Theo quy chế quản lý và thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, được thí điểm theo hình thức đối tác công tư (PPP), nhà đầu tư thứ nhất của dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco sẽ đóng góp 60% vốn.
Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình 'xã hội hóa' nguồn vốn đầu tư hạ tầng, theo hình thức mới mà Chính phủ đã và đang tích cực triển khai.
Theo hình thức mới này (PPP), nguồn vốn thực hiện dự án gồm nguồn vốn do khu vực tư nhân huy động và nguồn vốn của Chính phủ huy động. Ngoài Bitexco được xác định là nhà đầu tư thứ nhất, nhà đầu tư thứ hai tham gia dự án sẽ đóng góp 40% vốn còn lại thông qua đấu thầu cạnh tranh quốc tế.
Hai bên sẽ thành lập liên doanh để đầu tư dự án, theo đó vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư trong dự án không được thấp hơn 20% tổng chi phí xây dựng và trong quá trình thực hiện dự án, các nhà đầu tư có thể tự cân đối nguồn lực để thỏa thuận điều chỉnh tỷ lệ tham gia của từng bên cho phù hợp.
Chính phủ sẽ bảo lãnh cho Bitexco vay vốn từ nguồn tín dụng IBRD của Ngân hàng Thế giới (WB) để thực hiện dự án và đây là một trong các chính sách ưu đãi đầu tư đối với dự án. Khoản vay IBRD này được tính là phần tham gia của nhà đầu tư thứ nhất trong dự án.
Trong khi đó, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, chi phí di dời các cơ sở tiện ích khỏi mặt bằng dự án, chi phí rà phá bom mìn do Nhà nước thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo các quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với yêu cầu của nhà tài trợ.
Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm theo thỏa thuận với các nhà đầu tư tại hợp đồng dự án. Ngoài ra, một tổ công tác liên ngành cũng sẽ được thành lập để hỗ trợ Bộ Giao thông Vận tải trong quá trình chuẩn bị dự án, lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán, quản lý và thực hiện dự án.
Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bitexco lập dự án đầu tư vào cuối năm 2008. Tuyến đường có điểm đầu dự kiến kết nối với đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây; điểm cuối nằm trên tuyến quốc lộ 1A đi Ba Bàu, Bình Thuận.
Đây là đường cao tốc loại A có 6 làn xe với vận tốc thiết kế đạt 120 km/giờ. Đoạn đường dài 97 km này dự kiến sẽ tiêu tốn khoản đầu tư khoảng 846 triệu USD.