BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Sáu, 22/11/2024
Tình hình đầu tư ra nước ngoài
Tình hình đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài năm 2012
Thứ Sáu, 28/03/2014 10:33

Vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài trong năm 2012 đạt 1,546 tỷ USD, bằng 61,11% so với năm 2011.

1. Tình hình ĐTRNN năm 2012
Trong năm 2012, đã có 84 dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp phép với tổng vốn đăng ký là 1,41 tỷ USD và 9 dự án tăng vốn, với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 132,25 triệu USD. Như vậy, vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài trong năm 2012 đạt 1,546 tỷ USD, bằng 61,11% so với năm 2011.

Vốn thực hiện của đầu tư ra nước ngoài trong năm 2012 đạt khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2011.

2. Lũy kế đến 31/12/2012

Về vốn đăng ký: Tính đến 31/12/2012 đã có 719 dự án ĐTRNN được cấp phép với tổng vốn đầu tư 29,23 tỷ USD, trong đó vốn của nhà đầu tư Việt Nam đạt 12,87 tỷ USD.

Về vốn thực hiện: Vốn thực hiện lũy kế đến nay đạt khoảng 3,8 tỷ USD; trong đó khoảng 2,9 tỷ USD trong lĩnh vực dầu khí; gần 500 triệu USD trong lĩnh vực trồng cây cao su, khoảng 400 triệu USD trong lĩnh vực thủy điện; viễn thông 249 triệu USD…Vốn đầu tư thực hiện tại Lào đạt khoảng 691 triệu USD; Campuchia đạt trên 621 triệu USD.

3. Đánh giá tình hình ĐTRNN năm 2012

a) Mặt được:

- Xu hướng đầu tư ra nước ngoài thời gian gần đây đang có sự gia tăng đáng kể vào những địa bàn phù hợp với định hướng đầu tư ra của ta và cũng tập trung phần lớn vào những ngành, lĩnh vực phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam như dầu khí; thủy điện, trồng cây công nghiệp, viễn thông, sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam tại nước ngoài... 

- Tính đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển về nước khoảng 430 triệu USD, bằng 11,3% tổng vốn đầu tư đã thực hiện. Các hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã tạo ra việc làm cho hàng nghìn lao động Việt Nam và hàng vạn lao động của nước tiếp nhận đầu tư, đặc biệt là Lào và Campchia, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân của nước bạn. 

- Trong lĩnh vực trồng cây công nghiệp: hiện các doanh nghiệp Việt Nam đã trồng được khoảng 130.000 ha cao su tại Lào và Campuchia (Lào khoảng 80.000 ha; Campuchia khoảng 50.000 ha). Vườn cây sinh trưởng tốt. Một phần diện tích khoảng (10.000 ha) cây cao su tại Lào đã được đưa vào khai thác từ năm 2013. 

b) Tồn tại, hạn chế: 

- Đầu tư ra nước ngoài gia tăng trong thời gian gần đây, trong khi nền kinh tế trong nước đang gặp nhiều khó khăn, cần nguồn lực để đầu tư. Do vậy, cần phải có giải pháp cân đối phù hợp bảo đảm cân đối vĩ mô của nền kinh tế được ổn định. 

- Khuôn khổ pháp lý đối với các hoạt động đầu tư ra nước ngoài chưa đầy đủ, chưa đồng bộ và còn nhiều bất cập, đặc biệt là các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài có sử dụng vốn đầu tư của nhà nước. Do vậy, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài còn gặp rất nhiều khó khăn. 

- Một số lĩnh vực đầu tư quan trọng tại Lào và Campuchia chậm được triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của bạn; một số dự án đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện có nảy sinh một số vấn đề vướng mắc với người dân trong vùng dự án. 

Số liệu chi tiết

Cục Đầu tư nước ngoài
Số lượt đọc: 2310
Thông báo