BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Chủ Nhật, 29/12/2024
Tình hình đầu tư các nước
Tình hình hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Hà Lan
Thứ Ba, 19/08/2014 02:19

Tính đến cuối tháng 7 năm 2014, Hà Lan đứng thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với 214 dự án và 6,45 tỷ USD vốn đăng ký; ngược lại, Việt Nam có 4 dự án đầu tư sang Hà Lan với tổng vốn đầu tư 6,26 triệu USD.

Đầu tư trực tiếp của Hà Lan vào Việt Nam.

  Tính đến cuối tháng 7 năm 2014, Hà Lan có 214 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 6,45 tỷ USD. Hà Lan đứng thứ 11 trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt nam.

            Phân theo chuyên ngành:

          Các nhà đầu tư Hà Lan đã đầu tư vào 16/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, chuyên ngành sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa đứng thứ nhất với 02 dự án với tổng vốn đầu tư 2,6 tỷ USD; đứng thứ hai là chuyên ngành chế biến, chế tạo với 83 dự án và tổng vốn đầu tư 2,06 tỷ USD. Chuyên ngành khai khoáng đứng thứ ba với 07 dự án có tổng vốn đầu tư 773,6 triệuUSD; còn lại là các chuyên ngành khác.

          Phân theo hình thức đầu tư

          Các dự án đầu tư của Hà Lan được đầu tư theo 6 hình thức: hợp đồng BOT, BTO, BT; 100% vốn nước ngoài, Hợp đồng hợp tác kinh doanh; Liên doanh; Công ty mẹ con; Công ty cổ phần. Đứng thứ nhất là hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT với 2 dự án, tổng vốn đầu tư là 2,6 tỷ USD. Đứng thứ hai là hình thức 100% vốn nước ngoài với 159 dự án, tổng vốn đầu tư là 2,33 tỷ USD. Còn lại là các hình thức khác.

          Phân theo địa phương

  Các nhà đầu tư Hà Lan đã đầu tư vào 28 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, đứng thứ nhất là Quảng Ninh với một dự án nhưng tổng vốn đầu tư dự án lên đến 2,15 tỷ USD. Thành phố Hồ Chí Minh có 78 dự án với tổng vốn đầu tư 843,45 triệu USD. Tiếp theo là các dự án dầu khí và các dự án tại Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu ...

         
Đầu tư của Việt Nam sang Hà Lan.

Tính đến cuối tháng 7 năm 2014, Hà Lan có 4 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư 6,26 triệu USD.
          
          Một số giải pháp nhằm tăng cường hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Hà Lan

          
Việt Nam và Hà Lan đã thiết lập mối quan hệ ngoại giao từ rất sớm. Hà Lan đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Hai bên cũng đã ký kết nhiều văn kiện tạo khung pháp lý cho sự hợp tác trong giai đoạn mới: hiệp định hợp tác hàng không (10/1993),  Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (3/1994), Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần và Bản Thoả thuận về hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật (1/1995)...

          Những năm gần đây, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hà Lan tăng trưởng ổn định. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Hà Lan là: giày dép các loại, may mặc, hạt điều, hạt tiêu, cà phê, hải sản, hàng rau quả, đồ gỗ và các sản phẩm gỗ chế biến. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Hà Lan là sữa và các sản phẩm sữa, tân dược và nguyên phụ liệu dược phẩm, sắt thép các loại, chất dẻo nguyên liệu, thức ăn gia súc, nguyên liệu, hoá chất, chất dẻo các loại....Tuy nhiên, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hà Lan tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng và nguyện vọng hợp tác đầu tư giữa hai nước. Nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp của Hà Lan còn chưa hiểu rõ về môi trường, chính sách khuyến khích đầu tư của Việt Nam, chưa thực sự hiểu rõ về đất nước – con người và thị trường tiềm năng của Việt Nam. Để thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa Việt Nam với Hà Lan, cần thực hiện một số giải pháp sau:

          - Trên cơ sở tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước, hai bên cần tạo điều kiện hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước có cơ hội trao đổi, tiếp xúc nhằm thúc đẩy quá trình giao thương và đầu tư. Hai bên cần phối hợp triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư biết thêm về môi trường đầu tư và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của mỗi nước để tìm kiếm cơ hội đầu tư lẫn nhau.

          - Tập trung thu hút đầu tư của Hà Lan vào các lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu và Hà Lan có thế mạnh như: xây dựng, hoá chất, khai thác dầu khí, công nghiệp sản xuất máy móc thiết bị điện tử, vi điện tử, chế biến nông sản, thực phẩm, đánh cá, dịch vụ hàng hải, cảng, vận tải sông...

          - Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án hiện đang hoạt động tại Việt Nam; thông qua các dự án của Hà Lan đang hoạt động có hiệu quả của Hà Lan để quảng bá giới thiệu hình ảnh của Việt Nam cho các nhà đầu tư tiềm năng tại Hà Lan.

Số lượt đọc: 2304
Tin khác
Thông báo