Để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các KCN trước tác động ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ đầu năm 2022 đến nay, Ban Quản lý các KCN đã ban hành gần 1.300 văn bản tham mưu, đề xuất UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành quản lý các lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, đầu tư, lao động và môi trường trong các KCN.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư trực tuyến thông qua điện thoại, mạng xã hội, zalo và bằng văn bản, tài liệu; tổ chức buổi làm việc giữa đại diện Hiệp hội doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc và Công ty TNHH Compal (Việt Nam) để tháo gỡ khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, nhất là vấn đề tăng lương cho người lao động (NLĐ).
Tham vấn thực hiện đánh giá tác động môi trường dự án Đầu tư xây dựng hạng mục nâng công suất xử lý nước thải Module 2 từ 4.000 m3/ngày lên 14.000 m3/ngày thuộc nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Khai Quang của Công ty Cổ phần phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc.
Phối hợp với các cơ quan chức năng đề xuất UBND tỉnh đề nghị Cục quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an cho phép NLĐ nước ngoài được phép nhập cảnh vào Vĩnh Phúc làm việc đối với nhà quản lý, chuyên gia và lao động kỹ thuật cao; hỗ trợ DN thực hiện 5 hợp đồng tư vấn dịch vụ về đầu tư và lao động.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, BQL các KCN tỉnh đã thực hiện hướng dẫn các DN tuân thủ các biện pháp phòng dịch Covid-19 theo quy định; phối hợp chặt chẽ các sở, ngành nắm bắt khó khăn, vướng mắc của DN; cung cấp nhóm Zalo phục vụ hỗ trợ, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà.
Hỗ trợ, vận chuyển 18 chuyến, với 462 ca F0 giúp giảm chi phí và thời gian chờ đợi của DN trong việc chuyên chở F0 về cơ sở điều trị, đảm bảo không lây lan dịch bệnh khi di chuyển người bệnh.
Đặc biệt, trong tháng 1/2022, BQL các KCN tỉnh đã ứng dụng phần mềm Igate trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) một cửa, một cửa liên thông đảm bảo gần 100% TTHC được giải quyết đúng và trước thời hạn.
Nhờ sự nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường các hoạt động hỗ trợ DN, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, dòng vốn đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh tăng cao. 6 tháng đầu năm 2022, BQL các KCN tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 9 dự án và thực hiện điều chỉnh tăng vốn cho 18 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 208 triệu USD, đạt 177% về vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2021 và đạt hơn 70% kế hoạch năm 2022.
Đặc biệt, Ban thu hút được 2 dự án quy mô lớn của Nhật Bản với tổng vốn đầu tư gần 120 triệu USD, chiếm 57% tổng vốn đầu tư thu hút FDI 6 tháng đầu năm 2022. Đến nay, toàn tỉnh có 426 dự án còn hiệu lực đầu tư trong các KCN, trong đó có 339 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 5,6 tỷ USD.
Trong số 18 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Vĩnh Phúc, Hàn Quốc đứng đầu về số dự án, vốn đầu tư với 173 dự án, vốn đăng ký đầu tư hơn 2,2 tỷ USD, chiếm 40% tổng vốn đầu tư; đứng thứ hai là Đài Loan với 36 dự án, vốn đầu tư gần 1 tỷ USD.
Trong quá trình thực hiện dự án, các nhà đầu tư luôn chấp hành tốt các quy định của pháp luật Việt Nam đặc biệt là các quy định về môi trường như kiểm soát, xử lý ô nhiễm khói bụi, nguồn nước...
Theo ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng BQL các KCN tỉnh, không chỉ bây giờ mà từ cách đây 25 năm khi tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc luôn chú trọng vào dòng vốn FDI chất lượng cao. Điều này lý giải vì sao Nhật Bản, Hàn Quốc, Italia, Đức - Những nhà đầu tư với yêu cầu cao về hạ tầng, nguồn nhân lực, đã lựa chọn Vĩnh Phúc là một trong những nơi “đặt chân đầu tiên” tới Việt Nam khi đầu tư vào Việt Nam.
Vĩnh Phúc nổi lên là địa phương có ngành sản xuất ô tô, xe máy hàng đầu cả nước với những tên tuổi như Honda, Toyota, Piaggio hay Deawoo Bus. Điều này cho thấy hướng đi đúng đắn của Vĩnh Phúc trong chính sách thu hút FDI.
Dự kiến nguồn vốn đầu tư vào các KCN tiếp tục tăng trong thời gian tới, vì vậy, từ nay đến cuối năm 2022, BQL các KCN chủ động kết nối, tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng, các tập đoàn lớn đến tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh vào các KCN.
Phối hợp với các sở, ngành, địa phương hoàn thành việc tham mưu, đề xuất với tỉnh chính sách hỗ trợ đối với dự án công nghiệp công nghệ cao đầu tư vào tỉnh để không bỏ lỡ cơ hội thu hút các tập đoàn lớn, các dòng vốn đầu tư chất lượng, các dự án công nghệ cao.
Rà soát những khó khăn vướng mắc, nguyên nhân trong việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng các KCN, nhằm kịp thời tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án; giám sát chặt chẽ các chủ đầu tư hạ tầng về năng lực và cam kết triển khai dự án, từ đó có biện pháp xử lý, kiên quyết thu hồi hoặc tìm kiếm nhà đầu tư mới đủ năng lực tiếp tục thực hiện dự án.