BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Hai, 25/11/2024
Tin dự án
Đừng để vướng mắc nhỏ cản bước nhà đầu tư
Thứ Bảy, 17/10/2020 11:22

Rất nhiều nhà đầu tư đã nói: “Không gì cản được chúng ta khám phá cơ hội ở Việt Nam”, nhưng trên thực tế, vẫn đang có những “hòn đá” cản bước chân của họ.

Cuối cùng thì mong muốn sớm đầu tư tại Việt Nam của Tập đoàn Pegatron (Đài Loan) vẫn chưa thể thực hiện được. Ông lớn công nghệ này đã lên kế hoạch đầu tư tại Việt Nam 1 tỷ USD, bao gồm 3 dự án, với số vốn tương ứng là 19 triệu USD, 481 triệu USD và 500 triệu USD. Tuy nhiên, ngoài dự án đầu tiên đã được cấp chứng nhận đầu tư, dự án thứ 3 dự kiến đầu tư vào thời điểm 2025-2026, thì dự án thứ hai - chuyên sản xuất thiết bị điện tử ở Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Hải Phòng) vẫn chưa thể sớm triển khai.

Vướng mắc xuất phát từ đề xuất của Pegatron về các chỉ tiêu xây dựng cho Dự án: hệ số sử dụng đất 1,8 lần; chiều cao công trình tối đa 37 m (6 tầng), mật độ xây dựng là 60%. Hiềm một nỗi, theo quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, thì hệ số sử dụng đất chỉ là 0,8-1,2 lần, mật độ xây dựng 40-60%, tầng cao trung bình chỉ là 2 tầng. Nghĩa là, mong muốn của Pegatron vượt quá quy định. Chưa gỡ vướng được điều này, Pegatron chưa thể triển khai Dự án.

Câu chuyện nằm ở chỗ, ngoài Pegatron, một dự án khác của Tập đoàn Universal Global Technology Co.,Ltd (Đài Loan), thành viên của Tập đoàn Công nghệ ASE Holding cũng gặp vướng mắc tương tự. Theo kế hoạch, Universal Global sẽ đầu tư tại Hải Phòng một dự án sản xuất có quy mô vốn ban đầu là 200 triệu USD, sau tăng lên 400 triệu USD. Yêu cầu của họ về các chỉ tiêu xây dựng cũng giống như Pegatron, tức là có những trở ngại tương tự.

Không gặp vướng mắc này thì gặp vướng mắc khác. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham), các thành viên của họ vẫn đang gặp khó khăn liên quan đến nhập máy móc đã qua sử dụng. Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg về việc nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng đặt ra một số quy định về tiêu chuẩn nhập khẩu dây chuyền sản xuất như công suất hoặc hiệu suất còn lại phải đạt 85% trở lên; mức tiêu hao nguyên, vật liệu, năng lượng không vượt quá 15% so với thiết kế…

Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư Hàn Quốc, họ không rõ phương pháp chứng minh chi tiết việc đáp ứng các tiêu chí trên như thế nào. Hơn nữa, dù Quyết định đã đưa ra định nghĩa về “dây chuyền sản xuất”, nhưng khi nhập khẩu máy móc vào Việt Nam, lại khó có thể khẳng định rõ ràng hàng hóa nhập khẩu có thuộc “dây chuyền công nghệ” hay không nếu chỉ dựa vào định nghĩa đó.

Các doanh nghiệp Nhật Bản (nhóm nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển nhà máy về Việt Nam nhiều nhất trong thời gian qua) cũng đã nhiều lần than phiền về vấn đề này. Hơn thế nữa, gần đây, họ còn gặp những vướng mắc liên quan đến quy định về thời điểm thẩm định thiết bị sản xuất liên quan đến xây dựng nhà máy quy mô lớn.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), việc xây dựng các nhà máy mới có diện tích từ 20.000 m2 trở lên thuộc thẩm quyền quản lý xây dựng của Bộ Xây dựng. Vì thế, nhà máy - bao gồm cả thiết bị nhà xưởng và thiết bị sản xuất - sẽ phải được thẩm định và phê duyệt từng thứ một. Sau đó, nhà đầu tư mới điều chỉnh dây chuyền sản xuất của mình. Song quy trình thẩm định qua 2 công đoạn này mất nhiều thời gian khiến doanh nghiệp khó lên được kế hoạch khi nào sẽ bắt đầu sản xuất, dẫn đến làm tăng rủi ro khi đầu tư vào Việt Nam.

Kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc

Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và nhóm 5 nước Đông Nam Á và Nam Á đã hơn một lần nhấn mạnh: “Đại dịch Covid-19 có thể còn kéo dài một thời gian nữa, nhưng không điều gì có thể ngăn cản chúng ta tìm kiếm các cơ hội và đưa ra những chiến lược mới để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng tại Việt Nam”.

“Không điều gì ngăn cản chúng ta”, các nhà đầu tư nước ngoài đã nói thế, nhưng thực tế, vẫn đang có những hòn đá cản đường như vậy.

Trong làn sóng đầu tư dịch chuyển hiện nay, Việt Nam tuy là một điểm sáng, nhưng không phải là điểm đến duy nhất. Cả Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan… đều tung ra các chính sách thu hút đầu tư rất hấp dẫn, khiến cuộc đua đón làn sóng đầu tư dịch chuyển thêm gay gắt.

Chính vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ bãi bỏ quy định về chỉ tiêu sử dụng đất trong các khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải; chỉ đạo Bộ Xây dựng, UBND TP. Hải Phòng điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu kinh tế này để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư. Viện dẫn một số quy định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đề xuất của nhà đầu tư về quy chuẩn xây dựng của dự án không trái với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-BXD của Bộ Xây dựng. 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong làn sóng đầu tư dịch chuyển hiện nay, Việt Nam tuy là một điểm sáng, nhưng không phải là điểm đến duy nhất. Cả Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan… đều tung ra các chính sách thu hút đầu tư rất hấp dẫn, khiến cuộc đua đón làn sóng đầu tư dịch chuyển thêm gay gắt. Để nắm bắt cơ hội và thuyết phục các nhà đầu tư chọn điểm đến Việt Nam, cùng với việc phải chuẩn bị các điều kiện cơ bản như đất đai, hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực…, cần thiết phải tháo rào cản, gỡ vướng mắc, nhất là trong quá trình làm thủ tục đầu tư.

Trong khi đó, cả KorCham và JCCI đều tiếp tục kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến nhập khẩu máy móc. JCCI còn mong muốn rằng, Chính phủ Việt Nam sẽ nới lỏng quy định về thời điểm thẩm định thiết bị sản xuất khi xây dựng nhà máy quy mô lớn, sao cho doanh nghiệp có thể bắt đầu điều chỉnh dây chuyền sản xuất song song với thời gian thẩm định thiết bị sản xuất.

“Các nhà đầu tư đang sản xuất tại Trung Quốc hay tại một nước khác, như Thái Lan, khi dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam, mà mình lại coi họ dùng máy móc, thiết bị cũ, bắt họ phải thực hiện theo đúng các quy định hiện hành về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng thì sẽ làm khó họ. Dịch chuyển sản xuất đã mất 3-4 tháng rồi, nếu không tạo điều kiện để ngay lập tức họ có thể bắt tay sản xuất, thực hiện hợp đồng đã ký, thì họ sẽ không vào”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã nói như vậy.

Theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, chúng ta có thể không coi đó là thiết bị cũ, không bắt kiểm định, nhưng vì lợi ích quốc gia, phải đưa ra các định mức kinh tế kỹ thuật về môi trường, khí thải, tiếng ồn, cháy nổ, an toàn lao động… để buộc họ tuân thủ. Nếu phát hiện vấn đề, sẽ kiểm tra và yêu cầu họ nâng cấp thiết bị.

 

 

Số lượt đọc: 359
Thông báo