Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, hội nghị bàn tròn 2014 giữa lãnh đạo UBND TP.HCM và các DN Nhật Bản đang hoạt động trên địa bàn thành phố là hoạt động thường niên nhằm tiếp thu ý kiến, đề xuất từ các nhà đầu tư. Từ đó, chính quyền thành phố sẽ có các biện pháp tháo gỡ những khó khăn của các DN, tạo điều kiện tốt nhất có thể cho các nhà đầu tư đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM.
Tại hội nghị bàn tròn 2014 vừa diễn ra ngày 28/11, các DN Nhật Bản đánh giá cao những nỗ lực của TP.HCM nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư nói chung và Nhật Bản nói riêng. Theo đó, các DN nước ngoài trên địa bàn TP.HCM được cung cấp các đường dây nóng, số điện thoại và email của các sở, ban, ngành của thành phố để các DN có thể tiện liên lạc, trao đổi khi gặp vướng mắc. Các DN Nhật Bản hi vọng việc trao đổi này sẽ tiếp tục được duy trì và thường xuyên hơn.
Ông Seki Kunikiko, đại diện cho nhóm các DN Nhật Bản về vấn đề an ninh và giao thông đô thị cho biết, DN Nhật Bản cũng đánh giá cao cố gắng của chính quyền thành phố trong việc cải thiện tình hình an ninh và giao thông đô thị.
Các DN Nhật Bản cho rằng tình hình an ninh trên địa bàn TP.HCM đã được cải thiện nhiều nhờ thành phố duy trì các tổ tuần tra như lực lượng công an phường, dân quân, dân phòng... Cùng với đó là các đường dây nóng tại công an các phường cũng được thiết lập, với người trực có thể trao đổi tiếng Anh, tiện cho việc phản ánh của du khách nước ngoài.
Bên cạnh đó, các DN Nhật Bản cũng hài lòng về dịch vụ hàng không tại TP.HCM, hiện nay, tại sân bay đã có đường chờ cho xe taxi và các phương tiện vận tải, tránh gây lộn xộn, mất trật tự như trước kia. Tại sân bay Tân Sơn Nhất đã có 2 quầy đổi tiền cho khách nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho các du khách và DN Nhật Bản khi đến Việt Nam. Mặc dù vậy, các DN Nhật Bản cũng cho biết, việc triển khai nhiều công trình giao thông với tiến độ chậm tại TP.HCM cũng gây khó khăn cho việc di chuyển, đi lại.
Đối với các lĩnh vực “nóng” hiện nay như Hải quan và Thuế, ông Emura Yasukisa đại diện cho nhóm thuế, hải quan cho biết, các DN Nhật Bản đánh giá cao nỗ lực của 2 ngành này trong việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục Trưởng Cục Hải quan TP.HCM cho biết, nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, từ tháng 6/2014, Hải quan thành phố đã áp dụng hệ thống thông quan điện tử (VNACCS/VCIS) từ Nhật Bản. Tại Hải quan TP.HCM, đến nay có khoảng 70% hàng hóa được phân luồng xanh, DN không bị kiểm tra; 20% số hàng hóa được kiểm tra hồ sơ, nhưng chậm nhất 4 giờ đã được thông quan, chỉ có 10% số hàng hóa phải kiểm tra, đối với hàng hóa phân luồng đỏ, giải quyết không quá 2 ngày.
Đánh giá về môi trường đầu tư của TP.HCM trong năm qua, ông Sakagami Tsutomu, Phó Chủ tịch, kiêm Trưởng ban Môi trường kinh doanh của JBAH cho rằng, thời gian qua, lãnh đạo thành phố đã có nhiều cố gắng cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết nhanh chóng những khó khăn và đề xuất của các DN đầu tư trong quyền hạn có thể. Theo ông Sakagami Tsutomu, TP.HCM là nơi có môi trường đầu tư thân thiện, ông kêu gọi và khuyến khích các DN Nhật Bản hãy đến TP.HCM sống, làm việc và kinh doanh.
Lê Anh