BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Ba, 21/01/2025
Quốc gia
Tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh mỗi địa phương để thu hút đầu tư nước ngoài
Thứ Tư, 15/12/2021 03:59
Tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh mỗi địa phương để thu hút đầu tư nước ngoài

Trao đổi bên lề Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20, ngày 13/12, lãnh đạo một số địa phương khẳng định vai trò quan trọng của công tác ngoại vụ trong việc hỗ trợ, kết nối các địa phương phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế; đề xuất tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh mỗi địa phương đến các đối tác và tìm kiếm cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài.

Phát huy tiềm năng, lợi thế mỗi địa phương

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang cho biết, trong những năm qua, công tác đối ngoại của tỉnh Vĩnh Phúc luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo sát sao, triển khai đồng bộ các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định, công tác đối ngoại đóng vai trò quan trọng thu hút nguồn lực, tiếp thu khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, liên doanh liên kết quốc tế, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh.

Các hoạt động đối ngoại của Vĩnh Phúc đã được triển khai đồng bộ và kết hợp nhuần nhuyễn trên tất cả các lĩnh vực: Ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, ngoại giao chính trị, đặc biệt mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch, vận động viện trợ phi Chính phủ và đạt được những thành tựu quan trọng, từ đó đã góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá hình ảnh tỉnh Vĩnh Phúc với bạn bè quốc tế.

"Công tác đối ngoại có vai trò quan trọng quyết định trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh Vĩnh Phúc. Với hiểu biết rõ về thị trường bản địa, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có vị trí rất quan trọng, là "cánh tay nối dài", không chỉ giúp Vĩnh Phúc mà còn hỗ trợ các địa phương phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết.

Năm 2021 gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, song hoạt động đối ngoại của Vĩnh Phúc vẫn diễn ra sôi nổi và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trong đó hoạt động hỗ trợ xúc tiến và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đạt được kết quả khả quan. Tính đến hết ngày 15/11/2021, Vĩnh Phúc đã thu hút thêm được 60 dự án FDI (32 dự án cấp mới và 28 dự án điều chỉnh tăng vốn) với tổng số vốn đăng kí là 1,01 tỷ USD. Đặc biệt cuối tháng 11/2021 vừa qua, trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tỉnh Vĩnh Phúc đã trao Bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư với tập đoàn SOJITZ của Nhật Bản về việc thực hiện dự án trong lĩnh vực chăn nuôi, chế biến và phân phối thị bò có trị giá 500 triệu USD. "Đây có thể coi là một dấu ấn thành công trong công tác đối ngoại và xúc tiến đầu của tỉnh Vĩnh Phúc trong năm 2021", ông Vũ Chí Giang nhấn mạnh.

Trong thời gian tới đây, Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, vị thế của Việt Nam và môi trường cạnh tranh quốc gia đang tăng lên, các lợi thế của Hiệp định thương mại tự do và thay đổi chính sách của các nước, sẽ là những cơ hội và thuận lợi trong công tác đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục là một trong những ưu tiên hàng đầu của Vĩnh Phúc.

Để thực hiện mục tiêu kép, phục hồi, phát triển kinh tế theo hướng an toàn, linh hoạt, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, công tác đối ngoại của tỉnh Vĩnh Phúc sẽ làm tốt hơn nữa vai trò tiên phong trong thu hút đầu tư nói riêng, phục vụ phát triển kinh tế nói chung; nâng cao hơn nữa vai trò của công tác đối ngoại tham mưu về các chủ trương chính sách về thu hút đầu tư; thực hiện tốt đề án tháo gỡ điểm nghẽn, tạo đột phá trong xúc tiến đầu tư bằng việc thu hút thêm dự án có quy mô lớn, thuộc các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư.

"Vĩnh Phúc tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành Trung ương; đa dạng hóa các kênh, nguồn thông tin; thu hút tối đa nguồn lực hỗ trợ cho công tác xúc tiến, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nêu.

