Ra đời từ năm 1998, Diễn đàn đã góp phần thúc đẩy việc thực hiện các cải cách nhằm giảm bớt rào cản và tăng cường tính minh bạch trong lĩnh vực phát triển doanh nghiệp và khuyến khích đầu tư. Đây là một thể chế quan trọng được công nhận bởi cả Chính phủ và doanh nghiệp.
Mười bốn hiệp hội doanh nghiệp và phòng thương mại trong nước và quốc tế sẽ cùng nhau tiếp nhận vai trò điều phốicác hoạt động hàng ngày của Diễn đàn từ IFC.
“Sự khởi đầu mới này của Ban thư ký Diễn đàn thể hiện một bước phát triển tất yếu trong vai trò của chúng tôi, đó là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình phối hợp với chính phủ để xóa bỏ những cản trở đối với khả năng mở rộng kinh doanh và tạo thêm việc làm của khu vực tư nhân,”ông Christopher Twomey, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, một tổ chức thành viên trong Ban Thư ký mới, khẳng định.
Sự chuyển giao nàychỉ thể hiện sự thay đổi trong hoạt động điều phối của VBF, nhưng không ảnh hưởng đến việc vận hành, cơ cấu và hoạt động của Diễn đàn. Bảy nhóm công tác của Diễn đàn gồm Ngân hàng, Cơ sở hạ tầng, Thị trường vốn, Sản xuất & Phân phối, Giáo dục, Du lịch và Khoáng sản sẽ vẫn tiếp tục định kỳ gặp gỡ các đối tác từ phía chính phủ.
“VBF, diễn đàn hoạt động bên lề Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG), đã trở thành kênh thu thập thông tin hữu ích cho Chính phủ Việt Nam, là diễn đàn hoạt động hiệu quả nhất giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Chúng tôi đánh giá cao sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp tại Diễn đàn với việc tiếp nhận vai trò thư ký của Diễn đàn. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Diễn đàn hoạt động hiệu quả hơn nữa để góp phần không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu.
Cùng với chính phủ các nước Phần Lan, Ailen, Hà Lan, New Zealand và Thụy Sỹ, IFC sẽ tiếp tục hỗ trợ Ban Thư ký mới thực hiện vai trò điều phối các hoạt động của Diễn đàn. Ngân hàng Thế giới và IFC cũng sẽ tiếp tục giữ vai trò đồng chủ tọa Diễn đàn.
“Đến nay, khi cơ chế đối thoại giữa Nhà nước và tư nhân đã được thiết lập vững chắc, Diễn đàn cần được điều phối bởi cộng đồng doanh nghiệp nhằm tăng cường khuyến khích quá trình thảo luận và bảo đảm tính bền vững trong dài hạn”, ông Simon Andrews, Giám đốc Khu vực của IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan phát biểu. “IFC có vai trò hỗ trợ và điều phối quá trình hợp tác Nhà nước-tư nhân nhằm thiết lập VBF như một cơ chế độc lập và bền vững”, ông nói thêm.
Diễn đàn này cũng là một mô hình được áp dụng cho cơ chế đối thoại tương tự giữa Chính phủ và khu vực tư nhân do IFC hỗ trợ ở Campuchia và Lào.
Tham gia Ban Thư ký mới gồm Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam, Phòng Thương mại Bắc Âu tại thành phố Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại Canada tại Việt Nam, Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam, Hiệp hội Da giầy Việt Nam, Hội Doanh nghiệp Trẻ Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại thành phố Hồ Chí Minh và Hiệp Hội Doanh nghiệp Singapore./.