BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Thứ Tư, 25/12/2024
Tin dự án
Chặn làn sóng COVID-19, đón làn sóng FDI
Thứ Bảy, 05/12/2020 10:28

Với việc COVID-19 trở lại cộng đồng nhưng bước đầu đã nhanh chóng được khoanh vùng, Việt Nam đang chứng tỏ được khả năng phòng chống dịch, giữ ổn định tình hình. Nằm trong nhóm quốc gia có cơ hội hưởng lợi từ xu thế dịch chuyển vốn đầu tư, chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng vào làn sóng FDI thứ tư.

Cuối tháng 11, sau gần 90 ngày, những ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng trở lại tại Việt Nam. Nhưng ngay lập tức, các cơ quan chức năng đã phản ứng kịp thời, triển khai các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. TPHCM đã “thần tốc” khoanh vùng, phát hiện, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm người tiếp xúc các bệnh nhân.

Kết quả, theo các chuyên gia, mặc dù nguy cơ dịch bệnh vẫn hiện hữu rất lớn do tình hình trên thế giới, nhưng dịch tại TPHCM hoàn toàn có thể kiểm soát được, khả năng lây lan, bùng phát thấp.

Mặt khác, phải khẳng định rằng các cơ quan chức năng của Việt Nam không bất ngờ với các ca nhiễm này trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn hết sức phức tạp trên thế giới, mỗi ngày có nửa triệu ca nhiễm mới, hàng chục ngàn người tử vong… Trong tất cả các cuộc họp của Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về công tác phòng chống dịch, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo đều nhấn mạnh cảnh báo nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập luôn thường trực, nhất là trong thời điểm mùa đông sắp tới và cuối năm, khi các hoạt động kinh tế - xã hội được đẩy mạnh, nhu cầu đi lại tăng cao…

Tinh thần lớn mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo là kiểm soát chặt chẽ ngay từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả, trách nhiệm với người mắc bệnh. Chúng ta không được chủ quan, lơ là, “quyết không được để bài học ở Đà Nẵng thành vô ích”.

Nhìn lại các đợt lây nhiễm trong cộng đồng tại Việt Nam, có thể thấy, Việt Nam ngày càng có nhiều kinh nghiệm chống dịch, vẫn ổn định chiến lược ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị tốt, thời gian để khoanh vùng, dập dịch đợt sau ngắn hơn đợt trước, quy mô lây nhiễm nhỏ hơn, tác động tới mọi mặt kinh tế - xã hội ít hơn.

Trên nền tảng kiểm soát tốt dịch bệnh, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có sự cải thiện qua các tháng. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu ở mức kỷ lục là 20,1 tỷ USD. Chỉ số VN-INDEX đã vượt 1.000 điểm. Nhiều khả năng, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP gần 3% trong năm nay, trở thành quốc gia duy nhất duy trì tăng trưởng dương ở Đông Nam Á. Niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế Việt Nam đang rất khả quan.

Từ động thái của Apple

Riêng về thu hút đầu tư nước ngoài, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, do ảnh hưởng của đại dịch, dù đón nhận nhiều thông tin tích cực từ các nhà đầu tư của các quốc gia lớn, tuy nhiên sự phục hồi trên thực tế vẫn còn chậm. Việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án đầu tư nước ngoài tiếp tục bị ảnh hưởng. Số dự án mới, điều chỉnh vốn và cả số lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đều giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên mức độ giảm cũng đang được cải thiện dần.

Cụ thể, tính đến ngày 20/11/2020, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm FDI) ước đạt 26,43 tỷ USD , bằng 83,1% so với cùng kỳ năm 2019. Giải ngân vốn FDI 11 tháng đầu năm đạt 17,2 tỷ USD, bằng 97,6% so với cùng kỳ năm 2019. 

Trong thời gian tới, thu hút vốn đầu tư nước ngoài có thể tiếp tục gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia lớn là đối tác quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tin tưởng và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam.

Đặc biệt, việc ký kết hiệp định RCEP là điểm nhấn, dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam, mở ra một thị trường ổn định và rộng lớn với 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm 30% GDP toàn cầu; là cơ hội tốt để duy trì, thúc đẩy đà phục hồi sau dịch bệnh, thu hút đầu tư nước ngoài.

Cuối tháng 5, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác đặc biệt nhằm đón đầu làn sóng đầu tư khi thế giới tái định vị chuỗi cung ứng và sản xuất sau đại dịch COVID-19. Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, trong làn sóng thúc đẩy dịch chuyển sản xuất, Việt Nam, với những lợi thế sẵn có, nằm trong nhóm quốc gia có cơ hội hưởng lợi và hoàn toàn có thể kỳ vọng vào làn sóng đầu tư thứ tư.