Nâng cao khả năng kết nối với các nhà đầu tư

Chia sẻ về những khó khăn địa phương đang gặp phải trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết, hiện nay, không chỉ riêng Phú Yên, nhiều địa phương khác đang gặp phải khó khăn do diễn biến khó lường của dịch COVID-19. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả, kịp thời của Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, công tác đối ngoại địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, vượt qua khó khăn.

"Hiện nay, Phú Yên là một trong số ít các địa phương còn quỹ đất lớn, có kết nối giao thông phù hợp cho các nhà đầu tư lớn. Qua việc thực hiện quy hoạch phát triển tỉnh, quy hoạch vùng, liên kết vùng, quy hoạch chi tiết, đặc biệt các khu công nghiệp, trong thời gian tới, tỉnh Phú Yên tập trung thu hút các nhà đầu tư quốc tế, mời gọi các đối tác lớn, đối tác quốc tế", ông Trần Hữu Thế nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho rằng, việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ giúp Phú Yên nâng cao hiệu quả, khả năng nắm bắt, tìm hiểu, kết nối trực tiếp với các nhà đầu tư, ngược lại, các nhà đầu tư có cơ hội tìm hiểu các lĩnh vực tiềm năng, lợi thế của địa phương. "Về lâu dài, Phú Yên phải xây dựng kế hoạch phối hợp bài bản, cụ thể với các cơ quan của Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài theo lộ trình, bước đi cụ thể trong từng nội dung, lĩnh vực", Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhấn mạnh; đồng thời khẳng định tỉnh chuẩn bị sẵn các điều kiện về quy hoạch, phân khu công nghiệp trong khu kinh tế để kêu gọi đầu tư, trong đó ưu tiên ngành hàng công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, sản xuất linh kiện cho thiết bị cơ khí…

Đồng quan điểm, ông Lê Hải Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, Cao Bằng là tỉnh biên giới, rất xa các trung tâm phát triển, nhưng có rất nhiều lợi thế như diện tích rừng bao phủ lớn, đường biên giới dài, có tiềm năng phát triển du lịch, kinh tế cửa khẩu… Cao Bằng đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của Trung ương, đặc biệt Bộ Ngoại giao trong việc giới thiệu nội dung các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, gặp mặt các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để chuyển tải thông điệp, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương đến các đối tác và tìm kiếm cơ hội thu hút đầu tư.

"Những hoạt động của Cục Ngoại vụ giúp chúng tôi kết nối phát triển sâu sắc, hiệu quả, thực chất, căn cơ hơn các hoạt động ngoại vụ tại địa phương. Trong thời gian tới, Cao Bằng tập trung phát triển tuyến cao tốc nối từ cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), cảng Cái Lân (Quảng Ninh) qua Bắc Giang lên Lạng Sơn, đến cao Bằng qua cửa khẩu Trà Lĩnh sang Long Bang (Trung Quốc) nối với Tứ Xuyên, Trùng Khánh (Trung Quốc) và các tỉnh Tây Nam Trung Quốc. Đây là con đường ngắn nhất của các tỉnh Tây Nam Trung Quốc ra biển, nằm trên hành lang kinh tế Á - Âu, mặt khác đồng bộ hóa các quy hoạch về khu đô thị logistic, khu kinh tế cửa khẩu để khơi dậy lợi thế hiệu quả của tuyến cao tốc hướng về cửa khẩu".

Cùng với sự vào cuộc của các bộ, ngành, đặc biệt, Bộ Ngoại giao trong việc hỗ trợ Cao Bằng kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào dự án nhằm ở ra hướng phát triển mới cho Cao Bằng, phát huy lợi thế Cao Bằng có hơn 333 km đương biên giới, khu kinh tế trải dọc hơn 200 km, đã được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch làm cơ sở kết nối, kêu gọi đầu tư. Tỉnh Cao Bằng cũng đã tích cực triển khai thực hiện Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc). Dự kiến triển khai tổ chức vận hành thí điểm cho du khách hai Bên qua lại trong năm 2022.

Theo baotintuc.vn
Số lượt đọc: 11995
Thông báo