BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 22/01/2025
Tình hình đầu tư các nước
Tình hình đầu tư của Singapore tại Việt Nam
Thứ Sáu, 15/04/2022 04:16
Tình hình đầu tư của Singapore tại Việt Nam

Tính đến 20/3/2022, Singapore có 2.866 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 67,5 tỷ USD

1. Tình hình ĐTNN của Singapore tại Việt Nam

1.1. Lũy kế tới tháng 3/2022:

Tính đến 20/3/2022, Singapore có 2.866 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 67,5 tỷ USD, đứng thứ 2/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (sau Hàn Quốc). Quy mô dự án bình quân của Singapore là trên 23,5 triệu USD/dự án, cao hơn quy mô dự án bình quân chung của cả nước là trên 12,1 triệu USD/dự án.

Theo lĩnh vực đầu tư: Các dự án đầu tư của Singapore tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 706 dự án với số vốn là 25,58 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm gần 38% tổng vốn đầu tư của Singapore tại Việt Nam; đứng thứ hai là hoạt động kinh doanh bất động sản với 190 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 18 tỷ USD, chiếm 26,7% tổng vốn đầu tư của Singapore tại Việt Nam; tiếp theo là lĩnh vực lĩnh vực sản xuất điện với 42 dự án với hơn 11,8 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 17,5%. Còn lại là những ngành khác.

Theo địa bàn đầu tư: Singapore hiện đã có đầu tư tại 51/63 tỉnh thành phố của Việt Nam (trong đó có khu vực dầu khí). TP Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu về vốn đầu tư của Singapore tại Việt Nam với 1.493 dự án, tổng vốn đầu tư là 11,8 tỷ USD, chiếm 17,5% tổng vốn đầu tư của Singapore tại Việt Nam; đứng thứ hai là Hà Nội với 460 dự án, tổng vốn đầu tư trên 7,87 tỷ USD, chiếm 11,7% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ ba là Bình Dương với 275 dự án, tổng vốn đầu tư 5,4 tỷ USD, chiếm 8% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Bắc Ninh, Long An, Quảng Nam và các địa phương khác.

1.2. Đầu tư của Singapore trong 3 tháng đầu năm 2022

Trong 3 tháng đầu năm 2022 trong bối cảnh dịch COVID 19 vẫn đang diễn biến phức tạp, việc nhập cảnh của nhà đầu tư vẫn gặp nhiều khó khăn nhưng đầu tư của Singapore tại Việt Nam vẫn đạt kết quả rất khả quan. Singapore là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với 40 dự án mới, 18 dự án tăng vốn và 80 lượt dự án góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đăng ký 2,28 tỷ USD, chiếm 25,7% tổng vốn FDI vào Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2022. 

1.3. Một số dự án tiêu biểu:

Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc trung tâm Nhiệt điện LNG Bạc Liêu, cấp phép ngày 16/1/2020. Nhà đầu tư là Delta Offshore Energy Pte.Ltd. Tổng vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD.

Dự án Công ty TNHH phát triển Nam Hội An (khu nghỉ dưỡng Nam Hội An), cấp phép ngày 10/12/2010. Nhà đầu tư là CTLD đầu tư Genting VinaCapital (Genting VinaCapital Investment Pte.Ltd). Tổng vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD tại tỉnh Quảng Nam.

Dự án Nhà máy điện LNG Long An I VÀ II, cấp phép ngày 19/3/2021. Nhà đầu tư là Vinacapital GS Energy PTE Ltd, tổng vốn đầu tư đăng ký 3,12 tỷ USD.

Trên đây là ba dự án FDI lớn nhất của Singapore tại Việt Nam.

2. Giải pháp thúc đẩy quan hệ đầu tư Việt Nam – Singapore:

- Hợp tác song phương chặt chẽ với Singapore trong xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau về chính sách, môi trường đầu tư của hai bên để  đẩy nhanh  dòng vốn đầu tư  vào Việt Nam và ngược lại.

- Về phía Việt Nam, sẽ nỗ lực hỗ trợ các dự án đầu tư của Singapore đã được cấp giấy phép đầu tư hoặc đang đàm phán, chuẩn bị đầu tư bằng cách giải quyết sớm các vướng mắc trong hoạt động của các dự án đầu tư đã được cấp giấy phép.

- Cần khuyến khích đầu tư vào các ngành vốn là thế mạnh của Singapore như phát triển hạ tầng, logisitics, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, điện tử, bán dẫn, giáo dục, y tế, dược phẩm, du lịch, công nghiệp hàng hải, hàng không vũ trụ, hợp tác phát triển các startup, tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; thúc đẩy liên kết với doanh nghiệp trong nước cũng như tham gia đối tác chiến lược tại các tập đoàn tư nhân.

- Việc ra mắt Hội đồng doanh nghiệp Singapore - Việt Nam vào tháng 7/2019 là diễn đàn cho cộng đồng doanh nghiệp 2 nước thắt chặt hợp tác hơn nữa. Qua đó tăng cường xúc tiến, trao đổi các đoàn doanh nghiệp giữa hai nước thông qua hội thảo, hội chợ triển lãm, hội nghị chuyên đề...

Theo Cục Đầu tư nước ngoài
Số lượt đọc: 7753
Thông báo