Nhiều kết quả khả quan đáng chú ý:
Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án có vốn đầu tư lớn như các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, dự án đô thị và các dự án du lịch sinh thái. Tổng vốn FDI thu hút ước đạt 2,86 tỷ USD, vốn DDI ước đạt 56 ngàn tỷ đồng, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Tỉnh cũng đã thu hút mới 5 dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi với tổng mức đầu tư là 258 triệu USD, tập trung đầu tư cho các dự án quan trọng về kết cấu hạ tầng.
Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI về phát triển hạ tầng đô thị, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 04 về đầu tư tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2025, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 91 về phát triển hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc giai đoạn 2013 - 2020 và Chương trình phát triển đô thị của tỉnh. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của tỉnh trong những năm qua cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tỉnh ưu tiên đầu tư công cho các công trình trọng điểm về kinh tế xã hội nhằm thu hút các dự án sản xuất công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao vào đầu tư và cải thiện, nâng cao chất lượng sống của nhân dân; tạo điểm nhấn cho đô thị Vĩnh Phúc so với các tỉnh, thành trong vùng, đồng thời, bảo đảm quốc phòng - an ninh gắn với sử dụng tiết kiệm đất, bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tỉnh xây dựng cơ chế huy động mọi nguồn vốn đầu tư phát triển, đặc biệt là khai thác, huy động tối đa nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư các công trình lớn, hiện đại thông qua các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), nguồn vốn của doanh nghiệp, nhân dân. Giai đoạn 2016-2019, tỉnh huy động 90,3 nghìn tỷ đồng vốn sử dụng cho xây dựng cơ bản, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 16,5%/năm, chiếm khoảng 68,6% trên tổng vốn đầu tư tại địa bàn. Trong giai đoạn 2017-2020, dự kiến nguồn vốn từ ngân sách tỉnh khoảng 30%, vốn đề nghị từ nguồn ngân sách Trung ương khoảng 3%, nguồn ODA khoảng 7%, theo hình thức PPP khoảng 16% và từ nguồn doanh nghiệp khoảng 44%. Trong đó, vốn đầu tư cho hệ thống giao thông và dự án hạ tầng sản xuất chiếm 34%, dự án hạ tầng xã hội chiếm 31% trên tổng vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng của tỉnh giai đoạn 2017-2020.
Giai đoạn 2016-2020, quy mô vốn đầu tư của tỉnh tăng lên và có sự chuyển dịch cơ cấu vốn theo hướng tích cực. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, tăng nguồn vốn tín dụng và ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng của các nguồn vốn ngoài nhà nước. Tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước giảm từ 25,4% năm 2015 xuống còn 16,8% năm 2019; tỷ trọng vốn khu vực đầu tư nước ngoài tăng cao, từ 25,8% năm 2015 lên 43,1% năm 2019. Hiệu quả vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh tiếp tục ở mức khá. Trong đó, vốn đầu tư được tập trung chủ yếu cho xây dựng cơ bản, góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt cơ sở hạ tầng của tỉnh.
Thu hút vốn đầu tư từ nhiều nguồn
Theo Đề án phát triển kinh tế xã hội tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, nhu cầu vốn đầu tư dự kiến cho giai đoạn 2021-2025 của tỉnh là 260-280 nghìn tỷ đồng. Tỉnh mở rộng thu hút vốn đầu tư từ nhiều nguồn, thúc đẩy thu hút vốn đầu tư từ các nguồn xã hội hóa như hợp tác PPP và nguồn doanh nghiệp, nhân dân. Tăng cường quản lý vốn, xây dựng kế hoạch sử dụng vốn hiệu quả, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Phân bổ và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư công (bao gồm cả vốn ngân sách tỉnh, vốn ODA, vốn vay ưu đãi, các nguồn hỗ trợ từ Trung ương và nguồn khác. Ưu tiên tập trung để thực hiện các dự án trọng điểm theo danh mục đã được xác định.
Cùng với đó, tỉnh coi trọng việc xã hội hóa đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội có khả năng thu hồi vốn; ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích, thu hút, khai thác nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư vào các công trình thiết yếu, quan trọng theo hình thức đối tác công tư (PPP) và từ các nguồn vốn doanh nghiệp, nhân dân, tập trung vào lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Trong đó, ưu tiên tăng trưởng xanh, các công viên, khu vui chơi giải trí, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo nhà ở chung cư cũ, nước sạch nông thôn... Tích cực gọi vốn ODA cho lĩnh vực xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, cho các chương trình phát triển y tế cộng đồng và nâng cao mức sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa, bảo vệ môi trường sinh thái.