BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Ba, 24/12/2024
Quốc gia
50% DN FDI sẽ mở rộng quy mô sản xuất
Thứ Ba, 07/07/2015 02:25
50% DN FDI sẽ mở rộng quy mô sản xuất

Chính phủ đang thúc đẩy chương trình cải cách thể chế và thủ tục hành chính theo Nghị quyết 19/2014 ngày 18/3/2014 và Nghị quyết 19/2015 ngày 12/3/2015 của Chính phủ (Nghị quyết 19) về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.

Việc triển khai và thực hiện Nghị quyết 19 đã và đang mang lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến kế hoạch thực hiện, cơ chế điều hành… cần được hoàn thiện hơn.

Tăng niềm tin đối với doanh nghiệp

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết khảo sát doanh nghiệp của VCCI vừa công bố vào tháng Tư cho thấy, 46% số doanh nghiệp tư nhân trong nước và 50% số doanh nghiệp FDI dự kiến sẽ mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, mức cao nhất kể từ năm 2012 đến nay. Đây là tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang đánh giá tốt về môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ (VBF) gần đây, ông Fred Burke, Nhóm công tác đầu tư và thương mại của VBF 2015, đánh giá cao về việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 19/2014 và Nghị quyết 19/2015 quy định chi tiết các chỉ số đánh giá hiệu quả để đánh giá hiệu quả cung cấp dịch vụ của Chính phủ. Cụ thể, Nghị quyết 19/2015 bao gồm các thủ tục báo cáo thuế và thủ tục thanh toán; khả năng tiếp cận nguồn điện; bảo vệ sở hữu trí tuệ; quyền của nhà đầu tư và cổ đông thiểu số phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; sự công bằng và minh bạch trong khả năng tiếp cận tín dụng…

Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 19, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng nhiều tiến bộ đáng kể đã đạt được trong lĩnh vực khởi sự kinh doanh năm 2014. Đơn cử, với Luật Doanh nghiệp 2014, thời gian đăng ký kinh doanh chỉ còn ba ngày trong khi mục tiêu của Nghị quyết 19 là sáu ngày, khởi sự kinh doanh được cải thiện lên đến 72 bậc, cao hơn mức trung bình của ASEAN 6. Về bảo vệ nhà đầu tư, kết quả thực hiện được cải thiện 105 bậc, đạt mức trung bình của ASEAN 6.

Ngoài các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư trong nước cũng có đánh giá tích cực việc thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong nước, VCCI cho rằng, Nghị quyết 19 đã thực sự mở đường cho những nỗ lực đột phá trong các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, thành lập doanh nghiệp. Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, lần đầu tiên trong nhiều năm, năm nay đã có tới 70% doanh nghiệp cho biết, họ hài lòng với công tác cải cách hành chính của ngành thuế và đó là tiến bộ vượt bậc.

Chưa quyết liệt triển khai

Mặc dù việc thực hiện Nghị quyết 19 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều vấn đề bất cập trong quá trình triển khai, cũng như vẫn còn nhiều vấn đề Việt Nam cần cải thiện hơn về môi trường kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Theo Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Nghị quyết 19/2015 đề ra 13 nhiệm vụ, giải pháp tổng thể và 80 giải pháp cụ thể cho các bộ, cơ quan, địa phương.

Theo yêu cầu, trước ngày 30/4, các bộ, cơ quan, địa phương phải ban hành kế hoạch hành động. Song đến ngày 17/6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới nhận được kế hoạch hành động của 11 bộ, cơ quan và 11 ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố. Như vậy, hiện vẫn còn tới 14 bộ, cơ quan và tới 52 ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chưa có kế hoạch hành động; trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh - địa phương được Ngân hàng Thế giới lựa chọn để điều tra, đánh giá xếp hạng về môi trường kinh doanh cho ​Việt Nam.

Hơn nữa, hầu hết kế hoạch hành động đã gửi vẫn chưa cụ thể hóa cách thức triển khai thực hiện và dự kiến kết quả đạt được. Một số bộ và hầu hết các địa phương chưa nắm được phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết 19. Do đó, việc xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động chưa bám sát chỉ tiêu theo yêu cầu…

Trước khi VBF diễn ra, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) đã có cuộc khảo sát định kỳ về nhận định của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam về môi trường kinh doanh. Trong lần khảo sát này, EuroCham đã lấy những thay đổi của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới (có hiệu lực vào ngày 1/7/2015) để đo niềm tin của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, chỉ khoảng 21% doanh nghiệp tin là những thay đổi trên sẽ đem lại lợi ích chung cho hoạt động kinh doanh của họ; 41% doanh nghiệp tham gia khảo sát phản hồi không nắm bắt một cách rõ ràng, chi tiết về luật mới.

Chính vì vậy, đối với Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới, các nhà đầu tư kiến nghị cần hoàn thiện các nghị định hướng dẫn thực hiện hai luật trên. Theo các nhà đầu tư nước ngoài, Dự thảo hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư quy định nhà đầu tư phải hoàn trả các ưu đãi cho Nhà nước trong trường hợp nhà đầu tư không đáp ứng được các điều kiện hưởng ưu đãi. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng cho rằng, việc phải có cả hai Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cũng phần nào gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng cho rằng ở chỉ tiêu tiếp cận điện năng, Việt Nam đã được cải thiện 12 bậc, nhưng vẫn chưa đạt mức trung bình của ASEAN 6 và còn khoảng cách tới 15 ngày so với yêu cầu của Nghị quyết 19. Tương tự, việc nộp thuế và bảo hiểm xã hội tuy đã cải thiện 27 bậc nhưng vẫn chưa đạt trung bình ASEAN 6. Khoảng cách so với chỉ tiêu của Nghị quyết 19 là 35,5 giờ đối với nộp thuế và 185,5 giờ đối với nộp bảo hiểm xã hội. Nhất là trong số những nhiệm vụ, giải pháp chưa triển khai thực hiện trong năm 2014 là rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp và rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng.

Ở khía cạnh khác, ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam, cũng đưa ra nhận định về quy định nhập khẩu máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Các máy móc thiết bị đã qua sử dụng chỉ được nhập vào Việt Nam nếu thỏa mãn điều kiện sử dụng không quá 10 năm, chất lượng còn khoảng 80%...

Theo ông Ryu Hang Ha, các doanh nghiệp FDI rất khó có thể đáp ứng điều kiện về thời gian sử dụng 10 năm tính từ năm sản xuất và còn ít nhất 80% chất lượng so với chất lượng ban đầu.

Ông Ryu Hang Ha đề xuất: “Việc xác định thời gian sử dụng nên tính từ ngày bắt đầu sử dụng thay vì tính từ năm sản xuất. Thêm vào đó, nên quy định một cách chính xác các tiêu chuẩn thẩm định thời gian sử dụng và chất lượng còn lại cho các loại máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng khác nhau. Việc áp dụng một tiêu chuẩn cho tất cả các loại máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ là không hợp lý”.

Số lượt đọc: 467
Thông báo