BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 22/01/2025
Ngành, Lĩnh vực
Nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà ĐTNN tại các NHTM
Thứ Năm, 16/12/2021 11:11
Nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà ĐTNN tại các NHTM

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố Báo cáo “Nghiên cứu tính cần thiết của việc nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại Việt Nam”.

Báo cáo sẽ giúp các cơ quan hoạch định chính sách có thêm thông tin, cơ sở và động lực để nghiên cứu chi tiết hơn khả năng điều chỉnh giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam, trong đó có cân nhắc các yếu tố khác có liên quan như tự do hóa tài khoản vốn, mức độ cam kết trong các FTA.

Việc mạnh dạn nghiên cứu khả năng điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với nhà ĐTNN vào cũng mang lại kỳ vọng cho các NHTM Việt Nam trong việc thu hút thêm nguồn vốn nước ngoài, đi kèm với các bí quyết quản trị, công nghệ, góp phần tái cấu trúc lại ngân hàng một cách hiệu quả hơn.

Báo cáo đáp ứng ba mục tiêu chính: Xác định những lợi ích và thách thức đối với Việt Nam khi điều chỉnh tăng giới hạn đối với tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà ĐTNN tại các NHTM Việt Nam; Tăng cường nhận thức về sự quan tâm của nhà ĐTNN đối với việc sở hữu cổ phần tại các NHTM Việt Nam; Kiến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước về nghiên cứu điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà ĐTNN tại các NHTM Việt Nam.

Báo cáo thống kê từ các nguồn về cơ cấu tỷ lệ sở hữu của các NHTM tại thời điểm tháng 4/2021 cho thấy, một số ngân hàng đã có tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà ĐTNN chạm trần 30% hoặc gần chạm trần 30%, và còn nhiều ngân hàng khác có tỷ lệ thấp hơn mức trần 30%.

Việc điều chỉnh tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà ĐTNN tại các NHTM Việt Nam có thể mang lại một số lợi ích như: Tăng khả năng đáp ứng tiêu chuẩn Basel II cho các NHTM Việt Nam; Hỗ trợ thực hiện hiệu quả các cam kết về giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà ĐTNN tại NHTM trong các FTA, đặc biệt là EVFTA, theo đó cân nhắc tích cực đề xuất của các định chế tài chính EU về việc nắm giữ tối đa 49% vốn điều lệ tại 2 NHTM cổ phần trong nước trong vòng 5 năm sau khi EVFTA có hiệu lực, trừ Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank.

Cùng với đó, việc nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà ĐTNN sẽ tăng khả năng thu hút đầu tư và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cho các ngân hàng, đồng thời, tỷ lệ room khi được nâng lên một cách hợp lý cũng góp phần tránh được rủi ro nhà ĐTNN chi phối hoạt động của NHTM.

Việc nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà ĐTNN có thể cho phép các NHTM tại Việt Nam tiếp cận bình đẳng với các cơ hội tài trợ nước ngoài. Điều này có thể giúp tránh các tác động khác nhau đến cạnh tranh ngân hàng, ít nhất là giữa các ngân hàng tư nhân, vì một số có thể được hưởng lợi sớm hơn từ việc nâng giới hạn sở hữu theo cam kết EVFTA.

Thực tế hiện nay cho thấy tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà ĐTNN thấp có thể là do các NHTM đang chờ các cổ đông chiến lược phù hợp, nhưng các đối tác tiềm năng nhận thức được giới hạn đối với tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà ĐTNN, do đó lo ngại có thể không phát huy hết vai trò chiến lược.Vì vậy, nhìn từ góc độ này, việc nới room sẽ giúp các NHTM tăng cường thu hút đầu tư và có nhiều cơ hội tìm kiếm đối tác chiến lược.

Mặt khác, việc nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà ĐTNN ở mức hợp lý khó có thể dẫn đến mất kiểm soát hoặc mất ổn định hệ thống ngân hàng trong nước. Mấu chốt là ở chỗ phân biệt room cho nhà ĐTNN nói chung và room cụ thể cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ giúp tránh được nguy cơ này.

Tuy nhiên, bên cạnh các lợi ích mang lại, thách thức và vấn đề phát sinh từ việc nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà ĐTNN cần cân nhắc như có thể ảnh hưởng đến mức độ tuân thủ của các NHTM đối với các chính sách và chủ trương của NHNN, vấn đề hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội, ổn định vĩ mô. Bên cạnh đó, việc nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư ở mức độ nào cũng đang là vấn đề còn nhiều tranh luận lâu nay. Mặt khác, nếu thay đổi quá nhỏ về giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà ĐTNN có thể sẽ không giúp xây dựng niềm tin của các nhà ĐTNN.

Báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm của Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia cho thấy, các nước đều đã cân nhắc tích cực việc điều chỉnh tăng tỷ lệ sở hữu của nhà ĐTNN tại các NHTM. Tuy nhiên, mức độ điều chỉnh tăng và lộ trình thực hiện có sự khác biệt giữa các nước, tùy đặc thù cụ thể và quyết tâm của từng nước đối với cải thiện hiệu quả hoạt động của các NHTM thông qua hợp tác với nhà ĐTNN.

Trên cơ sở các bài học kinh nghiệm từ các nước và thực tiễn tại Việt Nam, Báo cáo kiến nghị đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc một cách tiếp cận mở hơn trong điều tiết ngành ngân hàng, trong đó có tiếp cận mở đối với giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà ĐTNN tại các NHTM.

Theo đó, Việt Nam cần nghiên cứu chi tiết hơn về lợi ích tiềm năng của việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà ĐTNN tại các NHTM gắn với các kịch bản điều chỉnh cụ thể.

Báo cáo cũng đề xuất, Việt Nam cần cân nhắc cập nhật chiến lược phát triển ngành ngân hàng, trong đó có cân nhắc cập nhật quan điểm về mức độ tham gia của nhà ĐTNN; cải thiện khung pháp lý theo hướng hiện đại và mở, nhằm bảo đảm cạnh tranh bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính; cân nhắc khả năng nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà ĐTNN tại NHTM trong các đề xuất về phát triển trung tâm tài chính quốc tế, Fintech, các tổ chức trung gian thanh toán.../.

Số lượt đọc: 886
Thông báo