam thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đảm bảo thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường, công bằng về xã hội.

Để thu hút nguồn lực hiệu quả, hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển xanh, bền vững, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị tập trung vào 04 nhóm vấn đề.

Thứ nhất, công tác xây dựng chính sách, huy động nguồn lực cho phát triển xanh và bền vững đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thu hút nguồn lực tài chính xanh trong nước, quốc tế thông qua các công cụ như trái phiếu xanh, tín dụng xanh, bảo hiểm xanh,… từng bước hoàn thiện thị trường carbon.

Thứ hai, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính xanh nhằm thể chế hóa và tăng quy mô, tính bao trùm toàn diện của tài chính xanh, đặc biệt là cơ chế ưu đãi cho đầu tư xanh, tài chính xanh, tín dụng xanh nhằm thúc đẩy các dự án xanh; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi để tạo điều kiện cho việc tiếp cận nhanh hơn nguồn tín dụng xanh, phục vụ cho tăng trưởng xanh.

Thứ ba, xây dựng thể chế về đầu tư để tạo môi trường thuận lợi, thu hút đầu tư xanh cho phát triển bền vững, qua đó cần phải rà soát khung pháp lý hiện hành cho đầu tư xanh cho các dự án mới, dự án đang triển khai tại Việt Nam, hướng tới việc sử dụng tài nguyên có hiệu quả, ít rác thải và thân thiện với môi trường.

Thứ tư, nâng cao tính minh bạch trong tài chính xanh; xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê, thiết lập cơ sở dữ liệu và tăng cường tính minh bạch cho nguồn tài chính xanh.

Tại Hội nghị, các đại biểu đều nhấn mạnh, những thách thức, rủi ro các quốc gia phải đối mặt khi biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường và tác động trực tiếp tới mọi của nền kinh tế trên thế giới. Là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, trong thời gian qua, Việt Nam luôn chủ động và tích cực triển khai nhiều hoạt động vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa hướng tới phát triển xanh và bền vững./.

Số lượt đọc: 18385
Thông báo