Cũng trong tháng 5 vừa qua, trên mạng xã hội và một số diễn đàn công nghệ xuất hiện hình ảnh mẫu tai nghe AirPods Pro với dòng chữ “Assembled in Vietnam” (lắp ráp tại Việt Nam) trên vỏ hộp. Ở thời điểm câu chuyện dịch chuyển chuỗi cung ứng đang nóng lên, hình ảnh này được quan tâm đặc biệt.

Nay, ông Đỗ Nhất Hoàng xác nhận việc hãng công nghệ hàng đầu thế giới Apple đang tăng cường hoạt động sản xuất và sự liên hệ với thị trường Việt Nam, thông qua việc 3 đối tác chính là Foxconn, Winstron và gần đây là Luxshare đã chính thức hiện diện tại Việt Nam.

“Hơn nữa, một số quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã ban hành chính sách ưu đãi và hỗ trợ các công ty dịch chuyển dây chuyền sản xuất về nước hoặc đầu tư sang nước thứ ba nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Việt Nam có nhiều cơ hội để đón làn sóng chuyển dịch này do có nhiều lợi thế về môi trường đầu tư, cũng như thành công trong việc kiểm soát dịch COVID-19 thời gian vừa qua”, ông Đỗ Nhất Hoàng nhận định.

Chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc thu hút đầu tư có cải thiện trong bối cảnh quốc tế hiện nay, nhất là một số dự án công nghệ cao đã vào các địa phương. Đây là điều đáng mừng song vẫn còn giảm mạnh so với năm trước. “Chúng ta phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn”, Thủ tướng lưu ý.

Theo Thủ tướng, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020 góp phần phục hồi xuất khẩu sang châu Âu, nhất là Hiệp định RCEP có hiệu lực trong vòng 18 tháng tới, sẽ mang lại nhiều cơ hội xuất khẩu, đầu tư, du lịch, đồng thời là nhân tố quan trọng tiếp tục đẩy mạnh quá trình cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Bên cạnh đầu tư công, phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trong nước và FDI. Muốn làm được điều đó, phải cải cách môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa tận dụng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh xu thế dịch chuyển vốn đầu tư, chuỗi cung ứng, Thủ tướng nêu rõ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhắc đến chuyện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, khi RCEP được ký kết đúng vào thời điểm thế giới đang định vị, tổ chức lại các chuỗi cung ứng, trong khi các hoạt động đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển.

“Việt Nam có cơ hội để định hình lại và có thể khai thác tốt hơn nữa các vị thế mới, từ đó xây dựng vị trí trong bản đồ các chuỗi cung ứng trên toàn cầu”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói. Cùng với các nước ASEAN khác, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội trở thành một trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ những nước trong RCEP.

Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam đang là một điểm đến tiềm năng với nhiều ưu thế, nhất là thành tựu chống dịch. Việt Nam cũng đảm bảo 4 yếu tố mà doanh nghiệp FDI mong muốn khi đầu tư vào một quốc gia. Đó là nguồn lao động có tay nghề, hệ thống logistics thuận tiện, môi trường pháp lý linh hoạt và triển vọng kinh tế vĩ mô ổn định.

Tuy nhiên, việc thu hút FDI thời gian qua cũng tồn tại không ít thách thức cần giải quyết. Trả lời phỏng vấn Forbes Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị còn hạn chế, đặc biệt là trong các lĩnh vực có hàm lượng chất xám cao. Tỷ lệ nội địa hóa bình quân hiện nay chỉ đạt 33%, cho thấy mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, chủ yếu tham gia ở các công đoạn “thuần gia công” trong chuỗi giá trị, với giá trị gia tăng khiêm tốn. Bên cạnh đóng góp tích cực, khối doanh nghiệp FDI cũng tạo ra nhiều tiêu cực về ô nhiễm môi trường, hiện tượng chuyển giá, trốn thuế.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, để giữ sức hút với vốn FDI, trước hết, Việt Nam đang nỗ lực phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, đồng thời thuận lợi hóa các thủ tục cách ly, kiểm tra y tế để các nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận tìm hiểu thị trường Việt Nam. Việt Nam đang vừa khôi phục, đổi mới đồng bộ nền kinh tế, vừa phát triển kinh tế số, chính phủ số để dịch chuyển nhanh theo hướng hiện đại.

Đồng thời, chúng ta đang chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá. Các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu là những ưu tiên trong thu hút FDI hiện nay, nhằm đảm bảo tính hiệu quả và bền vững.

Luật Đầu tư sửa đổi đã được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2020 và chính thức có hiệu lực từ 1/1/2021 với nhiều điểm mới, như cải cách thủ tục, mở rộng quyền tự chủ của nhà đầu tư; chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển nhà sản xuất tham gia chuỗi sản xuất và liên kết…

Đặc biệt, Luật đã sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề ưu đãi đầu tư nhằm bảo đảm thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chất lượng theo Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, các Luật thuế và các Luật liên quan.

Số lượt đọc: 351
Thông báo