BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Chủ Nhật, 29/12/2024
Tin dự án
Động lực cho sự phát triển của ĐBSCL chính là “nước
Thứ Bảy, 14/11/2020 01:44

Nước, bao gồm cả nước ngọt, nước mặn, nước lợ, chính là nguồn tài nguyên thiên nhiên để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển kinh tế.

Động lực cốt lõi là nước

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục tổ chức các hội thảo tham vấn về Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Mới đây nhất là hội thảo tham vấn với chủ đề “Nước - Định hướng chiến lược vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, được tổ chức tại Cần Thơ.

 

.

Hội thảo tham vấn với chủ đề “Nước - Định hướng chiến lược vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, được tổ chức tại Cần Thơ.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện tự nhiên gắn với hệ thống sông, ngòi, kênh, rạch, đất, nước, môi trường, hệ sinh thái, cảnh quan và các yếu tố kinh tế - xã hội như phong tục, tập quán, sinh kế, truyền thống canh tác, mùa vụ, tạo thành một mối tổng hòa và liên kết rất chặt chẽ với nhau. Trong đó, vai trò của “nước” được xác định là tài nguyên không gì có thể thay thế được và là động lực phát triển chính của vùng.

Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với nhiều thách thức, như việc khai thác, sử dụng nước quá mức đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng.

Đặc biệt, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan, làm ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, sụt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập lụt tại các đô thị, tuyến dân cư, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng…

Trong bối cảnh đó, các ngành, các cấp đã ban hành và thực thi nhiều chương trình, dự án, quy hoạch, kế hoạch, song những biện pháp này chủ yếu để ứng phó mang tính cục bộ theo ngành, lĩnh vực và từng địa phương riêng rẽ, mà thiếu tính tổng thể, liên kết giữa ngành, địa phương một cách dài hạn trên toàn vùng nên chưa mang lại hiệu quả thiết thực cho Đồng bằng sông Cửu Long.

“Vì thế, tôi cho rằng, việc giải quyết các vấn đề của Đồng bằng sông Cửu Long cần phải đặt trên quan điểm tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực, trên cơ sở xử lý đồng bộ bài toán tổng thể với một tầm nhìn dài hạn trong sự phối hợp tham gia của tất cả các ngành kỹ thuật, kinh tế và xã hội bằng những công cụ xác đáng, mang tính kết nối cao, đó là công cụ quy hoạch”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Trên thực tế, không phải đến bây giờ, vai trò chiến lược của “nước” đối với sự phát triển của Đồng bằng công Cửu Long mới được đề cập.

Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu cũng đã nhất mạnh rằng: “Lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng, cần phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực. Bên cạnh tài nguyên nước ngọt, cần coi nước lợ, nước mặn cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế…”.

Và khi nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp, đa ngành mà Luật Quy hoạch quy định, một lần nữa “nước” được coi trọng.

Trong Khung định hướng phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, các quan điểm phát triển cho vùng được hoạch định rõ ràng. Trong đó, với quan điểm về “biến thách thức thành cơ hội”, Khung định hướng xác định, bên cạnh tài nguyên nước ngọt, cần coi nước lợ, nước mặn cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế.

Theo đó, quy hoạch vùng mới cần chuyển từ “sống chung với lũ” sang “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn”, khai thác hợp lý tiềm năng tài nguyên nước lợ, nước mặn ở vùng ven biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Thậm chí, Khung định hướng cũng xác định, phát triển thuận thiên không nên dừng lại ở việc “tận dụng một cách hiệu quả nhất các điều kiện tự nhiên để tăng trưởng kinh tế”; mà cần coi “các thách thức này là động lực để chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả và giá trị đối với các hoạt động phát triển”, đặc biệt là các hoạt động phát triển ít phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên…

Con đường cũ không thể đi tiếp

Trên thực tế, khi xây dựng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Liên danh tư vấn Royal Haskoning DHV & GIZ đã đề xuất chia vùng Đồng bằng sông Cửu Long thành 3 tiểu vùng, bao gồm vùng nước ngọt (lùi vùng ngọt vào khu vực an toàn tự nhiên, không can thiệp), vùng chuyển tiếp (chấp nhận ngọt - mặn theo mùa, chỉ điều tiết, không ngăn mặn) và vùng mặn (tuần hoàn nước biển, phát triển thủy sản và phục hồi sinh thái); đồng thời có các giải pháp cụ thể cho cả 3 vùng này trong cả trung và dài hạn.

