1. Tình hình ĐTRNN 4 tháng và lũy kế đến 20/4/2022
Trong 4 tháng đầu
năm 2022, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt trên 327,72 triệu USD, bằng 60% với cùng kỳ. Trong đó, có 34 dự án được cấp giấy
chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng
ký đạt trên 285,8 triệu USD, bằng 2
lần so với cùng kỳ; có 09 dự án điều chỉnh
vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm trên 41,9 triệu USD, bằng 10,4% so với cùng
kỳ.
Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư
ra nước ngoài ở 11 ngành. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 8 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư trên 204,39
triệu USD,
chiếm gần 62,4% tổng vốn đầu tư. Ngành khai khoáng đứng thứ hai với 01 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư 33,54
triệu USD,
chiếm 10,2%; tiếp theo là các ngành tài chính ngân hàng, bán buôn, bán lẻ; thông tin truyền thông;,…
Có 16
quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2022. Dẫn đầu là Lào với 01 dự án đầu tư mới và 03 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 64,51 triệu USD, chiếm 19,7% tổng vốn đầu tư. Đứng
thứ hai là Singapore với tổng vốn đầu tư trên
35,9 triệu USD, chiếm gần 11% tổng vốn đầu
tư. Tiếp theo lần lượt là Hoa Kỳ, Đức, Hà Lan,…
Lũy kế đến 20/04/2022, Việt Nam đã có
1.549 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam gần
21,55 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các
ngành khai khoáng (32,3%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,8%). Các địa bàn nhận
đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (24,8%); Campuchia (13,6%);
Venezuela (8,5%);…
(Biểu số
liệu chi tiết tại Phụ lục IV và V kèm theo báo cáo).
2. Tác động của xung đột Nga – Ucaina đến ĐTRNN của doanh
nghiệp Việt Nam tại Nga, Ucraina.
- Các nhà đầu tư Việt Nam tại Nga do cấm vận của Mỹ và các nước sẽ bị tác
động tiêu cực cả ngắn hạn và dài hạn. Cụ thể là: (i) xuất khẩu trực tiếp và
gián tiếp (thông qua khách hàng Châu Âu) vào Nga giảm; (ii) nợ đến hạn không
thể thu hồi (thông qua ngân hàng), ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp,
thiếu hụt vốn để hoạt động kinh doanh; (iii) ảnh hưởng đến hoàn thuế đối với
doanh nghiệp xuất khẩu; (iv) đồng Ruble mất giá làm tăng chi phí đầu tư hoặc giảm giá trị lợi nhuận chuyển về nước
hoặc buộc doanh nghiệp phải chia sẻ khó khăn với khách hàng nếu muốn duy trì
mối quan hệ kinh doanh lâu dài; (v) chi phí tăng do cước vận chuyển quốc tế
tăng (giá dầu tăng); (vi) việc Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế
(SWIFT) gây khó khăn cho thanh toán và chuyển lợi nhuận về nước. Tuy nhiên, các
dự án trong lĩnh vực sản xuất, hàng tiêu dùng tại Nga sẽ có lợi thế tại thị
trường Nga khi hàng hóa của Châu Âu và các nước khác gặp nhiều cản trở khi nhập
khẩu
. Đồng thời, các công ty Việt Nam đang có cơ hội tốt để tiếp cận các dự án tiềm
năng của các công ty phương Tây chuyển nhượng hoặc trả lại cho Chính phủ Nga do
lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và châu Âu.
Đầu tư của Việt
Nam tại Ucraina có số lượng dự án và mức vốn không cao, bên cạnh yếu tố thị
trường thì ngay từ năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có định hướng, khuyến nghị để hạn chế hoạt
động đầu tư mới sang Ucraina cho đến khi ổn định tình hình để bảo đảm an toàn
hiệu quả trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Trước tình hình
xung đột tại địa bàn này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã liên lạc và khuyến nghị các
nhà đầu tư: (i) thu hẹp quy mô, hoặc giãn tiến độ, tạm ngừng hoạt động; (ii)
giữ liên lạc thường xuyên với Đại sứ quán Việt Nam để được hướng dẫn, bảo hộ;
(iii) liên hệ chặt chẽ với cộng đồng người Việt tại địa phương để có sự trợ
giúp, đùm bọc; (iv) cân nhắc dừng hẳn hoạt động, chuyển nhượng dự án để bảo
toàn vốn đầu tư./.