BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Năm, 23/01/2025
Quốc gia
Giải pháp hút vốn vào các khu công nghiệp
Thứ Năm, 16/06/2016 09:35
Giải pháp hút vốn vào các khu công nghiệp

Các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) hiện đang thu hút khoảng hơn 60% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đặt mục tiêu đến cuối năm 2016, các KCN, KKT sẽ thu hút khoảng 70% tổng vốn đầu tư và đóng góp 51% vào kim ngạch xuất khẩu cả nước.

310 KCN và 16 KKT được thành lập

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho biết: Hiện cả nước có 310 KCN và 16 KKT được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 90 ngàn ha. Tính đến hết tháng 4/2016, các KCN, KKT đã thu hút 6.678 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 146 tỷ USD và 6.957 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 1.175 tỷ USD.

Từ đầu năm đến nay, các KCN, KKT đã thu hút 230 dự án FDI đăng ký mới và 165 dự án FDI tăng vốn với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt 3,49 tỷ USD. Cùng với đó là 350 dự án đầu tư trong nước mới với tổng vốn đăng ký đạt 8.500 tỷ đồng. Dự kiến, cuối năm nay, các KCN, KKT sẽ thu hút được 9 tỷ USD vốn FDI và 50.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước.

Đa số các dự án đầu tư tại các KCN, KKT có quy mô lớn, tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp phụ trợ, dệt may. KCN, KKT đang tạo công ăn việc làm cho 250 ngàn lao động trực tiếp và hàng ngàn lao động gián tiếp, dự kiến cuối năm 2016, sẽ có khoảng 285 ngàn lao động làm việc trực tiếp tại các KCN, KKT.

Hút vốn vào KCN, KKT

Mặc dù giữ vai trò chủ đạo trong thu hút đầu tư, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội và xuất khẩu của Việt Nam. Song nhiều ý kiến cho rằng, các KCN, KKT sẽ đóng góp nhiều hơn nếu có những giải pháp thu hút đầu tư hiệu quả.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây cũng đưa ra một loạt các giải pháp nhằm thu hút đầu tư vào KCN, KKT. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải tập trung thông qua huy động vốn từ các nguồn ODA, FDI, trái phiếu Chính phủ, vốn từ ngân sách nhà nước. Với giải pháp này, dự kiến, cuối năm nay, sẽ có khoảng 85% các KCN, KKT đang hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung.

Để thuận lợi hơn trong việc thu hút đầu tư vào KCN, KKT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất các Bộ, cơ quan ngang Bộ tập trung hướng dẫn việc phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý KCN, KKT thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo quy định Luật Đầu tư 2014, đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật chuyên ngành cho phù hợp, tránh tình trạng chồng chéo, gây khó khăn cho DN đầu tư vào các KCN, KKT. Tiếp tục sửa đổi một số quy định chưa thuận lợi cho thu hút đầu tư vào KCN, KKT về ưu đãi thuế thu nhập DN, chính sách tiền thuê đất đai, nghĩa vụ tài chính đối với DN phát triển hạ tầng KCN. Hoàn thành kết quả rà soát quy hoạch KCN, KKT cho phù hợp tình hình thực tế, đảm bảo diện tích phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai từng thời kỳ, tránh tình trạng bỏ trống đất đai, gây lãng phí. Đặc biệt, không phát triển thêm KCN khi chưa đảm bảo tỷ lệ lấp đầy theo quy định.

Để thu hút đầu tư vào KCN, KKT, Chính phủ cần nghiên cứu mô hình phát triển KCN chuyên ngành để tăng cường tính liên kết ngành, lĩnh vực, chuyên môn hóa, nhằm phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng như điện tử, cơ khí, dệt may, da giày.
Số lượt đọc: 1600
Thông báo