Foxconn, có trụ sở tại Đài Loan, vừa xuất xưởng lô màn hình tinh thể lỏng đầu tiên tại Việt Nam vào tuần trước. Động thái của công ty Đài Loan được cho là nhằm tận dụng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa được ký kết.
RCEP được ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand ký kết hôm 15/11 nhằm giảm thuế quan và thúc đẩy giao thương thông suốt tại khu vực châu Á. Foxconn dự định triển khai sản xuất trên quy mô toàn diện tại Việt Nam để được hưởng lợi từ thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới này.
Theo Nikkei Asia, công ty này sẽ sớm thành lập một công ty mới tại Việt Nam. Dù chưa tiết lộ thông tin chi tiết, công ty này có thể sẽ sản xuất các bộ phận liên quan tới máy tính như màn hình.
Hiện tại, phần lớn hoạt động sản xuất của Foxconn được đặt tại Trung Quốc đại lục. Dù Trung Quốc tham gia RCEP, những bất ổn xung quanh quan hệ Mỹ - Trung đã khiến nhiều công ty, trong đó có Foxconn, tìm cách đa đạng hóa địa bàn sản xuất.
Theo các nhà phân tích, cũng tham gia RCEP, Việt Nam có vị trí địa lý gần với Trung Quốc nên thuận tiện cho hoạt động vận chuyển và có chi phí nhân công rẻ.
"Cơn sốt đầu tư của các doanh nghiệp lớn vào Việt Nam đang ngày càng nóng", Young Liu, chủ tịch của Foxconn, nhận xét.
Ngày 25/11, Young Liu cho biết Foxconn sẽ sản xuất nhiều loại sản phẩm tại Việt Nam, bao gồm TV, thiết bị viễn thông và sản phẩm liên quan tới máy tính.
Foxconn đang gấp rút triển khai kế hoạch nhằm giảm phụ thuộc vào hoạt động sản xuất tại Trung Quốc. Công ty này đặt mục tiêu đưa nâng tỷ trọng sản xuất bên ngoài Trung Quốc lên hơn 30%.
Trước đó, ngày 17/11, nhà máy của Foxconn tại Khu công nghiệp Đông Mai, Quảng Ninh đã xuất xưởng lô sản phẩm đầu tiên. Quảng Ninh là địa phương thứ hai tại Việt Nam (sau Bắc Ninh) được Foxconn lựa chọn để đầu tư, với diện tích 100.000 m2.
Theo kế hoạch, tới cuối năm 2020, nhà máy của Foxconn tại Khu công nghiệp Đông Mai sẽ sản xuất khoảng 20.000 màn hình tinh thể lỏng công nghệ cao và xuất khẩu chủ yếu sang Slovakia, Mexico, Ấn Độ... với giá trị xuất khẩu khoảng 250.000 USD. Năm 2021, nhà máy sẽ sản xuất khoảng 1 triệu màn hình với giá trị xuất khẩu khoảng 250 triệu USD và nâng dần lên 500 triệu USD, 1 tỷ USD vào những năm tiếp theo.
Các công ty đối thủ của Foxconn như hãng sản xuất điện tử Pegatron và nhà sản xuất theo hợp đồng Wistron cũng đã có kế hoạch mở rộng hoạt động sang Việt Nam.