BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Ba, 21/01/2025
Quốc gia
Diễn đàn kinh doanh Việt Nam - Ấn Độ 2021
Thứ Ba, 21/12/2021 03:28
Diễn đàn kinh doanh Việt Nam - Ấn Độ 2021

Nhân dịp chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Cộng hòa Ấn Độ, ngày 17/12/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Đại sứ quán Việt Nam và Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ tổ chức Diễn đàn kinh doanh Việt Nam - Ấn Độ năm 2021.

Tham dự Hội nghị có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Ủy ban của quốc hội, thành viên Chính phủ, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham gia đoàn và đoàn doanh nghiệp Việt Nam.

Về phía Ấn Độ có Chủ tịch Liên đoàn công nghiệp Ấn Độ Chandrajit Banerjee; Thứ trưởng Bộ Công thương Ấn Độ Anurag Jain; Tổng giám đốc Ủy ban Chuyển đổi Quốc gia Ấn Độ Amitabh Kant; Thượng Nghị sĩ, Nguyên Bộ trưởng Công thương Ấn Độ Suresh Prabhu và khoảng 150 doanh nghiệp với trên 200 doanh nhân gồm các tập đoàn lớn như ONGC, Essar, Hinduja, Bharat Biotech, Adani, Trivitron, Biocon, HCL, Indian Oil.

Trước khi diễn ra diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội cùng đoàn đại biểu cấp cao đã có các phiên làm việc trực tiếp với Lãnh đạo các tập đoàn ONGC, Essar, HCL, Bharat Biotech, Hinduja ...

Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ truyền thống lâu đời được các nhà lãnh đạo hai nước dày công vun đắp. Ấn Độ và Việt Nam thiết lập Quan hệ Ngoại giao vào năm 1972, quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2007 và Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2016. Hợp tác trong thương mại và đầu tư là một trong những trụ cột chính của quan hệ song phương. Về đầu tư, Ấn Độ có 315 dự án đang hoạt động tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt gần 1 tỷ USD, đứng thứ 26 trong tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, vốn đầu tư tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 54,5% tổng vốn đầu tư). Về thương mại, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai bên trong 10 tháng đầu năm 2021 đạt gần 11 tỷ USD, tăng gần 40% và vượt qua kim ngạch thương mại cả năm 2020. Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Ấn Độ trong ASEAN.

Hợp tác đầu tư thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ đã đạt được những kết quả tích cực trong thời gian qua nhưng còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đôi bên. Nền kinh tế hai nước có nhiều nét tương đồng, có thể hỗ trợ và bổ sung lẫn nhau cùng phát triển, cụ thể: Ấn Độ có thể trở thành nhà cung cấp nguyên phụ liệu đầu vào cho Việt Nam trong các ngành như dệt may, da giày, chế tạo máy…; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa của Việt Nam thâm nhập thị trường của Ấn Độ như hàng tiêu dùng, điện tử, nông thủy sản, sản phẩm gỗ, cao su... Bên cạnh đó, Việt Nam còn nhiều dư địa để hợp tác và bổ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực dệt may, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, dược phẩm, công nghệ thông tin, năng lượng, cơ sở hạ tầng và khai khoáng.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Diễn đàn là một sự kiện quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp hai bên khởi tạo những ý tưởng mới để thúc đẩy quan hệ kinh tế tương xứng với mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều cải cách để thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian qua và được các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá tích cực. Theo đó, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được Ngân hàng Thế giới tăng 20 bậc trong giai đoạn 2016-2020. Trong khi đó, tại bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) giai đoạn 2018-2020, Việt Nam đã tăng 10 bậc.

Trong thời gian tới, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đấu thầu nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trong và ngoài nước hướng đến các chuẩn mực của OECD. Trong đó, có những chính sách ưu đãi vượt trội nhằm thu hút đầu tư có chất lượng vào một số ngành, lĩnh vực phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Việt Nam trong những năm tới.

Tại Diễn đàn đã có nhiều MOU được trao giữa doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ trong các lĩnh vực y tế, hợp tác sản xuất thuốc và vắc-xin, cung cấp nguyên liệu dược phẩm, hợp tác về dầu khí, hợp tác về chuyển giao công nghệ và công nghệ thông tin, hợp tác về tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, hợp tác về giáo dục và du lịch … Sau khi kết thúc Diễn đàn, các doanh nghiệp hai nước được tham gia chương trình kết nối trao đổi thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh./.

Theo mpi.gov.vn
Số lượt đọc: 10678
Thông báo