Chẳng hạn, với vùng nước ngọt ở khu vực Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên, giải pháp là bỏ lúa vụ 3, phát triển sinh kế dựa vào lũ; xả lũ vào ruộng; không phát triển thành vùng trữ nước quanh năm; sử dụng hệ thống cống ở đê bao hiện hữu vào mục đích điều tiết lũ cực đoan chống thiên tai…

Hay với vùng nước mặn bán đảo Cà Mau, giải pháp là phát triển hệ thống tuần hoàn nước mặn; chuyển đổi nuôi trồng thủy sản độc canh sang đa canh bền vững; cấm khai thác nước ngầm ở vùng ven biển; làm đê chắn sóng bảo vệ bờ…

Trong khi đó, đề cập các định hướng giải quyết các vấn đề do nước gây ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc phát triển thủy lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long phải đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt cho nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, có giá trị gia tăng; đảm bảo nhu cầu thị trường trong nướchội nhập sâu, rộng vào thị trường quốc tế; đảm bảo, có giải pháp ứng phó, giảm nhẹ rủi ro khi có thiên tai, với kịch bản bất lợi nhất trong phát triển tài nguyên; sử dụng hợp lý tài nguyên; góp phần bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái, phát triển bền vững….

Để giải quyết các vấn đề này, tăng cường hợp tác tiểu vùng Mekong, Mekong - Lan Thương là cần thiết. Bên cạnh đó, cần được nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống thủy lợi, đáp ứng mô hình phát triển bền vững...

Quan trọng không kém, là cần có cơ chế quản lý liên vùng, liên ngành; đặc biệt giữa giao thông, thủy lợi và dân cư; xây dựng quy hoạch tổng thể bố trí dân cư ven sông và các trục kênh rạch, dựa vào quy hoạch không gian tích hợp; đồng thời chuyển đổi sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu bằng giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng…

Đồng tình với các đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như đơn vị tư vấn xây dựng Quy hoạch, ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long, nhấn mạnh rằng: “Đồng bằng sông Cửu Long đang ở ngã ba đường”, khi đang đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Đó là biến đổi khí hậu và nước biển dâng; tác động từ thượng nguồn; và các vấn đề liên quan đến sự thiếu bền vững trong nội tại Đồng bằng sông Cửu Long.

“Nội tại Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều vấn đề, như nông nghiệp thâm canh, chạy theo số lượng; quy hoạch đơn ngành, cục bộ địa phương; chiến lược an ninh lương thực lỗi thời, tập trung hẹp vào cây lúa. Điều này dẫn tới việc can thiệp thô bạo vào hệ thống tự nhân”, ông Thiện nói.

Hệ lụy của vấn đề này chính là không giải quyết được những thách thức của biến đổi khí hậu; nông dân không thoát nghèo, đất đai bạc màu; lại mất dần nét đặc trưng của văn hóa sông nước; và dẫn tới làn sóng di cư ra khỏi đồng bằng…

“Con đường cũ không thể đi tiếp. Phải đi theo Nghị quyết 120 mới bền vững được”, ông Thiện nhấn mạnh.

Theo đó, phải tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; xem nước mặn, ngọt, lợ đều là tài nguyên; chuyển hướng nền nông nghiệp từ thuần túy chạy theo số lượng sang chất lượng; sắp xếp lại ưu tiên sang thủy sản - hoa màu, cây trồng khác lúa…

Cải cách nông nghiệp, xây dựng các công trình điều tiết nước, giải quyết các vấn đề nước sinh hoạt, quản lý khai thác cát, có biện pháp giải quyết sụt lún, ngập đô thị… là những vấn đề mà theo ông Thiện là cần tập trung giải quyết.

“Nghị quyết 120, nếu thực hiện đúng, sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề cho Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Thiện nhấn mạnh.

Số lượt đọc: 366
Thông báo