BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Ba, 28/01/2025
Tình hình đầu tư các nước
Tình hình đầu tư của Israel tại Việt Nam
Thứ Ba, 15/03/2022 04:45
Tình hình đầu tư của Israel tại Việt Nam

Tính đến 20/02/2022, Israel có 37 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 85,27 triệu USD

1. ĐTNN của Israel tại Việt Nam lũy kế tới 20/02/2022

Tính đến 20/02/2022, Israel có 37 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 85,27 triệu USD, đứng thứ 49/140 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Quy mô dự án bình quân là 2,3 triệu USD/dự án, thấp hơn quy mô dự án bình quân chung là 12,06 triệu USD/dự án.

Theo lĩnh vực đầu tư: Vốn đầu tư tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có 05 dự án và 57,4 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 67,3% tổng vốn đầu tư; đứng thứ hai là lĩnh vực y tế và dịch vụ trợ giúp xã hội với 4 dự án, tổng vốn đăng ký 16,75 triệu USD, chiếm 19,6% tổng vốn đầu tư; thứ ba là lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với 01 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 5,2 triệu USD, chiếm 6,1% tổng vốn đầu tư.

Theo địa bàn đầu tư: Israel đã có đầu tư tại 06 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Dẫn đầu là tỉnh Bình Định với 01 dự án, tổng vốn đăng ký 54,42 triệu USD, chiếm 63,8% tổng vốn đầu tư. Thứ hai là thành phố Hồ Chí Minh có 23 dự án, tổng vốn đăng ký là 13,65 triệu USD,chiếm 16% tổng vốn đầu tư. Thứ ba là thành phố Đà Nẵng có 03 dự án, tổng vốn đăng ký 5,99 triệu USD, chiếm 7% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là tỉnh An Giang, thủ đô Hà Nội và tỉnh Đồng Nai.

Dự án tiêu biểu

Nhà máy dệt – nhuộm – may Delta Galil Việt Nam, cấp giấy chứng nhận đăng kí đầu tư ngày 26/01/2015, tổng vốn đầu tư đăng ký 54,42 triệu USD. Nhà đầu tư là Công ty Delta Galil Industries Ltd. Dự án Sản xuất sợi, sản xuất vải dệt thoi, hoàn thiện sản phẩm dệt (trong đó có nhuộm), sản xuất vải dệt kim, vải đan móc và vải không dệt khác, sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục), may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú), sản xuất trang phục dệt kim, đan móc. Doanh thu trong các năm dự kiến đạt 24.000.000 đô la Mỹ, tương đương 28.000.000 sản phẩm/năm.

3. Triển vọng hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Israel

Việt Nam và Israel thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức kể từ năm 1993. Trải qua gần 30 năm, mối quan hệ song phương ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực, nhất là hợp tác khoa học công nghệ và thương mại, công nghệ cao phục vụ nông nghiệp và y tế, hợp tác chống đại dịch COVID-19. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Israel ở khu vực Đông Nam Á (kim ngạch thương mại 2020 khoảng 1,8 tỷ USD). Hai nước đang đàm phán FTA và hiệp định lao động. Có thể thấy, triển vọng quan hệ giữa hai nước là rất tốt đẹp, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số và Israel có nhiều thế mạnh về giải pháp công nghệ cao.

Để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương, Chính phủ đã và đang nỗ lực hết sức để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam về thông tin thị trường, làm cầu nối với các đối tác Israel, hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thâm nhập thị trường, đầu tư, kinh doanh. Đồng thời cũng sẽ lựa chọn những doanh nghiệp có thực lực, quyết tâm và khát vọng để kết nối đối tác với doanh nghiệp Israel.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài
Số lượt đọc: 3220
Thông báo